Ông là người cải cách thời trang của phái nữ,những thiết kế vượt khỏi những khuôn phép bảo thủ và định kiến lúc bấy giờ đã trao cho người phụ nữ sự tự do, mạnh mẽ và quyền lực. Cuộc đời Yves Saint Laurent đã đạt đến đỉnh cao danh vọng với những tác phẩm kinh điển trong giới thời trang, nhưng phía sau ánh đèn xa hoa rực rỡ của Paris lại là hố sâu của chứng trầm cảm và ma túy...
Những bước đi đầu đời
Yves Henri Donat Matthieu Saint Laurent sinh ngày 1/8/1936 tại Oran, Algeria thuộc Pháp và lớn lên cùng với hai người em gái. Cha ông là một doanh nhân thành đạt. Thuở bé vì có xu hướng đồng tính nên thường bị bắt nạt ở trường,điều này đã hình thành nên tính cách dè dặt của Yves khi ấy.
Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Vogue năm 1985, Yves tiết lộvào sinh nhật năm 9 tuổi ông đã nói với gia đình “Tên con sẽ được rực sáng trên đại lộ Champs-Élysées”. Cậu bé Yves thích thiết kế trang phục cho những con búp bê giấy. Suốt thời thiếu niên cậu cũng là người thiết kế trang phục cho mẹ và các chị. Năm 17 tuổi với sự ủng hộ của mẹ, Yves chuyển đến Paris để theo học ngành Thiết kế thời trang,đây chính là nuôi dưỡng tài năng của nhà thiết kế đại tài tương lai.
Cũng trong năm 17 tuổi, Yves Saint- Laurent giành được giải nhất một cuộc thi thiết kế mà ban giám khảo là những tên tuổi lừng danh của làng may mặc lúc bấy giờ bao gồm Balmain, Givenchy và Balenciaga.
Sau khi tốt nghiệp, năm 1954, Yves tiếp tục giành giải nhất cuộc thi International Wool Secretariat với thiết kế chiếc váy cocktail. Tài năng của Yves đã thu hút sự chú ý của Michael de Brunhoff - Tổng Biên tập tạp chí Vogue Pháp và được bổ nhiệm làm trợ lý thiết kế của Christian Dior, nhà tạo mẫu xa xỉ bậc nhất tại Pháp.
Chỉ trong vòng 2 năm, Yves tốt nghiệp trợ lý thiết kế tập sự. Dưới sự chỉ dẫn của Dior, nhà thiết kế trẻ đã trau dồi kỹ năng và phát triển các thiết kế của mình thành những tác phẩm thời trang mang tính biểu tượng.
Yves từng nói về Dior: “Ông ấy vừa là một nhà thiết kế phi thường, vừa là một người đàn ông phi thường. Đối với tôi, ông ấy như một người cha”. Khi Christian Dior qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 10/1957, Yves đã phải trải qua một sú sốc tinh thần năng nề. Hình ảnh chàng trai trẻ Yves đứng lặng người trong một góc tại đám tang của Dior đã trở thành hình ảnh chứa đựngnhiều cảm xúc khó phai.
Chỉ một tháng sau, Yves trở thành Giám đốc nghệ thuật của Dior và gánh trên vai trách nhiệm nặng nề với đế chế thời trang tỷ đôkhi mới chỉ 21 tuổi. Yves vùi đầu vào công việc, nhốt mình trong phòng, ông dành trọn một đêm để phác thảo 1.000 mẫu chuẩn bị cho bộ sưu tập đầu tiên dưới nhà Dior.
Năm 1958 “Bộ sưu tập Trapeze” ra mắt với mẫu váy hình thang với đường nét nhẹ nhàng, uyển chuyển, giải phóng người phụ nữ khỏi bộ váy chít eo, xòe rộng với tầng tầng lớp lớp vải. Hàng ngàn người tụ tập trên các đường phố của Paris để chiêm ngưỡng bộ sưu tập hoành tráng này. Giới phê bình thời trang trên thế giới tán dương.
Báo chí vinh danh Yves Saint Laurent là vị cứu tinh của làng thời trang Pháp. Nhưng không lâu sau, sự thành công lại bị gián đoạn...
|
Hình ảnh Saint Laurent lặng người tại đám tang của Dior. |
Biến cố tạo nên thành tựu
Tháng 9/1960, Yves được kêu gọi nhập ngũ vào quân đội Pháp để chiến đấu cho nền độc lập của Algeria. Chưa đầy 1 tháng sau, Yves bị suy sụp hoàn toàn cả về tinh thần và thể chất. Ông mắc chứng trầm cảm nên đã xuất ngũ trở về thì vị trí Giám đốc sáng tạo tại Dior đã bị người trợ lý cũ của mình, Marc Bohan đoạt mất. Chứng trầm cảm ngày càng nặng. Từng ngày trôi qua chỉ càng làm ông bị cuốn sâu vào hố đen tuyệt vọng. Ông chán nản không muốn làm trong ngành thời trang nữa.
