Dự án Nhà máy thủy điện Thác Thúy I: Giành giật nguồn nước của dân!

(PLO) - Người dân thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đang rất lo lắng trước việc chuẩn bị xây dựng thêm Nhà máy thủy điện Thác Thúy I tại thị trấn này, vì theo họ việc xây dựng này sẽ khiến nguồn nước sinh hoạt của toàn thị trấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Dự án Nhà máy thủy điện Thác Thúy I: Giành giật nguồn nước của dân!
Hiện nguồn nước sạch cung cấp cho người dân thị trấn nói trên đều được lấy từ Thác Thúy, nhưng từ khi nhà máy thủy điện hoạt động và việc chuẩn bị xây mới Nhà máy thủy điện Thác Thúy I có công suất lên 10MW thì sự lo lắng của người dân về nguy cơ mất nguồn nước sinh hoạt lại tăng lên gấp bội.
Huyện gửi công văn phản đối lên tỉnh
Ông Nguyễn Văn Bồng (69 tuổi, hiện trú tại tổ 9, thị trấn Việt Quang) cho hay: Cả thị trấn Việt Quang hiện có trên 3.000 hộ dân; theo đó, trên 80% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt do Nhà máy nước Việt Quang cung cấp. Được biết, Nhà máy nước Việt Quang đang cùng khai thác chung nguồn nước thô với Nhà máy thủy điện Thác Thúy có công suất 2,4MW do tư nhân quản lý. Thực tế, về mùa khô lượng nước không đủ cung cấp cho cả hai đơn vị hoạt động liên tục nên việc tranh chấp nguồn nước thô thường xuyên diễn ra rất gay gắt. 
 “Với ý đồ độc chiếm nguồn nước thô, đơn vị chủ quản của Nhà máy thủy điện Thác Thúy hiện tại đã khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Hà Giang và các ngành cho phép quy hoạch, xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Thúy I  công suất 10MW. Toàn bộ khu đập của Nhà máy Thủy điện Thác Thúy I nằm trong lưu vực quy hoạch đăng ký khai thác nước mặt của Nhà máy nước Việt Quang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà Trung tâm cấp, thoát nước đang quản lý. Là người dân sống ở đây đã lâu, chúng tôi được biết về mùa khô nước không đủ cho Nhà máy thủy điện Thác Thúy vận hành đủ công suất 2,4MW mà chỉ chạy cầm chừng được 1 tổ máy với công suất 0,6MW thì lý do gì khiến chủ đầu tư lại đầu tư xây dựng một nhà máy với công suất lớn hơn là 10MW? Dự án này triển khai thì Nhà máy nước Việt Quang sẽ mất đi nguồn nước khai thác, người dân Bắc Quang chúng tôi mất đi báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống sinh hoạt của mình bao năm nay” - ông Bồng nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Hòa, nguyên Chủ tịch HĐND huyện  Bắc Quang khẳng định: “Việc này chúng tôi đã từng có công văn với UBND huyện, huyện đã có công văn lên tỉnh phản đối. Nguồn nước sinh hoạt của người dân phải được bảo đảm”.
Sở Công Thương “bật đèn xanh”?
Theo tìm hiểu của PLVN thì Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang đã có Báo cáo số 260-BC/BCSĐ vào ngày 20/9/2013 giải quyết đề nghị của Công đoàn Trung tâm cấp thoát nước huyện Bắc Quang về việc thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Thác Thúy I. Báo cáo cho biết: “Đã hơn 7 tháng kể từ ngày ban hành văn bản, chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án thủy điện trên về Sở Công Thương để xem xét, tổ chức lấy ý kiến tư vấn thẩm định về sự ảnh hưởng của Nhà máy thủy điện Thác Thúy I đến các yếu tố liên quan (trong đó có Nhà máy xử lý nước của Trung tâm cấp thoát nước huyện Bắc Quang). Như vậy, việc khảo sát, lập hồ sơ bổ sung để thực hiện Dự án thủy điện Thác Thúy không còn được phép thực hiện”.
Thế nhưng sau đó Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã có Công văn số 359 gửi các cơ quan liên quan về việc lấy ý kiến vào hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án thủy điện Thác Thúy I. Xung quanh việc tổ chức lấy ý kiến này, ông Quản Văn Đoàn (trú tổ 11, thị trấn Việt Quang) cho biết: “Hội nghị tham vấn nhưng thành phần tham dự chỉ là các cán bộ đầu ngành của thị trấn, không am hiểu về an ninh nguồn nước. Trong khi đó Trung tâm cấp thoát nước của huyện và người dân lại không có trong thành phần hội nghị. Điều này không đúng với tinh thần tham vấn cộng đồng”.
Vì thế, người dân ở đây đặt ra nghi vấn rằng: Tại sao chỉ dựa vào hồ sơ dự án của chủ đầu tư, không chỉ đạo các cơ quan chức năng lập đoàn giám sát kiểm tra lưu lượng nguồn nước suối Thúy có đảm bảo cho nhà máy thủy điện công suất 10MW hoạt động hay không? Và việc này vì sao Sở Công Thương không làm?
Theo một số phương án, nếu cho phép xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Thúy I, sử dụng nguồn nước từ suối Thúy để phát điện thì sẽ phải xây dựng Nhà máy bơm nước sông Lô để phục vụ cho sinh hoạt? Nếu vậy thì chi phí cho nguồn nước sinh hoạt sẽ tăng lên, theo tính toán của người dân thị trấn này, mỗi năm sẽ mất thêm 3 tỷ đồng để thanh toán tiền sử dụng nước. Tuy nhiên, điều này không phải dễ thực hiện bởi hiện tại nguồn nước sông Lô đang bị ô nhiễm nặng do các công ty khai thác khoáng sản xả nước thải ra dòng sông.
Phóng viên đã đặt lịch với UBND huyện Bắc Quang và Sở Công Thương  Hà Giang để trao đổi thêm về những vấn đề mà người dân sống trong vùng có dự án đang bức xúc, nhưng đều nhận được thông tin “lãnh đạo đi vắng”. 

Đọc thêm