Riêng các cô con dâu của dòng họ Bùi và dòng họ Quách phải “quạt ma” cho người chết. Có dòng họ lại kiêng không ăn thịt chó, cũng có dòng họ lại có tục thờ chim cuốc… Ngoài các phong tục riêng của từng dòng họ, người Mường còn có tục cúng vía. Người Mường quan niệm, nếu chẳng may hồn vía ai đó bị lạc thì sẽ cúng để gọi về.
Tìm về nơi “hồn vía” bị lưu lạc
Tập quán sinh sống của người Mường thường ở theo các chòm núi, hoặc ven các bìa rừng nơi có các con sông, con suối. Họ sống gần gũi với thiên nhiên nên cũng sớm hình thành cho mình các hình thái sinh hoạt văn hóa khác nhau. Và cứ từ đời này sang đời khác, các giá trị văn hóa của dân tộc luôn được họ giữ gìn, nâng niu.
Người Mường ở phía Tây xứ Thanh có 364.622 người chiếm gần 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Người Mường họ sớm ý thức được nguồn gốc của mình, đặc biệt là phong tục, tập quán. Đến nay mặc dù đã bỏ nhiều phong tục vì không hợp với thuần phong mỹ tục, nhưng cũng có nhiều phong tục vẫn còn tồn tại.
Trong vô số các phong tục của đồng bào, tục cúng vía là một trong những phong tục mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người tìm về cội nguồn. Người Mường họ tin vào những điều “siêu nhiêu”, tin vào sức mạnh của thần linh. Nếu hồn vía bị lưu lạc thì thầy cúng sẽ là người có quyền năng, đứng trước cửa nhà để gọi về.
Lý giải điều này, các cụ cao niên ở huyện Thạch Thàch cho rằng: Người Mường có tập quán sinh sống trên đồi núi nên rất dễ lạc mất vía, vì vậy họ phải làm lễ cúng để gọi hồn vía về. Hoặc cũng có thể do một người nào đó gặp phải vận hạn như bị ngã sông, ngã suối, tâm lý chưa ổn định thì nhà đó cũng phải làm lễ để gọi hồn vía. Việc gọi vía sẽ do thầy cúng quyết định và con cháu đều phải nghe theo.
Lễ gọi vía xuất phát từ mong muốn của một gia đình, dòng họ, do trong nhà vừa mới có người ốm dậy, chưa hoàn toàn khỏe mạnh, hoặc vừa tai qua nạn khỏi... Người nhà muốn làm lễ cúng vía thì sẽ phải mời thầy cúng. Sau khi định được ngày tốt, thầy cúng sẽ báo cho gia đình biết để chuẩn bị cho mâm cúng. Đến ngày cúng vía, họ hàng sẽ góp gà, thịt, rượu, gạo, cùng nhau chuẩn bị cỗ cúng từ tờ mờ sáng. Trong ngày cúng lễ sẽ có một người được giao trọng trách đi đón thầy cúng về.
Tùy theo sự sắp xếp của thầy cúng, thông thường mâm cúng bắt buộc phải có bát nhang (chủ yếu dùng bằng bát gạo trắng cắm ba nén hương) và một chiếc áo của người được gọi vía. Mâm cúng thường có hai chiếc đùi gà cho trẻ con, hoặc nguyên con gà luộc đặt lên phía trên đĩa xôi trắng. Xôi oản thường có màu đỏ và màu trắng, bên cạnh đó còn có một bát nước, một chai rượu, gạo, muối, ba quả trứng…
Đặc sắc lễ cúng vía của người Mường
Khi mâm cúng đã sắp đầy đủ, thay mặt cho gia đình, thầy cúng áo mũ chỉnh tề thắp hương rồi khấn với đại ý: “Phải năm trời không thuận, đất không lành, người già ốm lắm đau nhiều, hôm nay họ hàng con cháu có lòng đức, lòng đạo, lòng thảo, lòng nhân, soạn lên mâm vía cầu mong giữ vía cho người già mạnh khoẻ trở lại, sống lâu cùng con cháu họ hàng, người ốm mau lành, người đau mau khỏi. Vía đang lạc ngoài đường, ngoài sông, trên núi… mau mau về ăn cơm, hưởng lộc...”.
