Đứng dưới đường lưới điện 35KV chạy qua bản Phà Khốm (xã Yên Tĩnh, Tương Dương) từ hơn 3 năm nay nhưng anh Vi Văn Tuấn chưa một lần được sử dụng nó. Ánh sáng của gia đình từ nhiều đời nay là đèn dầu, từ năm 2017 được nhà nước hỗ trợ một chiếc đèn tích điện để sử dụng ban đêm. Còn các sinh hoạt khác như nấu cơm, quạt điện, ti vi… và các thiết bị liên quan đến điện đều không sử dụng được.
Anh Tuấn cho biết, trước đó khi nhà nước kéo đường điện đi qua bản, người dân cũng tưởng mình có điện để dùng nên cũng tạo điều kiện để công nhân kéo đường điện qua nương rẫy nhà mình nhưng mãi đến giờ vẫn chưa có điện dùng. Cạnh đó là con suối chảy qua bản, cứ 2-3 nhà chung tiền với nhau mua một tua bin để phát điện bằng nước.
Chị Pay Thị Pòm nói “Cứ 2-3 nhà mua một cái tua bin nhưng mỗi năm cũng mất vài cái vì mưa lụt đến bất ngờ cuốn trôi mất lại phải góp tiền mua để dùng. Điện tua bin cũng lúc được lúc không, mùa khô thì không có nước. Nhìn thấy điện chạy qua bản mà dân làng không có điện dùng, không biết đến khi mô thì mới có điện cho trẻ con học cho đỡ khổ…”. Tâm tư của chị Pòm cũng giống những người dân bản khác sống tại đây.
|
Con suối nhỏ được người dân mua sắm tua bin phát điện để sử dụng |
Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết, đường dây điện 35KV được kéo từ năm 2014 vào trung tâm xã Hữu Khuông. Toàn xã còn 4 bản chưa có điện, với hơn 1.700 nhân khẩu/400 hộ dân, trong đó bản xa trung tâm nhất là bản Na Cáng khoảng 19km, xã gần nhất là Phà Khốm với hơn 10km.
Nguồn lực địa phương không có, nên việc tự kéo đường điện cho bà con sử dụng là điều không thể làm được. Nhân dân cũng như địa phương nhiều lần đề nghị nhà nước kéo đường điện hạ thế để người dân có điều kiện sử dụng điện cũng như nâng cao đời sống người dân nhưng chưa được giải quyết.
Chung cảnh ngộ, tại xã Lượng Minh (Tương Dương) cũng có 6 bản chưa có điện thắp sáng, với 4800 nhân khẩu/1142 hộ. Ông Trần Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, nhân dân trong xã cũng rất mong muốn có điện lưới để sử dụng và sản suất kinh tế nhưng vẫn chưa được. Hiện bản Đữa, bản Minh Tiến, bản Minh Thành, bản Chằm Puông, bản Cà Moong, và bản Xốp Chảo chưa có điện.
|
Nhà máy thủy điện Nậm Nơn ngay trong xã Lượng Minh đã hòa lưới điện Quốc gia |
Trong đó, bản Xốp Chảo cách trung tâm xã khoảng 10km, nằm giữa hai thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Nậm Nơn. “Bà con cũng ý kiến nhiều, chính quyền cũng trình xin nhiều lần nhưng vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai kéo điện về tận bản”, ông Cường nói.
Ông Vi Văn Dần, trưởng bản Đữa cho biết, toàn bản vẫn chưa có điện, hộ nào có điều kiện thì mua tua bin để chạy điện nước suối dùng cho thắp sáng ban đêm và sạc pin cho đèn, đều phải chung tiền sắm lại sau mỗi trận mưa lũ.
Tương Dương là một trong những huyện có nhiều thủy điện lớn nhỏ xây dựng và đưa vào vận hành hòa lưới điện Quốc gia. Trong đó, nhà máy thủy điện Bản Vẽ có công suất 320 MW, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Năm 2010 đã phát điện, hòa vào lưới điện Quốc gia. Nhà máy thủy điện Khe Bố với công suất 100MW cũng hòa lưới điện Quốc gia năm 2013. Cùng với đó là Thủy điện Nậm Nơn có công suất 20 MW với 2 tổ máy năm 2015 cũng đã phát điện hòa vào điện lưới Quốc gia.
|
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc Trung bộ đã hòa lưới điện Quốc gia nằm trên địa bàn xã Yên Na huyện Tương Dương |
Ngoài ra, tại địa bàn huyện này vẫn còn dự án nhà máy thủy điện Yên Thắng, gần đây nhất dự án nhà máy thủy điện Bản Pủng (tại xã Lưu Kiền, Tương Dương) được Bộ Công thương chấp thuận chủ trương đã gặp phải sự phản ứng của bà con nhân dân nơi đây.
Ông Kha Văn Ót, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện Tương Dương còn có 25 bản chưa có điện thắp sáng để sử dụng. Sở Công thương, Điện lực tỉnh cũng đã có nhiều buổi làm việc và có lộ trình để kéo điện cho các hộ dân nhưng vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai. Theo một cán bộ của Công ty điện lực Nghệ An thì toàn tỉnh Nghệ An còn 8 huyện với hơn 100 bản chưa có điện lưới kéo về.
|
Nhiều diện tích đất đai nhường cho lòng hồ thủy điện tích nước hoạt động |
Sau khi triển khai giai đoạn một mới kéo điện về 16 trung tâm xã và 43 bản. Hiện để có thể kéo điện về đến các thôn bản thì cần khoảng hơn 500 tỷ đồng. Sắp tới khi có nguồn vốn thì sẽ có văn bản gửi Sở Công thương và UBND tỉnh để lựa chọn một vài bản để kéo điện trước. Nhường đất cho dự án vì mục tiêu Quốc gia, có những thôn bản nằm lọt giữa hai nhà máy thủy điện, có đường điện kéo qua nhưng vẫn chưa biết đến điện. Không biết, giấc mơ sử dụng điện thắp sáng có còn xa xôi đến bao giờ…