"Đoán ý" CPI

Lần đầu tiên sau 3 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012 tụt về mức âm - giảm 0,26% so với tháng 5. Tính chung từ đầu năm, CPI của cả nước chỉ tăng 2,52%, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Lần đầu tiên sau 3 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012 tụt về mức âm - giảm 0,26% so với tháng 5. Tính chung từ đầu năm, CPI của cả nước chỉ tăng 2,52%, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Tình trạng tồn kho đang đẩy nhiều doanh nghiệp đến miệng vực

Số liệu CPI tháng 6 được công bố dường như “hậu thuẫn” cho các ý kiến quan ngại cho rằng kinh tế đang lâm vào tình trạng giảm phát. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại tin rằng, CPI ở mức thấp và giảm nhẹ trong tháng 6 vừa qua là điều bình thường, không thể căn cứ vào chỉ số của riêng một tháng để “quy kết” nền kinh tế đang giảm phát.

Theo vị này, yếu tố tiêu cực cần lưu ý ở đây nằm ở nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng âm. Loại trừ ba nguyên nhân như: sụt giảm cung tiền/tín dụng, tăng sản lượng chung và tăng cầu tiền thì nổi lên là sự sụt giảm tổng cầu. Cụ thể, tháng 6 có đến 5/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung giảm với mức từ 0,02-1,64%, điều này chứng tỏ đại đa số người dân đang phải thắt chặt túi tiền do thu nhập khó khăn.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng bảy tỏ, chưa thể khẳng định sẽ xảy ra giảm phát. Theo ông Anh, chỉ khi lạm phát rơi xuống dưới số 0 trong hai quí liên tục thì mới đáng quan ngại giảm phát xảy ra. Nhưng thực tế không thể phủ nhận, đã có dấu hiệu hoạt động kinh tế bị thu hẹp đáng kể, cụ thể là việc doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng qua các tháng.

Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp để tránh xảy ra hiện tượng giảm phát, như gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng qua chính sách thuế,  rồi Ngân hàng Nhà nước bơm gần 300.000 tỉ đồng ra nền kinh tế và liên tục giảm lãi suất, tuy nhiên theo ông Anh, vấn đề là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn trên thực tế.

Ngân hàng JP Morgan Chase của Mỹ vừa đưa ra nhận định: CPI của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua là thấp hơn dự kiến và “đáng ngạc nhiên theo hướng tích cực”. Theo đó, tình hình giảm phát (nếu có/PV) sẽ đưa đến 2 hiệu ứng tích cực. Thứ nhất, giảm phát sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ tung ra các gói nới lỏng mới.

Điều này sẽ giúp vực dậy tăng trưởng năm nay vốn đã và đang trong tình trạng rất yếu. Thứ 2, giảm phát sẽ giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán. Bộ phận phân tích JP Morgan Chase dự báo, CPI Việt Nam sẽ còn giảm nữa và có thể đạt đáy (dự báo từ 4,2-5% so với cùng kỳ, so với mức hiện tại là 6,9%) vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới trước khi quay đầu tăng trở lại và dự báo đạt 6-7% vào cuối năm 2012.

Còn theo nhận định của Tổng cục Thống kê, diễn biến giá cả thời gian qua cùng với tình hình sản xuất ngày càng khó khăn cho thấy, CPI tháng 7 sẽ vẫn duy trì xu hướng đi xuống. Dự báo với thực tế hiện nay và triển vọng 6 tháng cuối năm, CPI cả năm 2012 sẽ ở mức hơn 6%. Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm mục tiêu kiềm chế lạm phát một con số hoàn toàn có thể đạt được.

Thông điệp không mới được đưa ra liên tục trong thời gian gần đây, đó là, cần phải khắc phục dấu hiệu giảm phát bằng cách kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua của người dân, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh từng doanh nghiệp. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn thẳng thắn cảnh báo, ngoài gói hỗ trợ giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp mà Chính phủ đang thực hiện, đòi hỏi các chính sách thực sự có hiệu lực để giúp DN thật sự tiếp cận được dòng vốn tín dụng.

Trong nửa đầu năm 2012, cả nước đã có 26.324 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, số DN giải thể là 4.105, tăng tới 35,4%; DN ngừng hoạt động là 22.219 DN, tăng 1,3%. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi  lao động là 2,29%. (Nguồn Tổng cục Thống kê).

Mai Hoa

Đọc thêm