Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để cho thấy cả hai bên đều coi trọng sự kiện này như thế nào. Mỹ và Australia vốn là đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của nhau. Đấy cũng còn là bản chất của mối quan hệ song phương này.
Cho nên họ luôn tiền hô hậu ủng nhau thì cũng không có gì lạ. Bây giờ, hai đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của nhau này lại càng thêm gắn bó chặt chẽ với nhau bởi gần như cùng hội cùng thuyền trong những chuyện hiện thời sự nổi cộm liên quan đến Trung Quốc là dịch bệnh, quan hệ của Trung Quốc với Tổ chức Y tế thế giới (WTO), Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông.
Từ đầu năm nay, Mỹ thể hiện quan điểm thái độ càng ngày càng thêm cứng rắn đối với Trung Quốc trong quan hệ song phương nói chung và về các vấn đề nêu trên nói riêng.
Không những thế, Mỹ đã công khai bộc lộ chủ ý tìm cách tập hợp đồng minh và đối tác thành liên minh cùng đối phó Trung Quốc, không dừng lại ở cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện mà chuyển sang đối phó Trung Quốc đặc biệt về chính trị và ý thức hệ. Mỹ hiện có được những đồng minh thuộc diện lý tưởng nhất đồng hành với Mỹ.
Lực lượng của Australia và Nhật Bản tham gia tập trận với Hải quân Mỹ trên Biển Đông. |
Mới rồi, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã công du châu Âu để vận động các đồng minh và đối tác tham gia liên minh này. Khi ở Anh, ông Pompeo đã chính thức khởi động quá trình tập hợp lực lượng mới này. Với Australia, phía Mỹ bây giờ cũng theo đuổi mục đích ấy.
Mục tiêu và lợi ích với việc đối phó Trung Quốc làm cho mối quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống giữa hai nước này trở nên thêm gắn bó và tin cậy. Australia không công khai leo thang căng thẳng và gay cấn với Trung Quốc đến mức như Mỹ, nhưng thực chất bất đồng quan điểm của Australia với Trung Quốc không khác gì Mỹ trong các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông. Giống như Mỹ, Australia ủng hộ việc Đài Loan được có lại quy chế quan sát viên trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Giống như Mỹ, Australia thể hiện quan điểm thái độ rất cứng rắn đối sau khi Trung Quốc ban hành bộ luật mới về an ninh ở Hong Kong. Mỹ quyết định trừng phạt một số chính khách và quan chức Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến bộ luật này và hủy bỏ những biện pháp chính sách ưu đãi Hong Kong với lập luận cho rằng bộ luật về an ninh ở Hong Kong xóa nhòa sự khác biệt giữa Trung Quốc và đặc khu hành chính này.
Còn Australia tuyên bố ngừng hiệu lực của thỏa thuận về dẫn độ với Hong Kong, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Hong Kong nhập cảnh vào Australia cư trú lâu dài và thậm chí còn cả gia nhập quốc tịch. Biện pháp chính sách này của Australia giống hệt như biện pháp chính sách của Anh đối với Trung Quốc, có khác so với Mỹ, nhưng bản chất của phản ứng và tác động chính trị của nó không khác gì.
Đáng chú ý nữa là Australia đã hòa đồng với Mỹ trong việc công khai thể hiện quan điểm thái độ bác bỏ gần như hoàn toàn mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Đấy là động thái mới nhất với tác động và hệ lụy rất quan trọng tới cục diện tình hình pháp lý quốc tế và chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ của Australia và Mỹ với Trung Quốc, với các nước ASEAN.
Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Trung Quốc là đối tác quan trọng hơn cả Mỹ đối với Australia nhưng về chính trị thế giới và an ninh khu vực thì Mỹ lại quan trọng hơn đối với Australia.
Vì thế, Australia hiện tại có không ít khó xử nhưng rồi dường như đã chấp nhận trả giá khi thiên lệch hẳn về phía Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc vào thời điểm hiện tại. Mỹ càng thêm găng với Trung Quốc thì mối bất hoà giữa Australia và Trung Quốc còn dai dẳng.