10 năm xúc đất trái phép
Báo PLVN nhận được đơn thư phản ánh của người dân khu vực dốc Quán Châu thuộc thôn 2, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa về việc một doanh nghiệp khai thác đất trái phép ròng rã ngót 10 năm trời mà không hề bị xử lý.
Theo đơn, phóng viên tìm về địa phương trên và chứng kiến nằm ngay bên tỉnh lộ 514 là 2/3 quả đồi đất đỏ rộng lớn bị Công ty Xuân Thành đào bới nham nhở bởi máy múc, máy ủi…. Từng đám mây bụi lớn, đỏ ngầu bốc lên mù mịt mỗi khi xe cơ giới chạy qua khiến không khí nơi đây càng trở nên đặc sánh, ngột ngạt - hệ lụy của việc xe trọng tải lớn đến chở đất đi mà không có biện pháp che chắn.
Một chủ cửa hàng tạp hóa nằm đối diện với cổng vào khu vực khai thác (xin được giấu tên) mệt mỏi cho biết: Tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước ở đây bởi bụi đất diễn ra đã gần 10 năm nay. Nhiều lần chứng kiến các đoàn về kiểm tra nhưng việc đào múc đất của Cty này chỉ dừng được vài ngày, khi đoàn kiểm tra đi, tất cả đâu lại vào đấy. “Hình như họ chỉ kiểm tra, xử lý cho có lệ thì phải?!” –chủ tiệm tạp hóa không giấu được vẻ thất vọng.
Là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ việc khai thác đất trái phép nói trên, anh Nguyễn Đức Chung ở thôn 2 bức xúc cho biết: Gần 10 năm Cty Xuân Thành tiến hành khai thác cũng là ngần ấy thời gian gia đình anh phải sống trong nơm nớp lo âu. Lo là bởi trước sự phản ứng yếu ớt của các cơ quan chức năng, Cty Xuân Thành đã ngày càng bành trướng, mở rộng hoạt động đào bới của mình, biến phần đất của gia đình anh trở thành “ốc đảo”.
Mùa khô đến, cả nhà lại phải chạy đôn đáo đi xin nước về sinh hoạt, nước trong ao cạn kiệt không thể nuôi thả cá. Đáng lo ngại hơn, trong quá trình lấy đất, Cty này đã cho đào hàm ếch lấn sâu vào phần đất của gia đình, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến diện tích hơn 1ha trồng hàng trăm gốc vải, cho thu nhập mỗi năm từ 50 – 60 triệu của anh có nguy cơ bị thu hẹp dần. Và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chuyện vườn vải biến mất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trước tình trạng trên, cá nhân anh Chung đã hơn một lần làm đơn kiến nghị lên xã và trực tiếp gọi hàng trăm cuộc điện thoại cho Chủ tịch UBND xã Hợp Thắng để kêu cứu nhưng chính quyền vẫn không đưa ra được biện pháp khả dĩ nào để xử lý. “Chúng tôi đã quá mệt mỏi và mất lòng tin rồi! Bởi, cứ sau khi thấy các đoàn về kiểm tra, họ - Cty Xuân Thành – lại càng tỏ thái độ giương giương tự đắc và tổ chức khai thác mạnh hơn. Họ còn buông lời thách thức: “Cty quan hệ với huyện, với tỉnh chứ cấp xã này thì ăn thua gì!”(?). Đấy, chú bảo như thế thì người dân còn biết kêu ai?!”.
Huyện Triệu Sơn ngăn cản báo chí tác nghiệp
Tìm hiểu thêm từ phía UBND xã Hợp Thắng, chúng tôi được biết: Hoạt động khai thác đất của Cty Xuân Thành được bắt đầu từ khoảng năm 2005 đến nay. Cty này đã âm thầm thỏa thuận mua lại khối lượng đất trên diện tích vườn đồi của một số hộ dân trong khu vực dốc Quán Châu. Do không xin được giấy phép khai thác, Cty Xuân Thành đã dùng “chiêu” xin chính quyền xã, huyện cho múc bớt đất để hạ độ cao, cải tạo vườn trồng cây rau màu. Với chiêu này, Cty đã được đồng ý và nhanh chóng bắt tay vào việc khai thác đất, bán cho các công trình có nhu cầu san lấp mặt bằng.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Đình Sĩ – Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận việc Cty Xuân Thành khai thác đất ở khu vực nêu trên là đúng và Cty này hoàn toàn khai thác trái phép. Tỉnh, huyện đã nhiều lần về xử lý, riêng chính quyền xã cũng đã không dưới 3 lần đến lập biên bản, nhưng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy.
Tiếp tục liên hệ công tác về nội dung trên với UBND huyện Triệu Sơn thì chúng tôi rất bất ngờ trước cách làm việc của chính quyền địa phương này. Sau khi PV xuất trình Giấy giới thiệu của Tòa soạn, Chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận của cơ quan và đề nghị được làm việc về nội dung: việc khai thác đất trái phép trong khu vực dốc Quán Châu của Cty Xuân Thành đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng về môi trường sống xung quanh, ông Trần Sĩ Bình – Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn báo chí của huyện yều cầu PV cho xem đơn thư của người dân. PV từ chối cung cấp đơn thư theo quy định của Luật Báo chí thì ông Bình kiên quyết yêu cầu phải có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Tổng Biên tập thì mới cho làm việc.
Dù PV đã giải thích tường tận về nội dung làm việc và giấy giới thiệu của đại diện Ban Biên tập hoàn toàn đúng theo quy trình của Luật Báo chí nhưng ông Trần Sĩ Bình luôn căng thẳng từ chối, thậm chí ông còn xưng hô... “tao” trong buổi liên hệ công tác của PV. Sau đó ông Bình hướng dẫn PV nên liên hệ qua Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin Truyền thông để liên hệ công tác rồi từ chối làm việc.
Việc Cty Xuân Thành ngang nhiên khai thác đất trái phép trong suốt thời gian gần 10 năm qua mà không bị xử lý triệt để đang là nỗi bức xúc cao độ của người dân nơi đây. Liệu có “thế lực đen” đứng sau “bảo kê” cho Cty Xuân Thành hay không? Và với cung cách làm việc quan liêu, cố tình gây khó dễ của chính quyền huyện Triệu Sơn đối với báo chí khiến dư luận hoài nghi về sự hợp tác trục lợi giữa doanh nghiệp và chính quyền huyện Triệu Sơn?
PLVN tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc trên.