Độc đáo tục hát sắc bùa của người Mường

(PLO) - Hát sắc bùa là một loại hình diễn xướng dân gian xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khắp dải đất hình chữ S. Tuy nhiên, hát sắc bùa của người Mường Hòa Bình lại phong phú hơn cả, bởi nguồn gốc gắn liền với sứ mệnh “xua đuổi ma quỷ” nên hát sắc bùa không chỉ xuất hiện trong mỗi dịp Tết mà còn giữ một vai trò quan trọng trong các đám cưới, đám chúc thọ…
Hát sắc bùa trong dịp Tết cổ truyền
Hát sắc bùa trong dịp Tết cổ truyền

Hát sắc bùa gắn liền với xua đuổi ma quỷ…

Hát Sắc bùa là những sinh hoạt, phong tục không thể thiếu làm nên cái Tết cổ truyền đáng nhớ của người Mường xưa nhưng theo thời gian, hát sắc bùa dẫn trở thành một hoạt động gắn liền với mọi giai đoạn quan trọng của mỗi một con người.  Các nhà nghiên cứu dân gian cho rằng, âm vang cồng chiêng (dụng cụ chính trong mỗi phường hát) với điểm nhấn là tiếng “khầm” của cồng chiêng sắc bùa như làn sóng, như sức mạnh xua đuổi ma quỷ, xua đuổi cái xấu. 

Bà Đinh Thị Thế (65 tuổi, ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong) cho biết: “Khi tiếng khầm... nổi lên, người nghe có cảm giác như có luồng gió, một sức mạnh vô hình. Việc diễn tấu cồng, chiêng sắc bùa trong hoạt động đầu xuân không những tạo nên không khí vui vẻ trong những ngày tết, ngày xuân mà nó còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm cầu mưa, xua đuổi ma quỷ, cầu yên lành cho dân Mường”. 

Lý giải về nguồn gốc hát sắc bùa, các cụ cao niên ở phường Thái Bình (TP Hòa Bình) vẫn còn kể lại cho con cháu truyền thuyết, rằng, thưở xa xưa, khắp đất Hòa Bình có nhiều ma quỷ quấy nhiễu, Thánh mẫu Hoàng bà đã cho lập các đội binh Mường để xua đuổi ma quỷ và tiếng chiêng là một trong những vũ khí có sức mạnh để xua đuổi ma quỷ. 

Thế nên chiêng được các đội binh Mường dùng để đánh, tạo ra những bản nhạc vang như sấm rền làm ma quỷ khiếp sợ. Từ đó phường bùa luôn được duy trì và là hoạt động được đón đợi vào các ngày vui như lễ chúc thọ, lễ mừng nhà mới, lễ mừng đám cưới… Hoà tấu cồng chiêng để xua đi những điều xấu, đón những điều tốt đẹp là ý nghĩa lớn nhất của hát sắc bùa. 

Nét đặc sắc và cuốn hút của loại hình diễn xướng dân gian này là tất cả mọi hành động, cử chỉ, thái độ đều biểu hiện qua lời hát. Mọi trình tự diễn ra trong suốt buổi hát sắc bùa đều có câu hát tương ứng, người ta không phải dừng lại để nói hay hướng dẫn. Hát mở cổng, hát chúc mừng, hát xin lên nhà, hát đồng ý, hát cảm ơn… Độc đáo nhất là màn hát đối đáp của phường bùa và chủ nhà, thể hiện cái tài và khả năng ứng tác của cả hai bên. Những câu hát đều do sự ngẫu hứng của cả hai bên trên nền tảng của truyền thống dân ca Mường và thực tế bối cảnh tại nơi xảy ra cuộc sắc bùa.

Đề cập đến nét cuốn hút, đặc sắc trong các làn điệu sắc bùa của người Mường, Hiếu Mường, biệt danh của họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường Hòa Bình cho biết, mỗi phường bùa của đội hát sắc bùa sẽ phải có một người đứng đầu phường hát và họ gọi những người này là “trùm phường”. Trùm phường thường là những người có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. 

