Bà con dân tộc ở vùng rẻo cao tỉnh Hà Giang có cách riêng để giữ gìn lương thực cho mình trong một năm trong tình trạng không điện, không tủ lạnh. Họ cũng có những cách đặc biệt để tạo các món ăn giải khát sau những giờ làm đồng vất vả…
Nhớ những ngày đi mò... bánh đá
Anh Tráng Seo Phì, người dân ở thôn Bản Rào, xã Na Khê, huyện Yên Minh, Hà Giang kể lại chuyện người dân cùng nhau đi vớt bánh đá ở những con suối quanh làng với giọng sôi nổi, đầy háo hức. Bánh đá được bà con vứt xuống suối cách đấy cả vài tháng, cũng mọc rêu như những viên gạch, hòn đá ở dưới suối nên khó tránh khỏi việc đi mò bánh vớt nhầm phải đá, những ai tinh ý lắm mới không nhầm lẫn.
Anh Phì kể, chính anh là người đã bị nhầm lẫn khi được vợ giao cho việc đi vớt bánh đá về nhà. Dạo đó anh đã đi đến đúng khu vực vợ mình đã cất bánh đá nhưng mò mãi không thấy chiếc bánh nào, đi xa cách đấy chừng chục mét thì thấy hình thù hai chiếc bánh xù xì như viên đá nên sung sướng ôm cả hai chiếc về nhà rồi cả hai vợ chồng hì hụi lấy xơ mướp cạo rêu, chuẩn bị thưởng thức một bữa bánh đá thịnh soạn.
Cạo mãi mà chưa thấy lớp gạo trắng ngần hiện ra, chỉ thấy một màu xam xám. Gọi chồng vào với ánh mắt ngạc nhiên pha chút thất vọng, chị bảo anh: “Hay bánh nhà mình làm sai khâu nào đấy, bị hỏng mất rồi”. Anh Phì lúc này mới giật mình tự hỏi: “Hay anh vớt nhầm cục đá”. Rất may là sau vài phút cạo rêu, cuối cùng lớp gạo trắng ngần cũng hiện ra. Hai vợ chồng cùng hân hoan thưởng thức món bánh truyền thống của đồng bào.
Kể đến đây, anh Phì chợt chùng giọng xuống bảo: “Bây giờ người dân không còn cảnh rủ nhau ra suối đi mò bánh đá nữa đâu, vì mỗi người đều tìm cách dẫn nguồn nước về nhà mình để ngâm, không vứt ra sông, ra suối như trước nữa nên không có chuyện ăn gian, vớt nhầm bánh đá nhà khác như thời đói khổ trước kia nữa”.
Đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt chỉ vì việc đi mò bánh đá ở các con suối quanh khu vực xã Na Khê. Chuyện người dân đi mò bánh nhưng vớt nhầm gạch, ôm đá về nhà là chuyện thường. Hoặc chuyện có người hân hoan khi chắc chắn mình vớt đúng khu vực đã vứt bánh nhưng lại dư ra một vài chiếc so với ngày mình cất… Người thật thà thì vứt trả lại, người tham thì ôm về nhà mình luôn…
Chị Nghi phải dùng hết sức mới thái được bánh đá |
“Chế tác” bánh đá
Chị Tráng Thị Nghì, cán bộ tư pháp xã Na Khê cho chúng tôi biết, đồng bào khu vực vùng cao sáng tạo lắm, họ có nhiều cách để tích trữ lương thực. Nhà chị ở xã khác, đến khi được phân công về làm tư pháp ở Na Khê mới biết nơi đây có bánh đá. Chị cho biết, gạo để làm bánh đá thường là loại ngon, kém nhất phải là gạo Bắc Hương trộn cùng với gạo nếp. Làm bánh đá rất kỳ công và mất nhiều công sức nhưng sau mỗi vụ gặt, nhà nào cũng làm bánh đá để tích trữ.
