“Dớp” không Thủ tướng nào hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ tái diễn ở Pakistan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với việc ông Imran Khan, người trở thành Thủ tướng Pakistan từ 2018, trở thành người đầu tiên bị bãi nhiệm do thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, “dớp” không một vị Thủ tướng nào tại chức trọn một nhiệm kỳ kể từ khi Pakistan giành được độc lập vào năm 1947 cho đến nay tiếp tục kéo dài...
Ông Nawaz Sharif từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Pakistan nhưng không lần nào làm hết nhiệm kỳ
Ông Nawaz Sharif từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Pakistan nhưng không lần nào làm hết nhiệm kỳ

Thủ tướng đầu tiên mất chức

1h sáng ngày 10/4, sau phiên họp kéo dài 13 giờ, với nhiều lần trì hoãn, Chủ tịch Hạ viện Pakistan Ayaz Sadiq đã công bố kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Imran Khan. Theo đó, đã có 174 nghị sĩ trong số 342 thành viên Hạ viện Pakistan bỏ phiếu thông qua nghị quyết bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Khan. Với kết quả này, ông Khan trở thành Thủ tướng đầu tiên ở Pakistan bị bãi nhiệm do thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Ba ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Tòa án Tối cao Pakistan đã ra phán quyết rằng Quốc hội nước này đã bị giải tán bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu Quốc hội triệu tập để tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Imran Khan. Trước đó, ông Imran Khan đã đề xuất Tổng thống Arif Alvi giải tán Quốc hội để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông ta vì cáo buộc quản lý kinh tế yếu kém.

Theo Tòa án Tối cao Pakistan, quyết định này là vi hiến. Trong quyết định của mình, Tòa án Tối cao Pakistan cũng hủy bỏ lệnh trước đó của ông Khan về việc giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Tòa án Tối cao Pakistan khẳng định lệnh này “không có hiệu lực pháp lý”.

Một ngày sau cuộc bỏ phiếu nói trên, ngày 11/4, Quốc hội Pakistan đã được triệu tập và bầu ông Shehbaz Sharif (70 tuổi) trở thành lãnh đạo mới của Pakistan. Ông Shehbaz là em trai của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần giữ cương vị Thủ tướng Pakistan.

Ông Imran Khan (69 tuổi) lên nắm quyền vào năm 2018. Việc ông Khan bị bãi nhiệm diễn ra trong bối cảnh Chính phủ của ông ta đang phải đối mặt với việc cạn kiệt dự trữ ngoại hối và lạm phát hai con số, giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt trong thời gian gần đây.

Hôm 7/4 vừa qua, đồng rupee của Pakistan đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại. Khi sự thất vọng với khả năng lãnh đạo của ông ngày càng tăng, phe đối lập đã đệ đơn đề nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Họ cũng đã thúc giục ông Khan từ chức trước cuộc bỏ phiếu. Thay vào đó, ông Khan đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm nhằm nỗ lực bám lấy quyền lực.

Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan.Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan.

Lời hứa không thực hiện được

Được cho là Thủ tướng nổi tiếng nhất của Pakistan trong những thập kỷ gần đây, ông Khan đã khẳng định tên tuổi của mình với tư cách là một chính trị gia, nhà từ thiện và ngôi sao thể thao ở trong nước và trên thế giới. Sinh năm 1952 trong một gia đình giàu có ở thành phố Lahore, ông nhận được một nền giáo dục danh giá, hoàn thành xuất sắc việc học với bằng triết học, chính trị và kinh tế của Đại học Oxford.

Tuy nhiên, thay vì theo đuổi sự nghiệp chuyên môn hay làm kinh tế, ông Khan lại theo đuổi nghiệp thể thao. Trước khi tham gia hoạt động chính trị, ông ta là một ngôi sao bóng chày nổi tiếng thế giới với sự nghiệp lừng lẫy kéo dài suốt 2 thập kỷ, từ những năm 1970 đến những năm 1990. Ông này từng là đội trưởng, dẫn dắt đội tuyển quốc gia Pakistan giành chiến thắng tại World Cup năm 1992.

Khi sự nghiệp thể thao chững lại, ông Khan bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, tập trung xây dựng hình ảnh một nhà cải cách đạo đức, một nhân vật tiên phong chống đói nghèo. Năm 1996, ông ta thành lập đảng chính trị của riêng mình có tên Pakistan Tehreek-e-Insaaf (PTI), hay Phong trào Công lý với cam kết chống tham nhũng mạnh mẽ.

