"Đoạn trường" sinh viên làm thêm kiếm thêm tiền Tết

(PLO) -Để những mùa xuân thêm no ấm, để những mùa xuân sau bớt gánh nặng gia đình, mỗi mùa Tết đến là lúc sinh viên lao vào cuộc sống, làm thêm đủ công việc nặng, nhẹ…

Nhọc nhằn mưu sinh
Vừa được nghỉ Tết, cả nhóm sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Thủ Đức xin ngay vào công ty chế biến nha đam bên quận 7. 
Thanh Thảo (quê Phú Yên) tâm sự, chạy ngược chạy xuôi không tìm được việc nên mới vào đây. Ban đầu, người tuyển dụng nhìn cái dáng còm nhom của cả nhóm, e ngại: “Công nhân của anh ở đây quen việc mà làm còn chịu không nổi, xỉu lên xỉu xuống, tụi em liệu trụ được bao lâu hả mấy cô bé? Nếu tụi em muốn làm thì cứ thử một buổi cho biết…”. 
Nhóm của Thảo được giao ủng, mũ, khẩu trang và chiếc áo công nhân rồi được dẫn vào xưởng. Thảo kể, trong xưởng mọi người làm việc tất bật, nghiêm túc giữa những tiếng động cơ ầm ào đinh tai nhức óc.
Nước máy lúc nào cũng rỉ rả chảy tràn dưới nền xưởng một lớp mỏng. Hàng loạt dãy sàn xây ngang tầm người đứng đều ốp gạch trắng lóa giống như sàn giặt đồ, có đường rãnh để thoát nước. Chỉ khác cách quãng một, hai mét, giữa sàn có khoét thêm những lỗ trũng to làm bồn chứa cây nha đam. Vậy nên, các công nhân phải đứng làm việc suốt từ sáng sớm đến 9, 10 giờ đêm. Hàng tấn bẹ nha đam to mẩy được người ta cạo chi li không lẫn chút vỏ xanh nào rồi bỏ vào từng khay vuông để rửa, cắt, bưng bê, chế biến… 
Sinh viên làm thêm vào những ngày cận Tết
Sinh viên làm thêm vào những ngày cận Tết 
Chỉ sau một buổi đứng tỉ mẩn cắt, gọt bẹ nha đam, những sinh viên chân yếu tay mềm đã thấy hai đầu gối bủn rủn. Cộng thêm độ lạnh chỉ khoảng mười mấy độ làm đôi tay lóng ngóng, lập cập; cặp giò run run không đứng vững. 
Đúng như lời người  tuyển dụng nói, nhóm sinh viên trẻ không cách gì làm nổi dù chỉ một tuần, thử việc nửa buổi đã mệt bở người và đành bỏ cuộc…
Công việc tiếp theo của nhóm Thanh Thảo là phụ bán tranh ở vỉa hè. Cứ chiều chiều, mấy đứa sinh viên cùng ông chủ bày tranh ra ngồi chờ khách. Công việc thì nhàn, nhưng đồng lương cũng ít ỏi…
Ngậm ngùi bị cướp công
Để dễ dàng kiếm việc làm thời vụ dịp Tết, nhóm bạn Ngô Quang Minh, sinh viên Kinh tế, quê Sóc Trăng nhờ đến trung tâm giới thiệu việc làm. 
Nhóm của Minh gồm nhiều sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau. Sau khi đóng phí mỗi người hai chục ngàn, họ nhận được địa chỉ tìm đến xưởng chuyên làm phong bì lì xì, hộp quà, túi giấy… nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo ở quận 3. 
Ở đó, có khoảng năm mươi công nhân đang ngồi quây vòng từng nhóm gấp những túi giấy đựng quà tặng. Nhóm sinh viên được phân công dán phong bì lì xì, mỗi người một công đoạn. Cứ dán được một ngàn cái trong một công đoạn sẽ được mười hai ngàn đồng. 
