Được xem là cấp thiết để bảo tồn văn hoá truyền thống, dự luật do các quan chức Campuchia đề xuất cấm phụ nữ mặc trang phục “quá ngắn” hoặc “quá trong suốt”, và cấm đàn ông cởi trần nơi công cộng. Dự luật này đang gây tranh cãi gay gắt ở đất nước này, giới chức Campuchia cho rằng, dự luật này sẽ giúp giữ gìn giá trị truyền thống, nhưng các nhóm nhân quyền nghĩ nó gây bất bình đẳng, thậm chí mang tính kiểm soát phụ nữ.
Nguồn cơn của dự luật
Đầu năm nay, một phụ nữ Campuchia có tên Ven Rachna, biệt danh là Thai Sreyneang đã bị tòa án vùng đô thị Phnom Penh (Campuchia) tạm giam với cáo buộc sản xuất tài liệu khiêu dâm và công khai khiêu dâm khi dùng hình ảnh riêng tư để bán quần áo trên mạng.
Người này bị phạt 6 tháng tù vì khoe thân không đứng đắn, mặc trang phục hở hang để bán quần áo và mỹ phẩm trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, Ven Rachna đã bị đưa đến đồn cảnh sát để giáo dục và ký biên bản cam kết chấm dứt hành vi vi phạm. Cô hứa sẽ không mặc trang phục khêu gợi khi bán hàng trên mạng và đồng ý rằng hành vi trước đây ảnh hưởng đến phẩm giá và danh dự của phụ nữ.
“Em xin lỗi. Em hy vọng lãnh đạo và mọi người bỏ qua cho em”, Sreyneang nói và giải thích rằng cô bán trang phục lót phụ nữ nên dùng cơ thể để quảng bá sản phẩm. “Những người bán hàng trên mạng khác làm ơn lưu ý trường hợp của em. Nó khiến mọi người ghét em và còn ảnh hưởng đến danh dự, phẩm giá của phụ nữ”, cô kêu gọi. Vụ việc được đưa ra xử lý sau khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi nhà chức trách truy quét những phụ nữ mặc đồ khêu gợi livestream bán hàng, với lý do “tác động tiêu cực đến văn hóa Campuchia” và thúc đẩy lạm dụng tình dục.
Thiếu nữ Campuchia trong trang phục lễ hội truyền thống. |
Bên cạnh lĩnh vực bán hàng trên mạng, tình trạng đăng ảnh “tự sướng” một cách khêu gợi trên mạng xã hội cũng sẽ bị xử lý tại Campuchia. Ngay sau khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi, Im Vutha, phát ngôn viên của Bộ Bưu chính Viễn thông, cho biết sẽ chuẩn bị các nhóm công tác để phối hợp với các bộ liên quan lập ra các cơ chế để hành động đối phó với các bài đăng như vậy.
Cảnh sát Campuchia gần đây cũng truy lùng một phụ nữ sau khi các bức ảnh gợi cảm của cô gái này nhận được sự chú ý rộng rãi trên Facebook. Hồi tháng 4, một phụ nữ bị giam 6 tháng với cáo buộc khiêu dâm và không đứng đắn khi mặc trang phục lộ liễu để bán quần áo và mỹ phẩm trực tuyến qua Facebook.
Vì sao gây tranh cãi?
Khi thông tin trên được đưa ra, các nhóm nhân quyền cho rằng dự luật có thể làm tăng nguy cơ tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục với phụ nữ vì giờ đây người ta đã có nhiều cớ để đổ lỗi cho nạn nhân. Bà Chak Sopheap - Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Trung tâm Quyền con người Campuchia cho biết: “Trong những tháng gần đây chúng ta đã chứng kiến việc kiểm soát thân thể và quần áo phụ nữ từ các cấp chính quyền cao nhất.
Đây là biểu hiện của việc coi thường quyền tự chủ, quyền thể hiện bản thân của nữ giới và đổ lỗi cho họ khi xảy ra bạo lực tình dục. Tôi sợ rằng dự thảo luật này sẽ được dùng không phù hợp và ngăn phụ nữ thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ”. Bà Ming Yu Hah - Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Trừng phạt phụ nữ vì lựa chọn trang phục của họ sẽ củng cố quan niệm rằng phụ nữ là nguồn cơn thu hút bạo lực xảy đến với họ, và điều đó càng làm cho văn hóa bất công tồn tại liên quan đến bạo lực giới.
Điều này càng củng cố thêm cho văn hóa miễn tội vốn vẫn luôn tồn tại trong các vụ bạo lực liên quan đến giới tính. Lời cầu khẩn từ "truyền thống dân tộc" đang đặt ra câu hỏi: Ai đang định nghĩa truyền thống? Dựa trên cơ sở nào? Và để hướng tới điều gì?”.
Thời gian gần đây, diễn viên và ca sĩ Campuchia ngày càng bị các nhà quản lý soi xét kỹ về trang phục, một số người đối mặt với lệnh cấm biểu diễn. Do vậy, không chỉ các nhóm nhân quyền, các nhà nữ quyền nhanh chóng chỉ trích dự luật này là thiếu rõ ràng và thúc đẩy văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân, khiến họ gia tăng nguy cơ bị quấy rối tình dục.
Nhiều hoạ sĩ, nhà làm phim, nhà văn và ca sĩ ở Campuchia cũng phản đối đề xuất trên và bày tỏ nghi ngờ về vai trò của Bộ Các vấn đề Phụ nữ. “Chúc mừng, chúng ta đang trở lại những năm 1960”, nghệ sĩ Lisa Mam viết trên Facebook hôm 6/8. Được biết, nhiều người Campuchia quan niệm phụ nữ phải phục tùng và im lặng, một di sản của Chbap Srey - bộ quy tắc ứng xử mang tính chất phân biệt với phụ nữ.
Chbap Srey có tuổi đời hàng thế kỷ, từng là một phần trong chương trình học tại Campuchia cho đến năm 2007, dạy phụ nữ phải biết nghe lời và quy định cách họ thể hiện bản thân. Quy tắc này đã tồn tại hàng thế kỷ, và là một phần bắt buộc trong chương trình học dành cho học sinh Campuchia để trở thành mẫu phụ nữ tốt theo chuẩn mực truyền thống của Campuchia.
Hồi năm ngoái, Liên Hợp quốc gọi bộ quy tắc ứng xử này là “cội rễ của vị trí bất lợi trong xã hội của phụ nữ”, đồng thời cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn khỏi các trường học nước này.