Lễ hội “đặc biệt” nhất trong năm
Làng Nại Cửu (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là một ngôi làng có bề dày lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, gắn liền với những cuộc “nam tiến” của ông cha, và là ngôi làng hiếu học nổi tiếng bậc nhất ở “miền đất lửa” khi được người ngoài địa phương gọi bằng một biệt danh rất riêng - “Làng giáo viên”, bởi lẽ ở đây trung bình cứ 1,5 gia đình thì có 1 người theo nghề dạy học…
Không chỉ vậy đây còn vùng đất văn hóa đặc sắc với nhiều lễ hội dân gian độc đáo, trong đó đáng chú ý là Lễ hội Kỳ Yên (hay còn gọi là Cầu An, Siêu Yên, Cúng đình, Hội làng) được người dân trong làng tổ chức hàng năm tại đình làng Nại Cửu vào hai ngày rằm tháng bảy là 14 và 15 âm lịch với ý nghĩa cầu mong xã tắc yên bình, mùa màng bội thu, cuộc sống của bà con ấm no, thể hiện sự tôn kính hướng về trời đất, hướng về các vị anh hùng có công với nước, các vị khai khẩn lập làng, các vị khoa bảng làm rạng danh tổ tiên, dòng họ.
Thông thường cứ 3 năm Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức lớn một lần còn các năm khác thì tế thường với những lễ vật và các nghi thức lễ cũng đơn giản hơn, và luân phiên giữa 6 họ gồm: Lê, Nguyễn, Võ, Hoàng, Phan, Trần.
Theo các bậc cao niên trong làng thì Lễ hội Kỳ Yên được bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Lý giải nguồn gốc ra đời của lễ hội, vị trưởng làng cho hay mỗi vùng đất đều có một vị thần, thường gọi là Thành Hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó. Vị thần Thành Hoàng được Thượng đế giao cho trách nhiệm cai quản làng, che chở phù hộ cho người dân sống bình yên, làm ăn phát đạt.
Vì thế, để báo hiếu, tạ ơn công lao to lớn của vị thần đặc biệt này người dân thôn Nại Cửu đã chọn rằm tháng 7 để tổ chức lễ cúng. Và hễ đến ngày này con cháu trong làng dù đang sinh sống, lập nghiệp ở xa đều cố gắng thu xếp về tham dự đông đủ.
Cũng giống như Lễ hội Kỳ Yên ở nhiều tỉnh, thành, làng quê khác trên dải đất hình chữ S, Lễ hội Kỳ Yên ở thôn Nại Cửu cũng gồm 2 phần là phần lễ và phần hội (trong đó phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”). Tuy nhiên, trong mỗi phần lại có các nghi thức lễ khác nhau và các trò chơi có trong phần hội cũng khác nhau, được tổ chức bài bản và bắt đầu từ chiều 14 âm lịch đến sáng 15 âm lịch thì kết thúc.
Trước khi đi vào tế lễ Kỳ Yên có các lễ như: lễ cáo giang sơn, lễ giết bò lợn để cáo trời đất, quỷ thần (cáo tế sanh) ở sân đình. Tiếp theo là lễ nghinh thần tiến hành khoảng giờ Mùi (2 giờ chiều) với thành phần ban tế gồm các trưởng họ, đội trưởng sản xuất cùng đội ngũ phục vụ lễ.
Sau đó, Ban lễ lên tại miếu thờ thần Thành Hoàng để cáo nghinh đánh chiêng trống rước thần về đình. Đi trước thần gồm có ba kiệu, có ba tàn vàng che. Ba kiệu này được rước đi trong tiếng chiêng, trống, sao, kèn rộn rã.
|
Lễ nghinh thần tại miếu Thành Hoàng |
Về tới đình, giờ Thân (4 giờ chiều) ban tế tiến hành tế Túc Yết (cáo sơ bộ). Lễ vật gồm bò hoặc heo (nguyên con) gọi là tế đại hiến, và chỉ có đình làng Nại Cửu mới được tế đại hiến (theo ý chỉ của Vua Đồng Khánh) còn các đình làng khác thì chỉ được phép tế tiểu hiến (thịt vai) hoặc trung hiến (thịt đầu và bốn móng giò). Ngoài bò hoặc heo ra còn có thêm xôi, hương hoa, quả, trầm, trà. Ở am thờ Khổng Tử ngoài sân thì cúng gừng muối.
Tất cả lễ nhạc, động tác dâng hương, dâng trà, dâng rượu, đọc văn tế, vái lạy đều phải diễn ra một cách tôn nghiêm và thần kính. Việc hòa hợp chặt chẽ từng âm thanh trầm bổng của nhạc lễ với giọng xướng của vị tư chúc đọc bài văn tế là cái hồn văn hóa dân gian, trong đó chuyên chở cả một đức tin thiêng liêng của những người dân biết ơn tiền nhân, của các vị thần.
Về khuya dân làng tập trung trước sân đình thi hò giả gạo, bên xướng bên hò đến là náo nhiệt để chờ đến ban tế vào điện “tế tạ” triệt soạn lễ tất. Đến 5 giờ sáng ngày 15, lại làm lễ để đưa rước vị thần từ đình làng trở về lại miếu thờ Thành Hoàng như trước khi diễn ra lễ hội.
Nỗi trăn trở khôn nguôi
Ông Trần Nhân Sinh, trưởng thôn Nại Cửu chia sẻ, trước đây sau đêm lễ Kỳ Yên có rất nhiều trò chơi như sắp chữ, múa đèn, thi thổi cơm, đua thuyền, chọi trâu, chọi gà, kéo co, thi bơi trãi, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô… thế nhưng đến nay do điều kiện, hoàn cảnh sống có những đổi thay nên những trò chơi ấy dần mai một và không còn được xuất hiện trong mỗi dịp lễ nữa.
Đây quả là điều đáng tiếc vì những trò chơi này không chỉ giúp bà con giải trí, quên đi những mệt nhọc sau những ngày tháng lao động vất vả, rèn luyện sức khỏe mà còn là sự giao lưu trí tuệ, tình cảm con người, cố kết thêm mối quan hệ cộng đồng bền vững. Nỗi trăn trở ấy vẫn luôn canh cánh trong tâm thức mỗi người con đất Nại Cửu bao thập kỷ qua, và niềm mong ước phục dựng lại các trò chơi truyền thống cứ lớn dần trong suy nghĩ.
Đất nước ta ở vào giai đoạn đổi mới toàn diện, đang ở trong quá trình mở cửa, giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới thì vấn đề khôi phục và giữ gìn một lễ hội dân gian với tất cả những yếu tố tích cực của nó là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhân bản và đó chính là một trong những cách để bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Và Lễ hội Kỳ Yên ở làng Nại Cửu là một nét đẹp tâm linh rất đáng trân trọng.
Từ những thực tế trên, để Lễ hội Kỳ Yên phát huy đúng bản sắc, không chỉ cần sự giúp đỡ của các ngành chức năng trong tỉnh mà còn ở ý thức của mọi người dân Nại Cửu, để cùng nhau chung tay phát huy nét đẹp truyền thống văn hoá của dân quê hương bản xứ.