Đổi mới cơ chế tuyển chọn, "hút" cán bộ vào ngành Tư pháp

Con người yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công việc nên Bộ và ngành Tư pháp luôn xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là cần thiết trong mọi giai đoạn. Trao đổi với PLVN về lĩnh vực tối quan trọng này, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) - Bộ Tư pháp - nhấn mạnh: “Kiện toàn về tổ chức và hoạt động là định hướng lớn đầu tiên để góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp”.

Con người yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công việc nên Bộ và ngành Tư pháp luôn xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là cần thiết trong mọi giai đoạn. Trao đổi với PLVN về lĩnh vực tối quan trọng này, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) - Bộ Tư pháp - nhấn mạnh: “Kiện toàn về tổ chức và hoạt động là định hướng lớn đầu tiên để góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp”.

“Cán bộ là cái gốc của mọi việc”

Công tác TCCB luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành và Bộ Tư pháp. Vậy, công tác TCCB dự kiến sẽ có đột phá gì để chuẩn bị cho những kế hoạch của giai đoạn phát triển mới, bắt đầu từ năm 2012, thưa bà?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, công tác TCCB luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp xác định là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, hằng năm Bộ Tư pháp đều đặt phương châm "Năm của công tác TCCB" và xác định nhiệm vụ xây dựng ngành là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác tư pháp hàng năm. Thực hiện kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp, Kế hoạch công tác năm 2012 của Vụ TCCB đã xác định những định hướng lớn trong công tác TCCB và có thể xem đây là những đột phá trong năm 2012.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức   cán bộ, Bộ Tư pháp
Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp

Năm 2012 là năm thực hiện việc kiện toàn tổ chức của các bộ, ngành và địa phương theo nhiệm kỳ Quốc hội – Chính phủ khóa XIII. Do vậy, định hướng nhiệm vụ lớn đầu tiên là kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong quản lý nhà nước về công tác pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tiếp đó là đổi mới cơ chế tuyển chọn, thu hút cán bộ công chức (CBCC), viên chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm làm việc tại Bộ. Đổi mới công tác quản lý cán bộ theo tinh thần Luật CBCC và Luật Viên chức, trong đó tập trung vào các nội dung xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hợp lý, làm cơ sở khoa học cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu khác của công tác cán bộ như: biên chế, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm... và khắc phục sự hẫng hụt giữa các thế hệ CBCC, viên chức của Bộ, Ngành.

Chúng tôi cũng xác định phát triển nguồn nhân lực của Bộ, ngành để bắt kịp với những đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, theo đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ CBCC của Bộ có trình đô chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia của Bộ, ngành. Đồng thời, Vụ vẫn tiếp tục coi trọng việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ công chức tư pháp, THA địa phương, đặc biệt là công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã.

Quan trọng nhất là phát huy sức mạnh tổng hợp

Để thực hiện được những đột phá đó, Vụ xác định giải pháp gì là quan trọng nhất và việc thực hiện sẽ được tiến hành như thế nào?

- Để thực hiện những định hướng hay những đột phá nêu trên, giải pháp quan trọng nhất là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của Bộ, của các đơn vị thuộc Bộ trong công tác TCCB. Trước hết, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác TCCB.

Tiếp theo, Vụ TCCB, Tổng cục THADS sẽ phải đổi mới hoạt động theo hướng nâng cao vai trò tham mưu, quản lý ở tầm vĩ mô để giúp Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế và xây dựng các Đề án về TCCB của Bộ, ngành. Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ và phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện công tác tổ chức, cán bộ.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, năm nay Vụ xác định làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng, góp phần xây dựng chất lượng đội ngũ CBCC của Bộ, ngành?

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC của Bộ, ngành luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ. Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt đầu năm 2012 Bộ đã thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2015.

Điều này đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng, tạo ra tính chiến lược, hệ thống trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ gắn với yêu cầu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển chung của từng cơ quan, đơn vị và của Bộ, ngành. Triển khai thực hiện tốt các Quy hoạch này là góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC của Bộ, ngành.

Năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt, đối với đội ngũ CBCC của ngành, Vụ TCCB sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện đổi mới nội dung, phương thức, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng CBCC, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp. Đối với cơ quan Bộ Tư pháp, công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là triển khai việc nghiên cứu, quy hoạch và đào tạo để hình thành đội ngũ chuyên gia của Bộ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Đối với các cơ quan tư pháp địa phương, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBCC, viên chức thuộc quyền quản lý của Bộ sẽ được đổi mới theo hướng tập trung về Học viện Tư pháp để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ. Xúc tiến nhanh việc thành lập Trường Trung cấp Luật đặt tại tỉnh Quảng Bình và tỉnh Sơn La trong năm nay để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ công chức cơ sở, đặc biệt là công chức tư pháp - hộ tịch.

Đối với các chức danh tư pháp, các khoá đào tạo chức danh chấp hành viên, công chứng viên, luật sư sẽ được đổi mới cách thức tổ chức và ưu tiên cho các nơi còn thiếu chức danh tư pháp, đặc biệt sẽ đẩy mạnh thực hiện đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo Đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Việc nghiên cứu thực hiện thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cũng sẽ được triển khai để tiến tới thực hiện thống nhất công tác đào tạo các chức danh tư pháp.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực về pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ của Bộ theo Chiến lược cải cách tư pháp, Vụ TCCB sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án tổng thể “Xây dựng và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp”.

Đây là công tác nhằm khắc phục cơ bản tình trạng thiếu cán bộ đảm nhiệm các chức danh tư pháp và tạo bước chuyển biến căn bản trong đào tạo cán bộ về pháp luật ở nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế. Việc thành lập Phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại TP.Đà Nẵng cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đáp ứng nhu cầu đào tạo luật của các tỉnh miền Trung.

Phát huy nội lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao

Trong cuộc thi đua “Về đích sớm” do Bộ phát động, Vụ TCCB sẽ “chạy đua” như thế nào và cần có sự hỗ trợ như thế nào từ phía Bộ và địa phương, thưa bà?

- Để "Về đích sớm" trong cuộc thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 do Bộ phát động đòi hỏi trước hết phải phát huy nội lực của Vụ, triển khai thực hiện bài bản, đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Chi uỷ và Lãnh đạo Vụ sẽ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Vụ.

Hàng tuần, tháng, quý và 6 tháng, mỗi công chức, mỗi phòng và cả Vụ sẽ xây dựng kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm và xác định thời hạn hoàn thành cụ thể, đồng thời có thực hiện việc đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các kế hoạch để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc và xác định những công việc tiếp theo cần triển khai.

Tăng cường việc kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo Vụ, Lãnh đạo phòng đối với từng công việc triển khai, đặc biệt là phát huy vai trò đầu mối theo dõi, đôn đốc của Phòng Hành chính - Tổng hợp của Vụ. Và hơn hết, đó là mỗi đảng viên, chi bộ phải phát huy tính gương mẫu, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ được giao; phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực "chạy đua" của bản thân từng công chức trong Vụ.

Việc phát huy nội lực của Vụ dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng uỷ Bộ trong công tác tổ chức, cán bộ; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện các nội dung công tác tổ chức, cán bộ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với các cơ quan tư pháp địa phương trong việc quy hoạch, bố trí biên chế, cán bộ làm công tác tư pháp và đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức này, đặc biệt là đối với công chức tư pháp cấp xã, sẽ là những yếu tố quan trọng giúp Vụ TCCB "cán đích" sớm trong cuộc thi đua hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2012 của Bộ.

Trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ về những “đột phá” của công tác TCCB Bộ và ngành Tư pháp!

Hương Giang (thực hiện)

Đọc thêm