Khấn xong, thầy cúng lấy những viên đá có hinh thù kỳ lạ, trong “túi khót” (hay con gọi là túi phép) của mình ra rồi thả vào bát nước. Những đồ vật này chính là “bảo bối” để xua đuổi những điều xui xẻo gieo rắc cho gia đình. Người Mường cho rằng, những đồ vật này đều rất linh thiêng và có linh hồn. Cụ thể, những đồ vật trong túi khót của thầy cúng gồm có các viên đá, nanh hùm, xương, sừng động vật… Người Mường cho rằng, những đồ vật này đều có khả năng “siêu nhiên”. Do là vật linh thiêng nên thầy cúng sẽ mượn lời thần linh để xua đuổi ma mãnh, muông thú…
Trong khi làm lễ, con cháu trong nhà sẽ ngồi ở phía dưới, thỉnh thoảng chắp tay vái lạy. Lễ gọi vía sẽ diễn ra khoảng từ một đến hai tiếng đồng hồ. Sau khi gọi vía xong, người nhà dọn mâm cỗ cho thầy cúng, và tất cả mọi người cùng ngồi theo thứ tự từng mâm, trên có người già, dưới có trẻ, trai gái... Con gái, con dâu và trẻ nhỏ thường được dọn mâm cơm dưới bếp hoặc nhà ngang, mọi người vui mừng phấn khởi cùng nhau nâng rượu chúc mừng. Họ tin tưởng rằng thần linh, tổ tiên đã nghe được những lời cầu khấn và phù hộ cho con cháu, rồi đây người ốm yếu sẽ trở nên khỏe mạnh để làm việc. Sức khỏe và may mắn sẽ đến với gia đình, dòng họ mình.
Sau bữa cơm, người nhà chuẩn bị cho thầy cúng một ít tiền công, một con gà, đĩa xôi vừa cúng cùng bánh, trứng…, bọc trong lá chuối to để thầy mang về. Sau khi tiễn thầy cúng về, cả nhà tiếp tục ăn cơm, uống rượu và chuyện trò vui vẻ... Người già chia cho con cháu sợi chỉ mảnh đeo vào cổ tay như một thứ bùa may mắn, không phải ai cũng được nên trẻ con, dâu rể rất vui mừng khi được đeo sợi dây ấy. Người ta quan niệm rằng, sợi chỉ tuy là vật mỏng manh nhưng nó là niềm tin. Người ốm nằm ở trong nhà nghe thấy sẽ trở nên lạc quan và phấn chấn hơn…
Những sợi dây bùa thường phân phát cho con dâu, con rể và cháu con ở trong nhà. Trước khi cúng vía, những người già trong nhà sẽ bện các sợi chỉ thành từng dây dài gồm: năm đến sáu sợi chỉ gộp lại một dây. Sau đó sẽ cắt thành từng đoạn chia cho con cháu, buộc vào cổ tay đeo đến khi nào sợi chỉ mục đứt mới thôi. Ngày xưa người ta làm bằng chỉ xanh, đỏ trắng, ngày nay ở một số gia đình chỉ đeo đơn sắc.
Bên cạnh việc đeo dây bùa may mắn sau lễ, người ta còn truyền tay nhau bát nước mát (đây là bát nước mà thầy cúng đã làm phép). Người ta tin rằng, bát nước này đã được thần linh phù hộ…, và khi con cháu uống vào sẽ không bị lạc mất vía. Nếu ai không uống thì họ sẽ vuốt vào cơ thể, với ngụ ý gột rửa những điều không may.
Ngoài các lễ cúng nhà ông thổ (thờ thổ công, thổ địa); Lễ tảo mộ (mát mả), lễ mừng lúa mới (sau thu hoạch), lễ xuống đồng… thì tục gọi vía (hay còn gọi là làm vía) - cầu sức khỏe là một trong những lễ cúng quan trọng và cho đến ngày nay người Mường ở huyện Thạch Thanh vẫn giữ nguyên bản sắc. Đây chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc, nhằm khuyên con cái hướng đến những điều tốt đẹp.
Tục làm vía là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ và ông bà.Tục làm vía được đồng bào dân tộc Mường (Thanh Hóa) tổ chức nhiều, bất kể thời gian nào trong năm. Phong tục này mang đậm bản sắc của người Mường. Đây chính là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo, rất cần được gìn giữ. Và người Mường đang phát huy bản sắc, góp phần tô đẹp cho nền văn hóa Việt Nam phát triển.