Đồng Nai: Doanh nghiệp “kêu cứu” vì bị đình chỉ hoạt động sai luật?

(PLO) - Chỉ vì thiếu bản kế hoạch bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã bị UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) xử phạt hành chính bằng hình thức đình chỉ hoạt động 9 tháng và niêm phong toàn bộ nhà xưởng.
Anh Khương cho rằng TP Biên Hòa đình chỉ hoạt động chín tháng là không đúng pháp luật

Phạt như bức tử

Ngày 22/2, UBND TP Biên Hòa có quyết định giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Tài chính và Kế hoạch, Công an TP Biên Hòa và UBND phường Long Bình tiến hành kiểm tra các công trình, nhà xưởng hoạt động sản xuất tại các tổ 24, 25 và 26 tại khu phố 8, phường Long Bình từ ngày 2/3 đến ngày 28/4.

Theo đó, UBND TP Biên Hòa đã lập đoàn đã kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 50/51đơn vị. Đồng thời lập biên bản VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả đối với 45/51 đơn vị. Trong đó có 11/51 đơn vị thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 6 - 9 tháng. Đến nay, UBND đã xử phạt các DN và cơ sở sản xuất trên tổng tiền phạt là gần 800 triệu đồng.

Theo người dân, ngoài hình thức phạt tiền với mức phạt quá nặng đối với các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ về mặt hàng sản xuất gia dụng đồ gỗ, UBND TP Biên Hòa còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 9 tháng thì chẳng khác nào bức tử người dân.

“Việc UBND TP Biên Hòa cho tiến hành niêm phong ngay máy móc, niêm phong toàn bộ cơ sở sản xuất, nhà xưởng dẫn đến các đơn vị phải ngừng hoạt động, gián đoạn sản xuất. Không chỉ có vậy, việc đột ngột bị đình chỉ sản xuất mà không cho các đơn vị sắp xếp các đơn hàng với các đối tác gây nên tình trạng ùn ứ hàng, các đơn vị không có thời gian thương lượng thỏa thuận với các lao động trong khi các lao động có nguồn thu nhập chính ổn định hàng tháng. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề không chỉ về kinh tế đối với các đơn vị này mà còn ảnh hưởng lớn về uy tín trên thương trường”, ông Trịnh Phúc Diễn, một trong những chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ bị xử phạt và đình chỉ hoạt động vì không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Khương - một chủ cơ sở mộc khác cho biết, đứng trước nguy cơ ảnh hưởng lớn về tài chính, nguồn vốn đầu tư, tình trạng máy móc bị hư hỏng, do bị đình chỉ hoạt động sản xuất đột ngột với thời gian đến 9 tháng, rất nhiều đơn vị đã gửi đơn nói rõ mong muốn, nguyện vọng được làm thủ tục bổ sung bản kế hoạch bảo vệ môi trường để tiếp tục được hoạt động. Tuy nhiên, những thắc mắc, kiến nghị của người dân đã không được các cơ quan chức năng giải quyết thích đáng.

“Sau khi bị niêm phong tôi đã đi làm thuê. Ngoài ra để giải quyết nguồn tiền phải trả do việc ngưng hoạt động sản xuất dẫn đến bế tắc về tài chính tôi đã cho thuê mặt bằng. Trong quá trình dọn dẹp máy móc vào một chỗ, che đậy kỹ càng không may niêm phong bị rách, không rõ nguyên nhân. Khi đoàn đi kiểm tra việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm tại cơ sở của tôi vào ngày 10/5, đoàn đã lập biên bản niêm phong bị rách không rõ nguyên nhân chứ không phải do tôi bỏ niêm phong để sản xuất trái phép. Vậy mà không hiểu sao sau đó UBND TP Biên Hòa ra quyết định xử phạt tôi thêm 35 triệu đồng vì lý do niêm phong bị rách ký vào ngày 3/5, tức là ký trước một tuần thời điểm lập biển bản”, ông Khương bức xúc.

Áp dụng luật chưa đúng?

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Nai ngày 11/5, ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, hầu hết cơ sở đã kiểm tra đều hoạt động với quy mô hộ kinh doanh, theo quy định tại Nghị định 155/2016 NĐ-CP thì không bị áp dụng đình chỉ hoạt động với hình thức niêm phong. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét hỗ trợ về hướng xử lý.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc Hãng luật Hưng Yên cho biết, qua đối chiếu hồ sơ và các quy định pháp luật theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP cùng các văn bản khác thấy rằng việc xử phạt của UBND TP Biên Hòa chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

“Đối với các cơ sở sản xuất quy mô là hộ gia đình, theo Điều 15 và Điều 66 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP thẩm quyền cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các cơ sở này là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện. Theo đó, các cơ sở này hoạt động với quy mô tương đương, thuộc trường hợp bị phạt theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 155 chứ không phải điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 155.  Vì lẽ đó, mức phạt tiền áp dụng đối với hai cơ sở sản xuất mộc của ông Trịnh Phúc Diễn và ông Hoàng Văn Khương là sai do áp dụng quy định luật chưa chính xác. Như vậy căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 155 thì UBND TP Biên Hòa không được áp dụng hình thức hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất đối với hai cơ sở trên”, luật sư Quynh nói.

Theo Luật sư Quynh, theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 155/NĐ-CP và Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, chỉ trong trường hợp các đơn vị, DN thuộc trường hợp bị phạt hành chính theo điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 155/NĐ-CP khi có hành vi xả thải, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường mới bị đình chỉ hoạt động. Trong khi đó, các cơ sở, DN này chỉ có vi phạm một hành vi là không có kế hoạch bảo vệ môi trường  được UBND TP Biên Hòa nêu rõ trong quyết định xử phạt chứ không có hành vi xả thải nào hoặc có khả năng thực tế gây nên hậu quả nghiêm trọng như quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Biên Hòa chỉ nêu ra hoạt động của các DN, cơ sở  tại địa phương có khả năng gây ô nhiễm môi trường mà không nêu hoạt động sản xuất có gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của con người hay không và cũng không hề có bất cứ bằng chứng nào là kết luận quá trình quan trắc, kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường, bằng chứng về hình ảnh, lập biên bản xử phạt hành vi xả thải hoặc hậu quả ô nhiễm môi trường thực tế của doanh nghiệp tại địa phương từ trước tới nay. Rõ ràng cơ quan thẩm quyền đã áp dụng chưa đúng căn cứ pháp luật, xử lý vi phạm không chính xác, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan, gây nên hậu quả nặng nề cho các cơ sở sản xuất, DN.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho rằng người dân nói sai nhưng không nói rõ dân sai ở điểm nào. “Người dân cứ có văn bản nói sai chỗ nào thì UBND TP Biên Hòa sẽ trả lời”, ông Long nói. Khi PV đề nghị UBND TP Biên Hòa nêu quan điểm về việc phản ánh của người dân cho rằng UBND TP Biên Hòa áp dụng sai luật đối với việc áp dụng hình phạt bổ sung là định chỉ hoạt động chín tháng thì ông Long nói PV gửi nội dung bằng văn bản sẽ trả lời. Tuy nhiên, tính đến nay đã mười ngày trôi qua kể từ lúc PV gửi nội dung câu hỏi nhưng vẫn chưa  nhận được trả lời dù PV đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin hỏi về hồi âm vụ việc.

Đọc thêm