Đây cũng là một lễ hội dành cho người đã khuất, là dịp để con cháu tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên 7 đời của mình.
Lễ hội tôn giáo quốc gia
Được biết, lễ hội Pchum Ben là lễ hội tôn giáo quốc gia, đồng thời là một trong những lễ hội lớn nhất của đất nước Campuchia. Theo lịch Khmer, lễ hội thường được tổ chức từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.
Những ngày này cũng chính là thời điểm cuối cùng trong 3 tháng an cư tịnh tu của chư tăng Phật tử, là ngày mãn hạ, dâng y. Sở dĩ người ta nói đây là lễ hội lớn nhất của Campuchia cũng bởi cũng nó kéo dài 15 ngày liên tiếp với những nghi thức truyền thống của Phật giáo.
Khi được hỏi, một nhà sư có tên Om Sam Ol, ở chùa Steung Meanchey, Campuchia có nói về lễ hội này rằng: “Người ta tin rằng một số người sau khi chết đi, vì những nghiệp ác gây ra từ khi còn sống nên khi chết phải chịu hình phạt dưới địa ngục và bị tra tấn ở dưới đó.
Địa ngục có nghĩa là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của con người, là nơi mà những linh hồn của người chết không thể nhìn thấy mặt trời, không có quần áo để mặc, không có đồ ăn thức uống để dùng.
Chỉ có đến ngày lễ Pchum Ben, những linh hồn này mới có thể trở về nhà và hưởng thụ những đặc ân theo lời mời gọi của người thân trong gia đình họ. Người thân sẽ dâng tế những loại thực phẩm và làm lễ cúng dường cho họ”.
Các chư tăng tung kinh tiếng Pali cứu giúp những vong hồn tội lỗi. |
Lễ hội này có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với người dân Campuchia: một là xin sự tốt lành cho bản thân mình, thứ 2 xin sự bình an cho người thân và thứ 3 là để bày tỏ lòng tôn kính của tổ tiên, ông bà quá cố.
Theo niềm tin người Camphuchia, nếu người nào không tuân theo các thông lệ trong dịp lễ Pchum Ben sẽ bị tổ tiên tức giận mà nguyền rủa. Do đó, để mong muốn có được cuộc sống yên bình, ít khổ đau, người ta sẽ làm những mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên; mang đồ ăn thức uống, quần áo và đồ dùng cần thiết cúng dường cho các nhà sư.
Ngoài ra, họ còn giúp đỡ những người nghèo và người tàn tật... để tích góp công đức, phần nào bù đắp lại những sai trái, tội lỗi phạm phải trong quá khứ và cũng họ cũng tin rằng việc làm này sẽ giúp cho các linh hồn tổ tiên được siêu thoát.
Truyền thuyết về nguồn gốc
Theo ngôn ngữ Khmer, từ “Pchum” mang ý nghĩa “cuộc gặp gỡ, hội ngộ”. Người Khmer tin rằng có sự liên hệ gắn bó giữa tổ tiên và con cháu, kẻ sống và người đã khuất có thể gặp gỡ nhau qua những nghi thức đặc biệt.
Do đó trong một năm, theo lịch Khmer, có 15 ngày tưởng nhớ tổ tiên, cầu nguyện cho thân nhân và các vong hồn. “Ben” trong tiếng Khmer có nghĩa là thu nhặt hoặc có nghĩa khác là khuôn cơm có nhiều ngăn.
Người Khmer thời xưa tin rằng các cô hồn đói khát thường về chùa để ăn, nên họ thường dùng bát này để đi thu thập thức ăn và cơm, một phần là để rải cho các linh hồn, một phần là cúng dường cho các sư thầy trên chùa.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều người không thực hành việc rải cơm vì cho đó là lãng phí, phần cơm đó có thể dành cho người nghèo xung quanh.
Có một câu chuyện về nguồn gốc về lễ hội này. Các nhà sư của xứ chùa vàng kể rằng, trong một nghi lễ tôn giáo, vì một số người thân của vua Bath Pempeksa bất chấp phong tục tôn giáo và ăn cơm trước khi các nhà sư làm lễ mà sau khi họ chết, họ đã trở thành linh hồn ma quỷ.
Sau này, khi một tu sĩ có tên là Kokak Sonthor đạt được giác ngộ và trở thành một vị Phật, những linh hồn quỷ dữ này đã đến và hỏi ông rằng “khi nào thì chúng tôi mới có thể được ăn?” nhưng Đức Phật đã trả lời rằng, “Hãy đợi cho đến khi có Đức Phật tiếp theo xuất hiện, còn trong địa hạt của ta, linh hồn ma quỷ không được phép ăn uống”.
