Triển khai Luật Bảo hiểm Y tế 2014: Gỡ những nút thắt

(PLO) - Chỉ sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã bộc lộ một số vướng mắc về thủ tục. 
Triển khai Luật Bảo hiểm Y tế 2014: Gỡ những nút thắt
Theo Bộ Y tế, để Luật sớm đi vào cuộc sống, cần phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho người dân.
Vướng nhóm đối tượng
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình có một số điểm vướng mắc do quy định chưa rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thực hiện Luật về một số nhóm đối tượng. Cụ thể, theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, diêm và ngư nghiệp có mức sống trung bình không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ngoài ra, đối tượng được ngân sách địa phương hỗ trợ 100% mức đóng BHYT mà không thuộc các nhóm đã được quy định tại Thông tư liên tịch 41/TTLT-BYT-BTC cũng không được hướng dẫn tham gia theo hình thức cá nhân hay hộ gia
đình. Điều đó gây ra những ý kiến không thống nhất về thực hiện BHYT cho các nhóm này để đảm bảo thực hiện đúng quy định “bắt buộc” tham gia BHYT, và tham gia theo hộ gia đình.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Y tế đã có Công văn số 933/BYT-BH ngày 9/2/2015 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thống nhất triển khai theo hướng: Đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, diêm và ngư nghiệp có mức sống trung bình; người được ngân sách địa phương hỗ trợ 100% mức đóng (Đảng viên trên 30 năm tuổi Đảng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi…) thì tham gia BHYT theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với từng thành viên hộ gia đình. Trong năm 2015, để tạo điều kiện cho người tham gia BHYT, những đối tượng người tham gia theo hộ gia đình nếu đã có người tham gia BHYT tự nguyện đóng 100% mức đóng, sau ngày 1/1/2015 nếu tiếp tục tham gia thì cho phép thực hiện cho cá nhân người đó. Những người còn lại trong hộ gia đình thì phải thực hiện cho cả hộ gia đình. 
Theo Bộ Y tế, vướng mắc trong lập danh sách tham gia BHYT như: Do việc thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng chưa nghiêm đã dẫn tới nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia BHYT của người dân. Bộ Y tế đã đưa nội dung này báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các Bộ, ngành chấn chỉnh công tác quản lý, góp phần thực hiện BHYT toàn dân. Cũng theo Bộ Y tế, quy định của Thông tư liên tịch 41/TTLT-BYT-BTC yêu cầu chậm nhất trước 30/10/2015, UBND cấp xã phải lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn, do đó trong thời gian chuyển tiếp từ 1/1- 30/10, người dân phải tự mang sổ hộ khẩu đến cơ quan BHXH để đăng ký tham gia BHYT. Để tránh những phiền hà không đáng có, Vụ BHYT (Bộ Y tế) đề xuất: Người dân tham gia BHYT chỉ cần kê khai thành viên trong hộ gia đình và chỉ xin xác nhận một lần tại UBND cấp xã theo biểu mẫu của BHXH Việt Nam ban hành.
Bất cập thanh toán chi phí khám chữa bệnh
Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng cho thấy một số điểm bất cập. Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, quy định về thanh toán khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến chỉ đề cập cơ sở y tế được Quỹ BHYT thanh toán là “bệnh viện”. Tuy nhiên, theo Luật Khám chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì cơ sở khám chữa bệnh không chỉ có loại hình “bệnh viện” mà còn có các cơ sở khám chữa bệnh  khác như: Viện có giường bệnh, các phòng khám, trung tâm y tế, bệnh xá quân - dân y, trạm y tế xã… 
Do đó, Bộ Y tế đề xuất ý kiến sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư bổ sung hướng dẫn thi hành Luật BHYT theo quy trình thủ tục rút gọn theo hướng: cho phép người có thẻ BHYT khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được hưởng quyền lợi BHYT theo mức tương ứng với bệnh viện các tuyến tương đương. Người tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi BHYT theo mức tương ứng với bệnh viện tuyến huyện như quy định của Luật. Bộ Y tế cũng đề xuất, các cơ sở y tế được tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ với điều kiện phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám chữa bệnh trước khi thực hiện. 
Ngoài ra, những vướng mắc về giá trị của giấy chuyển tuyến và thời gian hẹn khám lại do người bệnh chưa nắm rõ quy định; quy định thẩm quyền ký trả kết quả xét nghiệm của trưởng khoa xét nghiệm đã gây nhiều khó khăn trong thực hiện… Theo đó, Bộ Y tế cho biết, Vụ BHYT sẽ phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh để hướng dẫn bổ sung về sử dụng các thủ tục này. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm