Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi): Bị can có quyền được đọc tài liệu gì?

(PLO) - Với các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng chưa bảo đảm cho bị can, bị cáo được thực hiện tốt nhất quyền bào chữa của mình. Do đó, bổ sung thêm một số quyền khác cho bị can, bị cáo, đặc biệt là quyền được đọc, sao chép tài liệu là cần thiết.
Tới đây, bị can sẽ được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án. Ảnh minh họa: MH
Bộ luật Tố tụng Hình sự đang “thiếu một số quyền quan trọng”
Tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành đã khẳng định vai trò quan trọng của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặc dù vậy, theo VKSNDTC, thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập, trong đó còn thiếu một số quyền quan trọng bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội.
Vì vậy, một trong những quan điểm xây dựng Dự thảo BLTTHS lần này được nhấn mạnh: “Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung chung, phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành”.
Một trong những vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được Dự thảo BLTTHS đề cao đó chính là việc quy định cho bị can, bị cáo được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án. Theo quy định của BLTTHS hiện hành, bị can có 8 quyền cơ bản, trong đó có quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa…
Với quy định như trên, theo VKSNDTC là nhằm tạo điều kiện để bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa đã được hiến định, cần bổ sung quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án. 
Cụ thể, về điều kiện đọc: chỉ khi bị can, bị cáo không có luật sư và có yêu cầu được đọc tài liệu. Về thời điểm đọc: sau khi kết thúc điều tra. Về phạm vi đọc: những tài liệu liên quan đến việc buộc tội họ. Về cách thức đọc: đọc trên bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa để một mặt phù hợp với điều kiện hiện nay, mặt khác phù hợp với xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp. 
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã tiến hành số hóa hồ sơ vụ án hình sự và cho phép bị can, bị cáo tiếp cận qua máy vi tính.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ cho phép bị can, bị cáo đọc “một số bản sao tài liệu quan trọng trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ”. Nhưng, nếu quy định như vậy thì hạn chế là chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Hiến pháp về bảo đảm quyền tự bào chữa, đồng thời dễ dẫn đến tùy nghi vì phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của cơ quan tố tụng khi xác định tài liệu nào là tài liệu quan trọng. 
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến không đồng tình quy định cho bị can, bị cáo quyền này vì quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ sơ vụ án.
Tránh lãng phí không cần thiết
Tuy nhiên, thẩm tra Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Tư pháp (UBTP) cho biết đa số ý kiến thành viên UBTP không tán thành và cho rằng Dự thảo quy định trong trường hợp bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì họ có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử là không khả thi, không phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta hiện nay. 
Khác với người bào chữa, trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, bị can đã được nhận tất cả các quyết định tố tụng liên quan đến việc buộc tội bị can, kể cả bản kết luận điều tra, bản cáo trạng tổng hợp đầy đủ các chứng cứ vụ án. 
Vì vậy để bảo đảm tính khả thi, tránh tạo thêm thủ tục phức tạp, lãng phí không cần thiết cần quy định theo hướng: trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa thì sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu bị can, bị cáo có yêu cầu thì họ có quyền đọc, ghi chép một số bản sao tài liệu trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án (như biên bản lời khai người làm chứng, lời khai của bị can khác trong vụ án, kết luận giám định…). 
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định bị can, bị cáo có quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án vì không khả thi, tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành, nhất là đối với những vụ án có đông bị can, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn./.

Đọc thêm