Sau đó, nhờ sự động viên từ người bạn Pierre Berge cũng là người tình đồng giới của ông, hai người đã lập nên thương hiệu Yves Saint Laurent (YSL). Bộ sưu tập Yves Saint Laurent Couture ra mắt tháng 1/1962 đã gây nên tiếng vang lớn, được Tạp chí Life ca ngợi “kể từ sau bộ sưu tập của Chanel, đây là bộ sưu tập veston đẹp nhất”.
Sau khi mở thương hiệu cho riêng mình, không ngoa khi nói rằng, những sáng tạo trong thiết kế Yves chính là cuộc cách mạng của làng mốt. Ở những năm 60, Saint Laurent khởi xướng khuynh hướng thời trang may sẵn ready-to-wear. Những bộ quần áo cơ bản may sẵn có giá thấp hơn nhưng không thiếu sự tinh xảo, sang trọng. Ngày nay, thời trang may sẵn đã phổ biến trên toàn thế giới.
Năm 1966, mẫu thiết kế mang tính lịch sử của “Le smoking”- bộ tuxedo (vest cao cấp) dành cho nữ giới ra mắt,phá tan quan niệm của xã hội Pháp rằng phụ nữ chỉcó thể mặc những chiếc váy lộng lẫy. Phái đẹp lần đầu tiên khoác lên mình bộ cánh cá tínhvà thời thượng.Yves Saint Laurent không biến một người phụ nữ thành đàn ông khi mặc vest mà trao cho họ quyền lực, sự tự tin, cảm giác mạnh mẽ,phản ánh mong muốn của họ về việc mặc những thứ xã hội cho rằng không thể, nâng cao địa vị của người phụ nữ, xóa nhòa ranh giới giữa thời trang nam và nữ.
Những thiết kế thay đổi cái nhìn của mọi người về thời trangcòn cóáo khoác safari, áo xuyên thấu, quần ôm, jumpsuit (quần áo liền thân) và những đôi boot cao...Cuộc cách mạng unisex (phi giới tính) đối với trang phục nữ cao cấp cũng là một sáng tạo ngoạn mục.Tất cả hiện vẫn phổ biến trên toàn thế giới và được coilà những phong cách kinh điển vượt thời gian. Xu hướng thời trang đến rồi đi, nhưng phong cách thì là vĩnh cửu.
Một số bộ sưu tập tạo nên dấu ấn khó phai của YSL gồm có: Pop Art, Ballet Russes, Picasso và bộ sưu tập thời trang mang phong cách Trung Hoa.Những tác phẩm của Yves lấy cảm hứng từ niềm đam mê nghệ thuật trừu tượng của Picasso, Mondrian và Matissevà những vùng đất xa lạ như Maroc, Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ.
Yves cũng là nhà thiết kế đầu tiên sử dụng người mẫu da màu. Bất chấp xã hội thời bấy giờ rất kì thị, ông đã đưa Mounia lên sàn diễn thời trang cao cấp quý giá và Naomi Campbell lên bìa Tạp chí Vogue tại Anh, Pháp và Mỹ.
Năm 1983, nữ hoàng thời trang Diana Vreeland đã tổ chức một buổi tưởng niệm tác phẩm của Yves Saint Laurent tại Bảo tàng Metropolitan ở New York cho người bạn mà bà gọi là “một thiên tài sống”. Hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về để xem triển lãm. Đây là lần đầu tiên vinh dự này được trao cho một nhà thiết kế còn sống.
Đắm chìm trong ma túy và rượu
Danh vọng không làm cho Yves Saint Laurent cảm thấy hạnh phúc. Chứng trầm cảm cùng với áp lực trong guồng quay của công việc đã khiến Yves không chịu được áp lực mà sa vào ma túy, rượu chè và bị các nhà thiết kế phụ trợ tại YSL Haute Couture chỉ trích.
Không thể chịu nổi áp lực, sau khi ra mắt bộ sưu tập cuối cùng trong sự nghiệp tại Trung tâm Pompidou vào năm 2002, ông tuyên bố nghỉ hưu và đóng cửa hãng thời trang cao cấp của YSL, đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên trong thế giới thời trang. Gần 300 tác phẩm tái hiện hơn 40 năm làm “cách mạng thời trang” của Yves được trình diễn trước 2.000 khách mời cùng hàng ngàn người theo dõi qua màn hình lớn. Theo lời nhận xét từ cộng sự Pierre Berge, những thiết kế của ông là“những bộ sưu tập tuyệt vời đã được tạo ra trong ma túy và rượu”.
Yves Saint Laurent qua đời vào ngày 1/6/2008 tại Paris vì ung thư não. Ông đã để lại một di sản đáng kinh ngạc mang tầm ảnh hưởng và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế trong nhiều năm tới. Đó là biểu tượng thời trang gắn liền với cuộc đời đầy biến cố của một trong những tên tuổi vĩ đại ngành thời trang.
“Nếu Chanel giải phóng phụ nữ nửa đầu thế kỷ 20 thì Yves trao cho họ quyền lực trong nửa cuối thế kỷ. Ông là một nhà kiến tạo chân chính, vượt qua những quan niệm thẩm mỹ thông thường”.