Động đất Valdivia năm 1960 - “cơn thịnh nộ từ lòng đất” có sức tàn phá mạnh nhất trong lịch sử nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xảy ra vào năm 1960 tại thành phố Valdivia (Chile), trận động đất với cường độ lên tới 9,5 độ richter xảy ra trong khoảng 10 phút. Động đất gây sóng thần ảnh hưởng đến miền nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, miền đông New Zealand, đông nam Australia và quần đảo Aleutian. Tổng số người thiệt mạng từ trận động đất và sóng thần được công bố khoảng từ 1.000 - 7.000 người.
Trận động đất ở Chile năm 1960.
Trận động đất ở Chile năm 1960.

Trận động đất lớn nhất trong thế kỷ 20

Chile là quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương (Vành đai địa chấn Thái Bình Dương). Đây là khu vực bao quanh Thái Bình Dương, có chiều dài lên tới 40.000 km, nơi xảy ra rất nhiều trận động đất và phun trào núi lửa thuộc hàng mạnh nhất trên Trái Đất. Chính vị trí địa lý đặc biệt là nguyên nhân khiến quốc gia này liên tiếp gặp phải những trận động đất, sóng thần cực mạnh và gây nhiều thiệt hại to lớn trên nhiều lĩnh vực. Theo các thống kê, khoảng 90% các trận động đất trên Trái Đất đều xảy ra tại vành đai lửa này.

Theo khảo sát Địa chất Hoa Kỳ báo cáo trân động đất tại Chile năm 1960 là "trận động đất lớn nhất thế kỷ 20". Các trận động đất khác trong lịch sử được ghi lại có thể đã lớn hơn. Tuy nhiên, đây là trận động đất lớn nhất đã xảy ra kể từ khi ước tính chính xác về cường độ có thể xảy ra vào đầu những năm 1900.

Trận động đất Valdivia kéo dài khoảng 10 phút với cường độ lên đến 9,5 độ Richter, kèm theo sóng thần trên dọc bờ biển Chile đã tạo nên thảm họa "kép" thiệt hại khủng khiếp trong lịch sử động đất ở quốc gia này và trên thế giới.

Trận động đất kinh hoàng đó bắt đầu diễn ra vào rạng sáng ngày 21/5/1960. Đầu tiên, tại vùng biển gần thành phố cảng Puerto Montt của Chile, một trận động đất mạnh bất thường vô cùng hiếm thấy với cường độ cao đã diễn ra trong thời gian dài trên diện rộng.

Trận động đất này liên tục kéo dài đến ngày 23/6. Trận động đất đầu tiên xảy ra với cường độ còn tương đối nhẹ, nhưng không giống như những tiền chấn xảy ra trong quá khứ, ngay sau khi trận động đất thực thụ chuẩn bị xảy ra, nó liên tục không ngừng phát sinh với cấp độ ngày một dữ dội hơn.

Trận động đất đạt cường độ cực đại vào khoảng 19h tối ngày 22/5. Trận động đất này ban đầu xuất phát từ vùng lòng chảo Thái Bình Dương, dưới đáy biển sát gần cảng Puerto Montt. Ngay sau đó, mặt đất khắp nơi rung chuyển dữ dội, đợt chấn động lớn nhất này diễn ra liên tục trong vòng vài phút, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân địa phương.

Thiệt hại do sóng thần ở Hilo, Hawaii sau trận động đất ở Chile năm 1960.

Thiệt hại do sóng thần ở Hilo, Hawaii sau trận động đất ở Chile năm 1960.

Cấp độ động đất ban đầu là 8,9 sau đó tăng lên 9,5 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng đã phá hủy gần như mọi cơ sở vật chất của thành phố cảng Puerto Montt, hàng nghìn người dân đã bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Sau đó, nó đã kích hoạt một loạt các đợt sóng thần. Các đợt sóng thần đã ảnh hưởng đến miền nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, miền đông New Zealand, đông nam Australia và quần đảo Aleutian, Valdivia là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cơn chấn động gây ra sóng thần cục bộ đánh phá bờ biển Chile, với những con sóng cao tới 25 mét. Trận sóng thần chính đã đi qua Thái Bình Dương và tàn phá Hilo, Hawaii, nơi những con sóng cao tới 10,7 mét được ghi nhận cách tâm chấn hơn 10.000 km.

Tại Corral, cảng chính của Valdivia, mực nước đã tăng 4m trước khi bắt đầu rút. Sau đó, một con sóng cao 8m ập vào bờ biển Chile, chủ yếu giữa Concepcion và Chile. Mười phút sau, một con sóng khác cao 10m nữa được hình thành tiếp tục tấn công vào bờ biển. Hàng trăm người đã được báo cáo đã thiệt mạng vào thời điểm sóng thần xảy ra.