Cùng với đó, ông cũng rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2018, ông này trở thành Thủ tướng thứ 22 của Pakistan sau khi ra tranh cử với quan điểm dân túy, được so sánh như “Donald Trump của Pakistan”. Lên nắm quyền với lời hứa hẹn về một “Pakistan mới” cùng với cam kết xóa bỏ đói nghèo và tham nhũng, trước ngày nhậm chức, ông Khan thông báo cắt giảm những khoản chi cho cá nhân bằng cách quyết định sống trong một căn nhà nhỏ hơn, đơn giản hơn chứ không sống ở dinh thự dành cho thủ tướng. Ngân sách cho chỉ riêng hoạt động bảo vệ an ninh của khu phức hợp đã lên đến gần 8 triệu USD còn tiền lương của các nhân viên làm việc ở đây là hơn 5,6 triệu USD; chưa kể chi phí trang trí, sửa chữa... Theo báo chí Pakistan, việc ông Khan không ở đây đã giúp tiết kiệm đến 15 triệu USD mỗi năm tiền từ ngân sách.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, ông Khan phải đối mặt với nhiều trở ngại, từ lạm phát gia tăng đến đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Chính phủ của ông Khan cũng đã phải đối phó với sự sụt giảm kỷ lục về dự trữ ngoại hối và vào năm ngoái đã nhận được khoản cứu trợ 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trước khi mất chức, đảng của ông Khan đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi chính phủ liên minh vì cho rằng Thủ tướng đã thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, không thực hiện được các cam kết tranh cử của mình. Trong số những nghị sĩ đã bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Khan có cả những người từng thuộc đảng PTI của ông ta nhưng đã rời bỏ đảng này.

“Dớp” khó phá

Việc ông Khan bị bãi nhiệm khi chỉ còn gần 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ kéo dài “dớp” không Thủ tướng nào hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm trong suốt lịch sử hình thành và phát triển kể từ khi nhà nước Pakistan hiện đại được thành lập vào năm 1947.

Ông Nawabzada Liaquat Ali Khan, một trong những lãnh đạo sáng lập Pakistan, Thủ tướng đầu tiên của nước này đã bị ám sát vào năm 1951, sau khi nắm quyền được 4 năm và 63 ngày. Thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Pakistan là ông Nurul Amin. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1971, ông Amin được mời làm Thủ tướng dưới thời Tổng thống Yahya Khan. Ông này giữ chức Thủ tướng Pakistan trong 13 ngày, từ ngày 7/12 đến ngày 20/12/1971. Ông Amin cũng là Phó Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Pakistan, giữ chức vụ này từ năm 1970 đến năm 1972.

Bà Benazir Bhutto - nữ Thủ tướng đầu tiên của Pakistan, đồng thời cũng là nữ Thủ tướng đầu tiên tại một nước Hồi giáo và là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Pakistan dù đắc cử đến 2 nhiệm kỳ cũng không “tại vị” được hết 5 năm. Năm 1990, khi chưa làm được hết 1 nửa nhiệm kỳ, bà bị Tổng thống Ghulam Ishaq Khan bãi nhiệm. Sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, năm 1996, bà lại tiếp tục bị Tổng thống Farooq Leghari phế truất vì các cáo buộc tham nhũng và không đủ năng lực quản trị.

Người tiền nhiệm của ông Khan là ông Nawaz Sharif, người giữ kỷ lục 3 lần trở thành Thủ tướng Pakistan cũng chưa một lần hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm. Năm 2017, ông Sharif đã bị Tòa án Tối cao Pakistan phế truất liên quan đến cáo buộc tham nhũng vốn bị phanh phui sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” khi chỉ còn gần 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ. Quyết định của Tòa án Tối cao Pakistan khi đó được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 2 tháng của nhóm điều tra chung do Tòa án Tối cao chỉ định về cáo buộc cho rằng gia đình ông Sharif không thể giải thích được về số tài sản “khủng” của họ.

Đến ngày 27/4/2020, Cục Trách nhiệm giải trình Quốc gia Pakistan đã ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Nawaz Sharif với cáo buộc nhận hối lộ trong một vụ chuyển nhượng bất động sản.

Đọc thêm