Du khách phải ký cam kết bảo vệ môi trường khi tới đảo quốc Palau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cộng hoà Palau nằm ở phía tây Thái Bình Dương – đảo quốc sở hữu nhiều hòn đảo đẹp và hệ sinh thái đa dạng, gồm các đảo san hô, núi đá vôi, hồ sứa… Khi du lịch có xu hướng tàn phá thiên nhiên, chính quyền Palau đã ban hành chính sách bắt buộc du khách phải cam kết đối xử tốt với môi trường dưới dạng tem dán lên hộ chiếu – một động thái được cho là cực kỳ quyết liệt để bảo vệ môi trường.
Đảo quốc Palau có 25% diện tích đất liền nằm trên biển.
Đảo quốc Palau có 25% diện tích đất liền nằm trên biển.

Hành động lịch sự, khám phá thân thiện

Palau là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt chính sách du lịch theo hướng có lợi cho khí hậu từ năm 2018. Cụ thể, để tới nước này, tất cả du khách phải ký cam kết “đi lại nhẹ nhàng, hành động lịch sự và khám phá thân thiện”. Bên cạnh đó, tất cả các chuyến bay đến Palau đều phải có video giáo dục du khách về trách nhiệm của họ đối với môi trường, cùng một danh sách những việc nên làm và không được làm trong thời gian ở quốc đảo. Động thái này được xem là quyết tâm của Palau phát triển du lịch bền vững. 

Có thể nói, động lực lớn nhất với giới chức trách Palau khi triển khai các chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường nằm ở vị trí địa lý đặc thù. Có khoảng 25% diện tích đất liền của quốc đảo chỉ nằm trên mực nước biển khoảng 10 mét hoặc ít hơn. Điều đó khiến Palau cực kì dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao. Vì sự sống còn của quốc gia, Palau cam kết sẽ trở thành điểm đến du lịch trung hoà các-bon đầu tiên trên thế giới. 

Palau xác định du lịch bền vững là vấn đề sống còn của đất nước.
 Palau xác định du lịch bền vững là vấn đề sống còn của đất nước. 

Nói đến ngành du lịch, đây là một trong những nguồn sinh kế chính của đảo quốc, cũng là tác nhân lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường, khí hậu diễn biến thất thường. Theo Cục Du lịch Palau, năm 2019 có hơn 89.000 khách quốc tế đến quốc đảo thông qua đường hàng không – cách duy nhất để du khách quốc tế đến được đất nước này. Trong thời gian lưu trú, các điểm du lịch và khách du lịch chủ yếu lựa chọn tiêu thụ thực phẩm nhập khẩu. Chỉ tính riêng hai hoạt động này của du lịch đã có ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu sử dụng nhiên liệu hoá thạch gia tăng, cắt giảm thu nhập của người dân bản địa. 

Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch không bền vững dựa trên việc phá vợ chuỗi cung ứng thực phẩm là một nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng khí hậu và phá huỷ hệ sinh thái. Đó là nhận định của ông Paolo Di Croce – Tổng thư ký của tổ chức Slow Food International, một tổ chức hướng đến các giải pháp cộng đồng trên toàn cầu để thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững. 

Theo đó, Cục Du lịch Palau đã hợp tác với tổ chức Du lịch Bền Vững Quốc tế (Sustainable Travel International) và tổ chức Slow Food International để thực hiện các sáng kiến bền vững hơn trong nước, ví dụ như xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm bản địa từ các nhà sản xuất địa phương. 

Du khách đến Palau bắt buộc phải ký cam kết bảo vệ môi trường.
 Du khách đến Palau bắt buộc phải ký cam kết bảo vệ môi trường. 

Trong năm 2020, chính phủ Palau đã phát động chiến dịch di sản ẩm thực quốc gia, khuyến khích các khách sạn, công ty du lịch phục vụ các nguyên liệu và món ăn bản địa cho người dân và khách du lịch – chủ yếu du khách nội địa do ảnh hưởng của đại dịch. Sáng kiến này góp phần giảm lượng khí thải các-bon từ việc giảm các hoạt động vận chuyển thực phẩm từ nước ngoài vào trong nước. Đối với một bộ phận du khách quốc tế, họ có thể tận hưởng trải nghiệm chân thực hơn về văn hoá của Palau. 

Cũng theo đại diện của Slow Food International, những nỗ lực củng cố và khôi phục giá trị của hệ thống thực phẩm địa phương góp phần giảm thiệt hại về văn hoá và môi trường do nhập khẩu thực phẩm và tạo động lực cho các nhà sản xuất thực phẩm ở Palau tăng cường năng lực cung ứng của mình. 

Còn theo tờ báo Euro News, các nhà chức trách Palau cũng đang phát triển một ứng dụng về quản lý các-bon cho khách du lịch. Nền tảng trực tuyến mới cho phép du khách tính toán lượng khí thải CO2 trong các chuyến đi, giúp họ điều chỉnh, cắt giảm các hoạt động không cần thiết hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các sáng kiến các-bon xanh của địa phương, ví như phục hồi rừng ngập mặn. Palau cũng sở hữu một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới.

Chính sách “dẫn đường” cho du lịch bền vững

Với nỗ lực trở thành tấm gương cho các điểm đến du lịch khác trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, quốc đảo Palau cũng đã kết hợp thực hiện một loạt các biện pháp phục hồi, bảo tồn môi trường cùng với thúc đẩy du lịch có trách nhiệm. Quyết tâm này cũng được thể hiện trong những chính sách và tiêu chuẩn quốc gia cực kỳ nghiêm ngặt đối với người dân và du khách. Ví dụ là lệnh cấm tất cả các loại mỹ phẩm như kem chống nắng, kem dưỡng không thân thiện với môi trường biển khi tắm biển; lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần trong các tour du lịch…. 

Ông Kevin Mesebeluu – Cục trưởng Cục Du lịch Palau, cho biết: “Bài học từ đại dịch Covid-19 là phải tăng cường khả cường khả năng tự phục hồi của quốc gia trước các mối đe doạ bên ngoài, trong đó tác nhân lớn nhất chính là biến đổi khí hậu. Quốc đảo Palau được thiên nhiên ưu đãi với một hệ thống tài nguyên thiên nhiên nguyên sơ nhất thế giới, kế thừa nền văn hoá và truyền thống lâu đời từ tổ tiên và còn những thế hệ trong tương lai sẽ gồng gánh đất nước. Do vậy từ bây giờ, chúng tôi phải hoạt động tích cực để bảo vệ tất cả những điều đó. Palau coi du lịch bền vững, điểm đến trung hoà các-bon là con đường duy nhất để tiến tới tương lai đất nước”.

Chuỗi thực phẩm bền vững góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.
 Chuỗi thực phẩm bền vững góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. 

Không thể phủ nhận, bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng đối với du lịch bởi môi trường không những là điều kiện để diễn ra các hoạt động du lịch và còn là yếu tố hấp dẫn du khách tới. Còn đối với những cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào các dịch vụ môi trường thì môi trường không chỉ là sinh kế mà còn là “nhà” của họ. Đại dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm gần đây đã “giáng” nhiều đòn mạnh đối với ngành du lịch trong nước nhưng cũng “dẫn đường” cho một xu hướng tất yếu – phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên, trong thời gian du lịch nội địa dần dần phục hồi, chúng ta lại chứng kiến sự “bùng nổ” tại các điểm đến “nóng” như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang…, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ. Tình trạng quá tải khách du lịch, du khách vô ý tứ tàn phá cảnh quan và hệ sinh thái gây tác động tiêu cực đến cộng đồng và thiên nhiên tại địa phương. 

Lệnh cấm nghiêm khắc của Palau đối với các loại kem chống nắng có chất gây ô nhiễm nước biển.
Lệnh cấm nghiêm khắc của Palau đối với các loại kem chống nắng có chất gây ô nhiễm nước biển.  

Theo đó, các động thái quyết liệt đến từ các nhà chức trách rất quan trọng. Đó là những chính sách, chiến lược, chương trình hành động rõ ràng, cụ thể, nghiêm ngặt; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, trường học, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và đặc biệt nhất là khách du lịch.

Nếu du khách không có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái, không tuân thủ nội quy ở các vùng, tuyến, điểm, khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa...; thì họ sẽ bị xử lý ra sao? Đồng thời, các chính sách nghiêm minh cần đi kèm với hoạt động tuyên truyền, giáo dục hợp lý, giúp mọi người nhìn nhận đúng và có những hành động đúng để cùng phối hợp thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường khi đi du lịch. 

Đọc thêm