Hệ thống pháo đài Valdivian từ thời thuộc địa Tây Ban Nha đã bị phá hủy hoàn toàn. Sự sụt lún đất cũng phá hủy các tòa nhà đồng thời tạo ra các vùng đất ngập nước ở những nơi như Rio Cruces và Chorocomayo. Nhiều khu vực của thành phố bị ngập lụt, hệ thống điện và nước của Valdivia bị phá hủy hoàn toàn.

Những con số “biết nói”

Hầu hết các thiệt hại là do một loạt các cơn sóng thần được tạo ra bởi trận động đất. Những con sóng này quét qua các khu vực ven biển khoảnh khắc sau khi trận động đất xảy ra. Nó đẩy các tòa nhà khỏi nền móng và nhấn chìm nhiều người.

Thảm họa kép gây nên thiệt hại nghiêm trọng khiến gần 5.000 người thiệt mạng và bị thương ở Chile. Nhiều nhà cửa ở Chile bị tàn phá nặng nề. Động đất, sóng thần "nổ" ra khiến cho 2 triệu người dân ở Chile rơi vào tình trạng mất nhà cửa. Tỷ lệ người thiệt mạng vào khoảng 1.600 người và hơn 3.000 người bị thương. Các cơ quan chức năng đã ước tính chi phí tiền tệ do thảm họa dao động từ 400 - 800 triệu USD Mỹ (~ 3,5 tỷ - 7 tỷ USD ngày nay).

Hiện trường hoang tàn, đổ nát sau trận động đất ở Chile năm 1960.

Hiện trường hoang tàn, đổ nát sau trận động đất ở Chile năm 1960.

Hai ngày sau khi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần kinh hoàng, ngọn núi lửa Volcan Puyehue bất ngờ "tỉnh giấc" và phun trào mạnh mẽ, tạo thành cột tro bụi 6.000m sau gần 40 năm ngừng hoạt động. Biến cố bất ngờ này đã gây ra nhiều thiệt hại trong nhiều tuần liên tiếp ở Chile. Theo tính toán của các nhà khoa học, năng lượng giải phóng từ thảm họa động đất - sóng thần - núi lửa ước tính lớn hơn 200 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945 trong Thế chiến thứ II.

Hiện nay, nhằm phòng chống đống đất có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, Chile đã yêu cầu phải sử dụng các loại vật liệu đạt tiêu chuẩn và phải có các nghiên cứu, khảo sát sâu về đất trong xây dựng. Luật của Chile quy định, các cấu trúc phải đảm bảo duy trì độ bền giúp cho việc cứu người, nhưng không bắt buộc phải tránh được hoàn toàn các tổn thất khi xẩy ra các trận động đất lớn, kiến trúc sư của Đại học Chile Jaime Diaz giải thích.

Như vậy kết cấu phải là bê tông cốt thép chịu lực và đảm bảo độ đàn hồi để các tòa nhà chịu được độ rung lắc, tự cân bằng và không bị đổ. Các tòa nhà hay các công trình khác hiện đại hơn có xu hướng đưa vào sử dụng các loại vật liệu cách ly, đảm bảo an toàn và chống động đất để năng lượng phát ra từ sự dịch chuyển dưới lòng đất không truyền đến các tòa nhà, hoặc năng lượng thoát ra đó không được các tòa nhà hấp thụ, kiến trúc sư Diaz nhấn mạnh. Độ chịu lực của các tòa nhà ở Chile trước các trận động đất theo quy định là các biện pháp rất tốn kém và rất khó để áp dụng tại các nước có điều kiện kinh tế kém thuận lợi.

Trung tâm thông tin động đất quốc gia (NEIC) ghi nhận mỗi năm có khoảng 20.000 cơn chấn động diễn ra trên toàn thế giới. Tức là, trung bình cứ 50 ngày lại có một sự rung chuyển của mặt đất. Tuy nhiên, thực tế là có hàng triệu rung chấn mỗi năm, nhưng vì nó quá yếu nên không được đề cập đến. Người ta ước tính, cứ 30 giây, thế giới lại chịu tác động của một cơn địa chấn.

Đặc biệt, khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương thường xuyên xảy ra các cơn lay động mạnh của mặt đất hoặc phun trào núi lửa. Nó chứa khoảng 75% núi lửa trên thế giới. Ước tính, khoảng 71% các trận chấn động mạnh nhất thế giới diễn ra tại vành đai hình móng ngựa này. Vành đai lửa Thái Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng của gần 80% của các hoạt động kiến tạo địa tầng. Điều này khiến nhiều người sợ hãi khi nhắc đến lòng chảo này.

Đọc thêm