Du lịch “đóng băng” chưa hẳn là phước lành với hệ sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không còn ô nhiễm tiếng ồn, không còn tắc nghẽn giao thông, không còn tình trạng quá tải du khách, môi trường phục hồi, động vật hoang dã xuất hiện trở lại là mặt tích cực của tình trạng vắng khách du lịch do dịch Covid-19.
Đàn dê Great Orme Kashmiri xuất hiện trở lại ở thị trấn Llandudno (xứ Wales) sau 33 năm vắng bóng.
Đàn dê Great Orme Kashmiri xuất hiện trở lại ở thị trấn Llandudno (xứ Wales) sau 33 năm vắng bóng.

Tuy nhiên, một vấn nạn khác đang dần dần hé lộ chính là sự gia tăng nạn săn bắt trộm ở nhiều điểm đến, khu bảo tồn, đặc biệt tại các quốc gia châu Phi và châu Á.

Trả lại môi trường sống cho động vật hoang dã

Trong bối cảnh phong tỏa do đại dịch, tại nhiều thành phố trên thế giới, động vật hoang dã như lợn rừng, nai, chim cánh cụt... đã xuất hiện trở lại trên đường phố. Điều đó cho thấy mặt tích cực của việc thiếu vắng du khách và tình trạng đông đúc con người, đã “trả lại” môi trường sống cho động vật hoang dã.

Các nhà nghiên cứu ở bang Alaska (Mỹ) cho biết, việc thiếu vắng những con tàu du lịch tại tiểu bang được mệnh danh “thiên đường băng” này đã góp phần trả lại môi trường sống cho loài cá voi lưng gù. Giờ đây, những con cá voi có thể nghe thấy tiếng gọi của nhau mà không bị nhiễu âm bởi tiếng động cơ tàu biển.

Được biết, loài cá voi này từng suýt bị tuyệt chủng, có thời điểm chỉ được ghi nhận còn 450 con ở ngoài khơi Brazil, khu vực giáp ranh với Nam Băng Dương, so với số lượng 27.000 con vào năm 1830 cũng tại khu vực này. Theo một báo cáo trong năm 2020 của các tổ chức bảo vệ cá voi khu vực Nam Mỹ cho thấy số lượng cá voi ngoài khơi vùng biển Brazil hiện tăng trưởng rất nhanh.

Du lịch “đóng băng” ở nhiều quốc gia do dịch bệnh.Du lịch “đóng băng” ở nhiều quốc gia do dịch bệnh.

Khoảng tháng 4 năm ngoái, tại thị trấn ven biển Llandudno của xứ Wales, người dân đã chứng kiến một đàn dê thuộc loài Great Orme Kashmiri, thường cư ngụ tại khu vực vùng đá vôi Great Orme, xuống kiếm ăn ở nơi này sau 33 năm vắng bóng. Hiện tượng này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Anh áp dụng các biện pháp cách ly xã hội quyết liệt nhằm ngăn chặn mọi người ra khỏi nhà.

Tại thành phố Băng Cốc (Thái Lan) cũng ghi nhận hàng trăm con khỉ xuất hiện nhiều hơn ở các khu du lịch, vườn quốc gia. Những loài động vật bò sát cũng bắt đầu xuất hiện trở lại sau nhiều năm ẩn nấp khỏi con người. Sau khi chính phủ Thái Lan cấm toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trên bãi biển Phuket đã từng nườm nượp bóng người nay trở nên vắng vẻ, người ta đã phát hiện một số lượng lớn những con rùa “luýt” quý hiếm lên bờ làm tổ và đẻ trứng.

Rùa luýt được xem là loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Thái Lan, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách các loài dễ bị tổn thương trên toàn cầu. Chúng thường đẻ trứng ở các khu vực tối, yên tĩnh, những bãi biển vắng khách du lịch. Năm 2020 là lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, người ta được nhìn thấy loài rùa khổng lồ quý hiếm xuất hiện trở lại. Tương tự, tại Koh Samui – hòn đảo đã từng đón tới 3 triệu du khách vào năm 2018, cũng ghi nhận một số loài rùa quý hiếm quay trở lại làm tổ.

Theo Petch Manopawitr, một nhà quản lý bảo tồn biển của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Thái Lan, những cảnh tượng này là bằng chứng cho thấy thiên nhiên có thể tự phục hồi khi không có tác động của con người. Ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times (Mỹ): “Cả Koh Samui và Phuket đều đã quá đông khách du lịch trong nhiều năm nay. Con người đã xóa sổ môi trường sống của loài rùa. Chúng tôi đã từng nghĩ rằng những loài động vật này sẽ không quay trở lại. Nhưng nhờ có Covid-19, bài toán phát triển du lịch bền vững càng nên được coi trọng hơn bao giờ hết”.

Mặt khác, ông Manopawitr cũng cho biết, khi có ít tàu thuyền hơn, các nhà bảo tồn còn nhìn thấy cả loài cá nược, còn được biết đến là cá heo nước ngọt, ở một số tỉnh phía phía đông Băng Cốc. Đáng nói, họ không hề biết rằng cá nược vẫn còn tồn tại ở đó.

Trước những tín hiệu khởi sắc của môi trường, tháng 9/2020, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường của quốc gia Varawut Silpaarcha đã công bố kế hoạch đóng cửa các công viên quốc gia Thái Lan theo từng giai đoạn mỗi năm, kể cả sau Covid-19, mỗi lần từ 2-4 tháng, để tạo tiền đề cho thiên nhiên có thời gian tự phục hồi sau các tác động của con người.

Nạn “tận diệt” động vật hoang dã gia tăng

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, sự biến mất của du khách đã gây ra sự “tàn phá kỳ lạ”, không chỉ đối với những người kiếm sống từ ngành du lịch, mà còn đối với chính động vật hoang dã, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Nói cách khác, nhiều chính phủ chi trả cho công tác bảo tồn thông qua nguồn thu từ du lịch.

Khi nguồn thu đó cạn kiệt, ngân sách nhà nước bị cắt giảm, dẫn đến giảm thiểu các nguồn lực bảo tồn, tạo điều kiển cho nạn săn trộm và đánh bắt động vật hoang dã bất hợp pháp gia tăng. Tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp cũng gia tăng ở nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia, không chỉ tổn hại đến môi trường sống của động vật hoang dã mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Nạn săn bắt trái phép sừng tê giác gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới.Nạn săn bắt trái phép sừng tê giác gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Jim Sano, Phó Chủ tịch phụ trách việc đi lại, du lịch và bảo tồn của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết rằng, sự hiện diện của khách du lịch khám phá tự nhiên cùng các hướng dẫn viên góp phần phát hiện các kẻ săn trộm bất hợp pháp để báo cáo cho chính quyền địa phương hành động ngăn chặn kịp thời.

Đáng nói, tình trạng săn bắt bất hợp pháp đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt tại châu Á và châu Phi. Trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn thế giới thì nạn săn bắt trộm hổ, báo ở Ấn Độ, nạn buôn lậu chim ưng ở Pakistan và nạn buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi và Botswana đã gia tăng.

Tại Cộng hòa Congo, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang cũng cảnh báo về sự gia tăng của việc bẫy, săn bắn, “tận diệt” động vật hoang dã trong và xung quanh các khu bảo tồn. Đơn cử, tại Vườn quốc gia Nouabalé-Ndoki (Cộng hoà Congo), khỉ và linh dương đang là mục tiêu săn bắt để làm thịt. Còn tại một khu bảo tồn ở thị trấn Mokopane thuộc tỉnh Limpopo ở Nam Phi đã ghi nhận nhiều con tê giác đã bị săn bắt trộm và buôn bán trên các thị trường “đen”.

Mặt khác, Ban quản lý Vườn quốc gia Dachigam ở Kashmir (Ấn Độ) cũng ghi nhận loài báo hiện đang là mục tiêu của các đối tượng săn bắt trái phép. Một nhân viên thuộc Vườn quốc gia Dachigam cho biết, thức ăn ngày càng trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận hơn trong thời kì dịch bệnh, khiến động vật hoang dã trở thành mục tiêu thức ăn của nhiều người.

Dù mong muốn ngăn chặn nạn săn bắn trái phép nhưng sự hạn chế về nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất khiến những nhân viên khu bảo tồn khó thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Kèm theo việc xã hội tỷ dân đang rối ren vì dịch bệnh, những kẻ săn trộm, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhưng không bị bắt và xử lý khiến vấn nạn này ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.

Từ sự gia tăng nạn săn trộm động vật quý hiếm tại các khu bảo tồn đến sự suy giảm phát thải các-bon, hệ sinh thái phục hồi ở các điểm du lịch đã từng đông khách, có thể thấy dịch bệnh Covid-19 thực sự tác động sâu sắc đến môi trường.

Tuy nhiên, “đóng cửa” du lịch chưa hẳn là giải pháp phục hồi hệ sinh thái, thậm chí có thể tác động ngược lại, tạo điều kiện cho nạn săn bắt trộm, “tận diệt” sinh vật hoang dã gia tăng. Điều đó phần nào cho thấy động lực đằng sau ngành du lịch toàn cầu cố gắng phục hồi sau những “cú giáng”, “cú bồi” của đại dịch; trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Đọc thêm