Khu chợ sớm của đồng bào nằm khép mình bên chợ A Lưới bề thế, nơi đây bày bán đủ các loại sản vật còn mang đậm “chất rừng” mà các thôn dân vừa hái lượm từ chiều hôm trước. Tiếng í ới gọi nhau của những tiểu thương người Kinh và người dân tộc, tiếng xe máy thồ hàng,... khiến không gian vốn yên tĩnh chợt sôi động hẳn lên. Đến với phiên chợ độc đáo này là sự góp mặt của 6 dân tộc anh em sống dọc đại ngàn Trường Sơn: Cơ Tu, PaKô, Pa Hy, Tà Ôi, Vân Kiều và Kinh, trong mỗi bộ trang phục mang đậm bản sắc của từng dân tộc.
Trong bộ trang phục truyền thống của người Cơ Tu, bà Căn Chỉ (75 tuổi) vừa phì phèo tẩu thuốc trên môi, lưng gùi đựng đầy những sản vật còn tươi rói của núi rừng về, bà cho hay: “Nhà tôi cách chợ hơn 10 cây số nên phải đi từ sáng sớm, ba giờ sáng là có mặt ở đây rồi. Mặt hàng đưa tới chợ bán là rau và măng, tất cả đều kiếm trên rừng, đem đến chợ bán một hồi là hết sạch. Tất cả những thứ có trong gùi này bán cũng kiếm được mấy chục nghìn.
Chợ phiên A Lưới họp bên đường nhựa thênh thang nhưng rất hiếm khi thôn dân nơi đây dùng xe máy hay xe đạp. Măng, rau, chuối, mật ong rừng và những động vật như chim, rắn… là những mặt hàng dễ tìm thấy ở phiên chợ sớm. Hàng ngày, họ băng rừng lội suối kiếm sản vật của rừng, đến sáng sớm hôm sau là có thể mang xuống chợ bán. Những sản vật này hầu hết còn ướt đẫm sương đêm nên vẫn mang hương vị tươi nguyên của núi rừng.
Nếu như các ngôi chợ khác họp cả ngày thì phiên chợ sáng ở A Lưới chỉ họp từ 3 giờ đến 7 giờ sáng, sau giờ đó mọi người lại tiếp tục lên nương rẫy gieo trồng.
Dù chợ phiên diễn ra với diện tích khá nhỏ, song ở đây cũng có những gian hàng bán thức ăn sáng hoặc quà bánh, có thể kể đến như: bánh mì, xôi đỗ đen, bắp... hay vẫn có góc bán gia súc gia cầm khá sôi nổi. Người dân mua, bán gà, lợn bằng cách ước lượng từng con rồi trả giá chứ không cần phải đặt lên bàn cân. Cái hay là người mua người bán đều vui vẻ, không kì kèo hay làm giá.
Có thể nói, phiên chợ sớm A Lưới phản ánh chân thực cuộc sống của những con người vốn cần cù, chịu khó với niềm vui, nụ cười luôn nở trên môi. Đến đây, không chỉ duy nhất là chuyện trao đổi hàng hóa, mà còn để khám phá nét văn hóa phong phú, tập quán sinh sống, sinh hoạt đặc trưng của mỗi đồng bào dân tộc nơi đây.