Ban đầu người dân trộn hai loại gạo với nhau, sau đấy mang đi ngâm khoảng 4-5 tiếng, ngâm xong rồi lại phơi khô. Chờ cho gạo ngâm đã khô, bà con sẽ mang đi nghiền. Sau đó đồ bột gạo lên, chín nhừ thì mang ra giã, giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch. Nhưng thao tác nặn phải thật nhanh vì nếu để bột nguội thì chúng không dính quyện được vào nhau. Người nào khéo tay thì có chiếc bánh đẹp, vuông vức, nếu không thì bánh sẽ hụt trước, hụt sau. Mỗi chiếc bánh đá nặng khoảng 1kg.
Sau khi bánh đã thành khuôn thì để nguội rồi cho vào hộp (hoặc tải) ủ rơm 3 ngày. Khi nào ngửi thấy có mùi mốc thì bắt đầu mang bánh đá ra suối ngâm. Khi gia đình có nhu cầu ăn thì ra suối mò về. Chị Nghì cho biết, trước đây bà con thường mang xuống suối ngâm, nhưng nhiều lúc bị lấy trộm nên giờ người dân kéo nguồn nước về đến tận nhà để ngâm. Nếu không có nguồn nước suối thì ngâm nước tại nhà, khi nào ngửi thấy có mùi chua thì đổi nước, cứ liên tục như vậy, khoảng vài tháng, khi kho lương thực trong nhà cạn dần thì bắt đầu mang bánh đá ra ăn.
Bây giờ người dân dùng bàn chải để cạo rêu. Ngày xưa chưa có bàn chải thì bà con dùng xơ mướp để đánh rêu. Đánh cho đến khi bánh trắng tinh như gạo thì dừng lại, bắt đầu thái sợi như thái su hào xào. Sau đó mỗi người một cách ăn khác nhau, người thì ăn thay bún, người thì dùng nó như một món giải khát sau những giờ nhọc nhằn bên nương. Chị Nghì cho biết, người vùng cao không có đồ ăn vặt nên bánh đá được xem như một nguyên liệu để làm một món ăn vặt.
Hôm chúng tôi đến, trực tiếp chị Tráng Thị Nghì chế biến món bánh đá mò ở con suối cạnh nhà để đãi khách. Sau khi dùng bàn chải cọ sạch lớp vỏ ngoài, nữ cán bộ tư pháp xã phải dùng cả hai tay để cầm dao to bản, đặt vào khối bánh đá đã cứng như đá, thái từng lát bánh đá mỏng, sau đó mới thái bánh thành sợi. Rồi chị lấy gừng đập nát, cho vào nồi nước (đã có đường phên) đun sôi, sau đó thả từng miếng bánh đã được thái chỉ vào nồi, chờ nước sôi là múc ra bát ăn. Từng miếng bánh đá lúc này đã dẻo, quyện cùng mùi gừng và vị ngọt của đường phên trở thành một món ăn độc đáo của người vùng cao.
Chị Nghì cho biết, cũng có những gia đình sau khi thái chỉ bánh đá, chỉ cần luộc qua nước nóng một lần, trộn nước mắm vào, cả nhà cùng ăn như người dưới xuôi ăn bún rối chấm nước mắm chanh. Họ còn tự hào về món ăn của họ ngon, dẻo, nóng sốt... ăn đứt món bún nguội lạnh của người Kinh. Bánh đá là một món ăn được coi là đặc sản truyền thống của đồng bào nên mặc dù hiện nhiều gia đình đã sắm được tủ lạnh để bảo quản, dự trữ thức ăn nhưng đồng bào vẫn làm bánh đá để ăn dần.
Vừa từ từ cảm nhận từng sợi bánh đá dẻo, ngấm vị gừng, vị ngọt của đường phên, chúng tôi vừa mường tượng tới món bánh trôi, bánh chay của người dưới xuôi. Cũng cùng một cách chế biến, nguyên liệu gần giống nhau nhưng cảm giác những sợi bánh đá nuột nà, mềm mại chạy qua cuống họng, đọng lại vị gừng cay ngọt chắc hẳn sẽ khơi gợi cho người ăn cảm giác đặc biệt hơn nhiều...