Khi người Mường lo mất đi phường bùa…

Phường bùa thường có 12 người, tương ứng với một bộ chiêng Mường gồm 12 cái (chiêng của người Mường thường được xách bằng tay). Phường bùa không phân biệt gái, trai, già, trẻ chỉ cần có lòng đam mê với văn hóa truyền thống và là những người hát hay, thạo đánh cồng, chiêng . Phường bùa thường đi theo thứ tự như sau: trùm phường đi trước, tiếp đến là những người cầm chiêng dóng, đến người cầm chiêng dàm, chiêng đúc, chiêng thau, thanh la…

Kể về phong tục hát sắc bùa truyền thống, bà Đinh Thị Thế cho biết: “Mở đầu cuộc hát sắc bùa, phường bùa thường tụ họp ở nơi trung tâm bản, đánh cồng, chiêng với âm thanh rộn rã rồi lần lượt đi đến từng nhà trong bản chúc mừng. Hát xong ở sân, phường bùa chuyển sang hát bài “gọi cửa” chủ nhà với những câu hát đầy ý nghĩa…

Nói rồi bà Thế không ngần ngại ngân vang những lời hát sắc bùa đầy may mắn cho chúng tôi nghe: “Chúc cho ông trên đụn/ Bà trên nhà/ Hết năm cũ đã qua/ Bước sang năm mới/ Làm nên ăn, giàu có/ Cơm kho, lọ tiếng/ Con cái vương trưởng/Muốn gì được nấy...”. 

Từ những tập tục văn hóa đầy tâm linh và bản sắc văn hóa, hát sắc bùa được gìn giữ từ bao đời nay, không chỉ với người Mường Hòa Bình mà người dân tộc Mường ở các địa phương khác như Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ cũng gìn giữ và phát triển tục hát sắc bùa mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mỗi dịp chúc thọ những cụ cao niên và mừng cưới của những đôi bạn trẻ. 

 “Độc đáo và có sức hút, sức lay động cộng đồng như thế nhưng hiện nay việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và phổ biến dân ca Mường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, việc bảo tồn và phát triển những làn điện dân ca trên chủ yếu dựa vào truyền miệng. Vì thế, ngày nay hát sắc bùa của người Mường (Hòa Bình) không còn phổ biến nữa, nó chỉ còn xuất hiện tại một vài bản Mường lớn như: Mường Bi, Mường Vang, hay tại các lễ hội truyền thống. Đó thực sự là điều đáng tiếc” - Họa sĩ Hiếu Mường không giấu được sự tiếc nuối.  

Bà Thế cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi hát sắc bùa ngày càng mai một mà chưa có được một đề án bảo tồn nào. Bà cho rằng, chỉ vài năm nữa thôi, khi những linh hồn của phường bùa (là các trùm phường) mất đi, rất có thể tục hát sắc bùa độc đáo, gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng của người Mường sẽ mất đi theo. Bà chia sẻ: “Thế hệ trẻ không còn biết nhiều đến hát sắc bùa, vì thế ngày xuân, những đám cưới, đám chúc thọ trên các bản Mường cũng vắng dần những phường bùa, vắng dần những tiếng cồng chiêng rộn rã”. 

Giọng trầm hẳn xuống, khác hẳn với sự hứng khởi khi hát cho chúng tôi nghe, gương mặt bà Thế lộ rõ những tâm tư khi lo lắng cho tục hát sắc bùa có thể mất đi trong đời sống dân tộc Mường. Có thể bà đang lo đến thời điểm nào đó, hát sắc bùa không còn xuất hiện trong đời sống văn hóa người Mường nữa. Các cụ cao niên ở phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cũng trong tâm trạng lo sợ hát sắc bùa sẽ không thể truyền đời như những thế hệ trước nên “còn hơi thở ngày nào là chúng tôi không ngừng mang những lời hát sắc bùa mê hoặc lòng người vang lên trong mỗi dịp hội hè, lễ Tết”…

Đọc thêm