Nhóm của Minh làm việc từ 7h sáng đến 10h đêm. Lương ăn theo sản phẩm. Bữa nào tăng ca thì được phát một gói xôi lót lòng. Buổi trưa vừa lùa vội chén cơm, húp tợp nước là mọi người đã bắt tay vào làm. Dù thèm ngủ cỡ nào cũng phải chong mắt, nhanh tay dán…
Tuy nhiên, công việc kiểm hàng nơi đây lại giao cho người có lẽ học chưa qua tiểu học. Một thanh niên cầm một xấp giấy ngông nghênh đảo vài vòng trong xưởng la hét người này, nạt nộ người kia rồi ghi lại nguệch ngoạc số sản phẩm làm được trong mẩu giấy nhỏ không đúng với thực tế. 
Làm được hai tuần, chuẩn bị thống kê sản phẩm để lãnh lương thì ôi thôi, nhiều phiếu ghi sản phẩm thất lạc đâu mất. Có ngày làm được rất nhiều thì không thấy phiếu ghi lại, có ngày số sản phẩm bị người kiểm hàng “xén” bớt. Nhóm sinh viên nhốn nháo bức xúc. 
Cuối cùng, bà chủ tính gọn: “Trung bình một ngày người ta trả cho tụi em 70 ngàn thì tôi cũng trả như vậy, còn ai chứng minh được mình làm mỗi ngày đạt bao nhiêu sản phẩm thì tôi dựa theo đó mà trả”. 
Riêng Phú, sinh viên Bách khoa năm thứ nhất may mắn đã cẩn thận ghi lại sản phẩm mỗi ngày làm được trong cuốn sổ tay nhỏ đưa cho bà chủ, buộc bà tính tiền sòng phẳng cho mình. Thế nên, dù làm chậm hơn nhưng tiền lương Phú nhận lại nhiều hơn, và nhóm bạn được một phen “rút kinh nghiệm”.
Nhóm của Minh Hùng, quê Hưng Yên, sinh viên Đại học Công nghiệp cũng lăn lộn qua đủ thứ nghề. Mấy năm trước, nhóm ở lại thành phố đi giữ nhà cho người ta, nhưng rút cục ngủ say, bị bọn trộm vào lấy mất đồ, cuối cùng phải bỏ tiền ra đền cho gia chủ, may chỉ mất có cái 
laptop. Năm nay rút kinh nghiệm, không dám đi giữ nhà nữa, cả nhóm tham gia vào dịch vụ chở hàng trước Tết. Minh Hùng kể, mỗi ngày một bạn sinh viên nhận thù lao khoảng 150 ngàn đồng, số tiền khá cao đối với sinh viên, nhưng cũng chạy bở hơi tai khắp cả thành phố. Trung bình mỗi ngày các bạn chạy vài trăm cây số là thường… 
Mong về quê đón Tết
Ngồi thu lu trong góc phòng, Thanh Thảo bật khóc, rầu rầu nói: “Giờ này ở quê, chắc mẹ đang lụi cụi nhào bột làm bánh khoai lang, cha đi rọc mấy tàu lá chuối về phơi héo để chuẩn bị gói bánh tét.
Nếu có ở nhà, chắc là mình cũng sẽ giành đi đun củi, châm nước, chu mỏ thổi phù phù khi bếp lửa nấu bánh tắt ngúm. Dù có bị bụi than bám đầy mặt, khói hun cay xè mắt, dù có ngủ gà ngủ gật và bật dậy quáng quàng lúc nửa đêm để thay nước mới trở bánh… thì lòng vẫn rộn rã, vui vui”. 
Giống Thanh Thảo, thời gian này có sinh viên tất bật làm thêm để giáp Tết có chút ít tiền trong túi, mang về chia sẻ cùng gia đình. Có người lại “hy sinh” Tết đầm ấm đoàn viên để ở lại thành phố kiếm tiền đóng học phí học kì sau… Mỗi sinh viên đều có lý do để tất bật làm thêm dịp Tết. Tất cả đều vun đắp hành trang sống của các bạn, và để chắt chiu cho những mùa xuân tươi đẹp hơn trong tương lai./.

Đọc thêm