Những tu sĩ tiếp theo Kamanou và Kasakbour, khi đạt được giác ngộ và trở thành Phật, tất cả các linh hồn ma quỷ cũng lại đến hỏi cùng một câu hỏi, và những vị Đức Phật này vẫn trả lời giống như đức Phật Kokak Sonthor.
Chỉ có đến vị Đức Phật cuối cùng, Preah Samphot - cũng còn được gọi là Samanakkodom - nói với các linh hồn ma quỷ rằng: “Hãy chờ cho đến khi người thân của các người, là vua Bath Pempeksa đến xin và cúng tế đồ ăn thức uống, lúc đó các người mới có thể được ăn”.
Vua Pempeksa cuối cùng đã làm một lễ cúng dường, nhưng ông không chỉ cúng tế cho các linh hồn của người thân của mình. Tất cả những linh hồn ma quỷ khác cũng tìm đến ông khóc lóc mong được ông cúng dường.
Với tấm lòng thương người, ông đã tổ chức một buổi lễ, cúng tế rất nhiều đồ ăn thức uống cho tất cả những linh hồn này. Nhờ tấm lòng từ bi của đức vua, những linh hồn ma quỷ nhận đều được nhận đồ cúng tế và cuối cùng cũng được tái sinh lên thiên đường.
Vào ngày lễ Pchum Ben, người dân sẽ thay phiên nhau lên chùa dâng cúng lễ vật. |
Thời điểm gia đình sum họp
Không chỉ là ngày báo hiếu tổ tiên, lễ hội này còn là dịp để con cháu có thể trở về nhà, sum họp với gia đình và cùng người dân trong làng tổ chức lễ hội. Có thể nói, đây là một lễ hội đầy màu sắc, vì tất cả mọi người thường sẽ chọn những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất để cùng nhau đón lễ.
Món ăn đặc trưng của ngày lễ này là món bánh “Bay Ben”, được làm từ bột gạo nếp nấu với nước cốt dừa, món bánh gần tương tự với bánh trôi, bánh chay của Việt Nam. Trong mùa lễ hội còn có các nghệ sĩ trình diễn những điệu nhạc truyền thống như yike và lakhon basac.
Theo truyền thống của lễ hội, 14 ngày đầu tiên được gọi là Kan Ben. Trong 14 ngày của Kan Ben, người dân trong làng thay phiên nhau mang thực phẩm và nến đến các đền thờ, chùa chiền để dâng cúng cho các nhà sư.
Ngoài ra, người dân cũng dâng cúng các đồ dùng cần thiết trong cuộc sống cho các vị tăng ni phật tử. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đối với chư tăng, vừa mong được bình an và cầu nguyện cho vong linh của ông bà tổ tiên không may đã làm điều gì sai trái, tội lỗi có thể sớm được siêu thoát.
Ngày 15 hay còn gọi là ngày Ben Thom, là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ lễ hội. Tất cả mọi người trong vùng sẽ ăn vận thật đẹp, nô nức tới chùa với các món đồ ăn, hoa quả, bánh gạo nếp và quà cho các nhà sư được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Sau khi lễ xong, các sư thầy trong chùa sẽ ban lời chúc tốt lành đến mỗi người. Lễ sẽ được hạ xuống và mọi người cùng ăn chung với nhau, cùng nhau cười nói thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau trong cuộc sống.
Dịp lễ này là thời điểm người dân Campuchia bày tỏ sự kính trọng của họ đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên 7 đời. Vào ngày này, các sư tăng phật tử sẽ thay phiên nhau tụng kinh suốt ngày đêm bằng tiếng Pali.
Trong các nghi thức tôn giáo được thực hiện trong ngày lễ, có một nghi thức gọi là “mở cửa địa ngục”, với ý niệm là cứu giúp những vong linh bị lầm lạc, chịu cực hình trong các địa ngục, giúp cho các vong linh chưa siêu thoát được trở về thăm con cháu, họ hàng, tạm thời thoát khỏi ngục hình trong mùa lễ hội.
Có thể nói, lễ hội Pchum Ben là nét văn hóa đặc sắc của người Campuchia. Thông qua lễ hội, người ta có thể thấy được những nét đẹp trong văn hóa và con người nơi đây, đặc biệt là tấm lòng hiếu thảo, nhắc nhở thế hệ con cháu phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên.