Từ thành phố Vinh, qua cầu Cửa Tiền theo đường tỉnh lộ 8B ra đường ven sông Lam, nhìn bên trái thể dễ dàng nhận ra một dòng chữ trắng trên đỉnh núi cao cách đó khoảng 7km với nội dung Bác Hồ sống mãi. Theo người dân địa phương cho biết, dòng chữ được tạo trên rú Nhón, thuộc xóm 16 xã Hưng Thắng, Hưng Nguyên (Nghệ An) màu trắng là do vôi trắng rắc lên đất được đào thành rãnh.
Những cụ cao niên trong làng cho biết, dòng chữ này xuất hiện ở đây 48 năm kể từ năm Bác Hồ mất. Theo các cụ, thuở đó còn là thanh niên 17 – 18 tuổi, hàng trăm thanh niên được vận động về đây dùng cuốc, xẻng đào đất và rải vôi trắng thành dòng chữ này.
Các cụ cao niên trong xã thời đó đều là thanh niên đào đất tạo nên dòng chữ này. |
Một trong hai người trực tiếp khảo sát địa hình, thiết kế chữ viết và khoảng cách, chiều dài của hàng chữ trên là ông Nguyễn Thành Đô (SN 1946, nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thắng). Ông Đô cho biết, vào tháng 12/1969 lúc đó ông đang là Phó bí thư Đoàn xã Hưng Nghĩa (xã Hưng Thắng và Hưng Tiến ngày nay) thực hiện chủ trương của Huyện đoàn Hưng Nguyên về việc khắc dòng chữ Bác Hồ sống mãi trên ba đỉnh núi tại huyện này.
Theo đó, tại Rú Nhón (xã Hưng Thắng), tại dãy núi Cầu Đước (xã Hưng Chính) và tại Núi Mồng gà (xã Hưng Phú). Tuy nhiên, đến nay tại hai điểm trên do chiến tranh, do quá trình phát triển của lịch sử thì hai dòng chữ đã không còn tìm thấy.
Ông Nguyễn Thành Đô lúc đó là Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Hưng Nghĩa là một trong hai người tổ chức khảo sát thiết kế dòng chữ |
“Trước khi thanh niên về đào chữ thì tôi cùng với anh Nguyễn Xuân Nhường (lúc đó là cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện) lên núi khảo sát địa hình, thiết kế hàng chữ, đo cắm cọc, dăng dây trước. Nét chữ được thiết kế rộng 5 mét, sâu 20cm và cao 20m và dùng vôi trắng để rắc lên tạo thành dòng chữ.
Lúc đó, đoàn viên 12 xã được vận động tham gia tạo chữ, mỗi xã được giao tạo một chữ trong số đó xã Hưng Nghĩa tạo chữ S, Hưng Lộc (lúc đó đang thuộc Hưng Nguyên) chữ Ô, Hưng Thông chữ C… Hồi đó khu vực này đầy rẫy bom bi, thanh niên tuy có hơi sợ nhưng khí thế hừng hực lắm chỉ một ngày là làm xong và rắc vôi xong luôn…”, ông Đô nhớ lại.
Vôi được chuẩn bị đề rắc thành màu trắng trên dòng chữ |
Ông Đô cho biết thêm, sau đó 1 tháng 1/1970 toàn dân trong xã ra đào thêm một dòng chữ Hưng Nghĩa quyết làm theo lời Bác trên động Mồng Gà tại xã Hưng Phú cùng dịp đón Tết Nguyên đán Canh Tuất nhưng đến nay do thời gian quá lâu đã mờ mất rồi. Cũng tại lần đào đất tạo dòng chữ Bác Hồ sống mãi ông Đô cũng đã gặp cô thanh niên Trần Thị Lương (SN 1950) là vợ ông bây giờ tham gia tạo chữ.
“Thế hệ thanh niên chúng tôi, những người dân Hưng Thắng vẫn luôn tự hào về dòng chữ này, đây là một trong những việc làm thể hiện lòng tự hào, sự kính trọng đối với Bác Hồ kính yêu và đã gắn liền với nhân dân toàn huyện nói chung đặc biệt là nhân dân Hưng Thắng nói riêng”, ông Đô tâm sự.
Đoàn thanh niên xã Hưng Thắng tôn tạo lại dòng chữ trên núi |
Do quá trình phát triển và biến cố của lịch sử, dòng chữ mờ nhạt dần nhưng do không có điều kiện để tôn tạo lại, song vẫn còn nguyên dấu tích trên rú Nhón. Năm 2000, dòng chữ được đoàn thanh niên xã vận động tu tạo lại một lần cho đến nay.
Ấp ủ mãi kế hoạch tu tạo công trình trên nhưng do điều kiện chưa cho phép, trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2017 cán bộ đoàn viên thanh niên Hưng Thắng đã đồng lòng, quyết tâm hoàn thành công trình sớm nhất có thể. Để có kinh phí thực hiện Ban thường vụ Đoàn xã Hưng Thắng ngoài vận động kêu gọi mọi nguồn lực từ nhân dân, đoàn viên thanh niên, những người con xa quê đã đảm nhận công trình vớt bèo làm quỹ, tổ chức các ngày Chủ nhật xanh thu gom phế liệu bán để góp kinh phí...
Cách chân núi rất xa vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ trên núi |
Ngày 27/8 và 28/8/2017 vừa qua, với sự quyết tâm cao, hơn 60 đoàn viên thanh niên trong xã đã tiến hành thực hiện công trình với những phần việc như đào lại chữ, chuyển vôi, rải vôi, chặt cây cối, bụi rậm trong khu vực công trình. Mặc dù thời tiết không ủng hộ nhưng công trình thanh niên đã “vượt nắng, thắng mưa”, hoàn thành trong niềm vui chung không chỉ của nhân dân, đoàn viên thanh niên Hưng Thắng.
Theo Bí thư đoàn xã Hưng Thắng, anh Võ Trọng Thao cho biết, những năm qua Đoàn thanh niên luôn trăn trở để có thể tu tạo lại dòng chữ để nhiều người biết đến, đó cũng là một niềm tự hào của người dân Hưng Thắng.
Cũng chính từ ngày tạo nên dòng chữ này ông Đô và bà Lương nên duyên và thành vợ thành chồng. |
“Năm nay, cùng với sự đồng lòng, chung tay giúp sức và sức trẻ của anh chị em đoàn thanh niên xã Hưng Thắng đã tu tạo thành công dòng chữ. Về tương lại trong những năm tiếp theo, Đoàn thanh niên xã Hưng Thắng sẽ cố gắng quyết tâm để mỗi một năm tu tạo lại một lần để dòng chữ luôn được nhìn thấy”, anh Thao cho biết. Sau 48 năm dòng chữ trên núi đá vẫn trường tồn như Bác Hồ vẫn sống mãi trong lòng mỗi con người dân tộc Việt Nam.