Đối thoại chưa đạt kết quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không ngoài dự liệu của cả các bên liên quan lẫn bên ngoài, các cuộc đối thoại về an ninh được tiến hành giữa Mỹ và Nga ngày 10/1 và giữa Nga với NATO ngày 13/1 vừa qua đều không đưa lại kết quả đáng kể nào.
Căng thẳng giữa Nga và NATO vẫn chưa hạ nhiệt.
Căng thẳng giữa Nga và NATO vẫn chưa hạ nhiệt.

Chúng đều thất bại trên phương diện hai bên rời cuộc đối thoại trong tình trạng bất hòa như khi bước vào cuộc đối thoại và không hẹn tiếp tục đối thoại vào thời điểm nào đấy trong thời gian tới. Nhưng chúng lại không hẳn hoàn toàn thất bại khi hai bên căng thẳng với nhau và đối địch lẫn nhau quyết liệt và gay gắt đến như thế mà lại rất nhanh chóng chấp nhận đi vào đối thoại và vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục cuộc đối thoại này.

Người ta nói rằng kết quả với ý nghĩa tích cực nhất và quan trọng nhất của hai cuộc đối thoại này là cuộc đối thoại được dàn xếp và diễn ra. Nếu như lưu ý thêm rằng hai bên vừa rồi chỉ đối thoại với nhau về vấn đề an ninh chứ không đàm phán thì sẽ thấy chuyện đối thoại về an ninh trong tương lai sẽ được hai bên tiếp tục chứ không chấm dứt.

Đối thoại chưa đạt kết quả và thậm chí không thể đạt được kết quả bởi ở đó có kẻ nói nhưng không có người nghe. Mỹ và NATO chỉ muốn trao đổi với Nga về tình trạng Nga tăng cường triển khai quân đội đến vùng biên giới với Ukraine. Mỹ và NATO luận giải từ đó là Nga mưu tính tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine như đã hành động hồi năm 2014 mà hệ lụy trực tiếp của những hành động ấy là Nga tiếp nhận Crimea.

Vì thế, Mỹ và NATO chỉ muốn ngăn cản Nga tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine. Suy tính sách lược của họ là chừng nào còn đối thoại được với Nga thì chừng đó vẫn có được khuôn khổ diễn đàn và cách thức thích hợp nhất để tác động và gây áp lực nhằm buộc Nga từ bỏ mưu tính tấn công quân sự vào Ukraine.

Trong khi đó, mục đích của Nga không phải là đối thoại mà đàm phán với Mỹ và NATO về dự thảo 2 hiệp ước an ninh giữa Nga với Mỹ và giữa Nga với NATO đã được công bố trước đó. Mỹ và NATO gần như đã ngay lập tức bác bỏ hai dự thảo này của Nga.

Thật ra, Nga không bất ngờ khi dự thảo bị phía bên kia bác bỏ. Công bố các dự thảo này chỉ là hình thức Nga công bố những điều kiện và yêu cầu của Nga về an ninh đặt ra cho Mỹ và NATO vào thời điểm hiện tại. Mục đích của Nga là biến vấn đề an ninh trở thành nội dung chính mới trong quan hệ với Mỹ và NATO, mà lại còn là an ninh ở châu Âu, động chạm trực tiếp tới NATO nói chung và các thành viên NATO nói riêng. Nga đặt ra vấn đề mới trong quan hệ song phương với Mỹ và NATO, buộc Mỹ và NATO phải giải quyết mà trong quá trình giải quyết nó thì Nga có nhiều lợi thế, có nhiều con chủ bài và có thể chủ động tiến thoái.

Cho nên trong chừng mực nhất định có thể nói việc Mỹ và NATO nhanh chóng đi vào đối thoại với Nga về an ninh là thắng lợi tạm thời của Nga. Mỹ và NATO không thể nhượng bộ theo những yêu cầu và điều kiện thể hiện trong dự thảo hai hiệp ước của Nga bởi như thế có khác nào chấp nhận sự dẫn dắt của Nga trong vấn đề an ninh ở châu Âu, và như thế đâu có khác gì buộc NATO phải “cài số lùi”.

Nhưng để Nga bớt quan ngại về mối quan hệ hợp tác giữa NATO với Ukraine cũng như với những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây hiện không phải là thành viên NATO, Mỹ và NATO chắc chắn sẽ phải có những nhượng bộ cơ bản nhất định cho Nga về an ninh ở châu Âu. Chúng chắc chắn phải đi xa hơn những gì đã được Mỹ đưa ra mời chào Nga ở hai cuộc đối thoại an ninh song phương vừa qua.

Từ đó có thể thấy châu Âu ít nhất trong năm 2022 này sôi động không chỉ bởi những chuyện đã khiến châu lục sôi động trong năm trước mà còn bởi chuyện an ninh giữa Nga với Mỹ và NATO. Diễn biến của chuyện này lại tác động trực tiếp tới mức độ ổn định của các cấu trúc an ninh đã được gây dựng lâu nay cho cả châu lục. Nó đẩy Mỹ, EU và NATO tới thách thức mới về vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh trên châu lục. Chưa khi nào kể từ rất nhiều năm trở lại đây, sự tồn tại và tương lai của NATO lại bị Nga thách thức thật sự như hiện tại.

Đọc thêm