“Thế giới phẳng” của phụ nữ
Sở dĩ gọi thế bởi ở trên khắp thế giới chứ không cứ gì riêng biệt một quốc gia nào, luôn có những người phụ nữ chấp nhận sự đau đớn của dao kéo phẫu thuật thẩm mỹ để giữ người đàn ông của mình. Mới đây, cộng đồng mạng ở Trung Quốc xôn xao trước bức ảnh một cô gái ở Hà Nam để giành lại trái tim người yêu đã thực hiện hàng loạt các ca phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa nhan sắc với hy vọng người yêu sẽ thay đổi ý định, trở về bên cô.
Không biết cô gái đã phải chịu nỗi đau của dao kéo kinh khủng thế nào, chỉ biết rằng khuôn mặt cô sau phẫu thuật thẩm mỹ trông chẳng đáng yêu tí nào, thậm chí còn mang hơi hướng của nhân vật Bạch Xà trong chuyện cổ Trung Hoa. Nhưng điều quan trọng nhất là liệu người yêu cô có thay đổi ý định, đồng ý quay lại với cô hay không, thì vẫn chưa ai được biết.
Không chỉ ở Trung Quốc mới có chuyện của những “cô gái dũng cảm” như vậy. Cộng đồng mạng Việt Nam đã từng hào hứng bình luận câu chuyện của một cô gái Hà Nội phẫu thuật thẩm mỹ để giữ chồng. Nhân vật chính tên là Đào Minh Châu (sinh năm 1993) lên xe hoa vào năm 20 tuổi. Châu không quá xấu, nhưng các nét trên mặt cô không hài hòa. Vì vậy, đầu năm 2015, cô quyết định nhờ dao kéo để cải thiện nhan sắc. Châu thực hiện phẫu thuật tại Việt Nam, kinh phí 47 triệu đồng.
"Không có đàn ông nào không thích vợ đẹp. Mình không xinh thì phải cải tạo, xấu thì “sửa” thành bớt xấu. Mình không khuyên phụ nữ trốn chồng đi thẩm mỹ, nhưng chị em nên làm đẹp nếu có điều kiện. Lúc đó chúng ta mới biết thế nào là hạnh phúc khi soi gương” – 9X này tâm sự trên trang mạng về quyết tâm của mình…
“Tai nạn” của đẹp
Không thể phủ nhận cái đẹp do dao kéo phẫu thuật thẩm mỹ đem lại. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẻ đẹp ấy là giả tạo. Và quy luật ở đời sự giả dối nào rồi cũng phải trả giá, cho dù rằng cái sự giả ấy chẳng làm hại ai.
Sự trả giá ấy đôi khi rất đau đớn bởi nó đến chính từ đối tượng mà người phụ nữ đã vì họ mà chấp nhận dao kéo như câu chuyện của cô gái Trung Quốc bị chồng mình kiện. Lấy được người vợ xinh đẹp Jian Feng rất sung sướng. Tuy nhiên, khi ba đứa con lần lượt chào đời thì anh không thể hiểu nổi tại sao mình lại có những đứa con xấu xí đến vậy. Tức giận, Jian Feng đã đệ đơn kiện lên tòa án địa phương cáo buộc vợ không chung thủy. Anh khẳng định, không bao giờ là bố của những đứa bé có gương mặt không đẹp như thế.
Để biết chính xác đây có phải là con của hai người hay không, một cuộc xét nghiệm ADN đã được tiến hành. Kết quả xét nghiệm khẳng định, những đứa trẻ đều là con của Jian Feng. Và để chứng minh sự chính xác của kết quả AND, người vợ của Jian Feng đã thừa nhận rằng cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc trước khi tiến đến hôn nhân với anh.
Cuộc phẫu thuật tiêu tốn khoảng 100.000 USD. Còn Jian Feng thì được bồi thường khoản tiền là 120.000 USD sau khi Tòa án địa phương xét xử đơn kiện của vụ việc dở khóc dở cười này.
Gia đình Jian Feng. |
“Ngắm khuôn mặt của vợ thời sinh viên trong bức ảnh tôi nhặt được, tôi còn không dám tin đó là vợ mình. Sau đó, tôi phải đi xác minh, hỏi lại người từng quen biết em mới rõ, em của ngày trước như thế nào. Em xấu tới mức tôi cũng phải kinh ngạc về hàm răng hô, mặt rỗ, và đôi mắt xếch của người yêu. Có điều bất ngờ là vòng 1, vòng 3 của em đều khác trước.
Trước đây em giống như đàn ông, bây giờ em đã hoàn toàn khác rồi. Nhìn em đúng là một cô gái xinh đẹp. Tôi thật sự không muốn có người yêu như vậy, vì căn bản, một người phẫu thuật thẩm mỹ như thế, lấy về làm vợ, sau này sinh con ra, con tôi chắc chắn sẽ rất xấu…” – đây là tâm sự của một người chồng đau khổ khi vô tình phát hiện ra sắc đẹp của vợ mình là “đồ giả”.
Người chồng này cảm thấy buồn và thất vọng. Thậm chí anh còn rơi vào trạng thái cực đoan muốn bỏ vợ ngay lập tức vì cho rằng vợ đã lừa dối mình.
Đừng đổ lên đầu đàn ông
Đó là lời khuyên của chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hữu Tùng – nhóm Tư vấn thanh niên TP.Hà Nội dành cho những người phụ nữ. Theo ông Nguyễn Hữu Tùng, lý do nhiều chị em phụ nữ đưa ra khi đi thẩm mỹ là nhằm mục đích giữ chồng, giữ người yêu, là ngụy biện, là lý do các bà các cô đưa ra để nhận được sự cảm thông của chồng, của người yêu, hoặc của những người xung quanh. Còn việc đi phẫu thuật thẩm mỹ che lấp khuyết điểm của cơ thể, thực chất là chị em muốn bù đắp các giá trị bản thân, nâng sự tự tin của mình trong xã hội.
“Chính vì thiếu tự tin và cảm thấy không hài lòng với ngoại hình của mình, nên nhiều chị em mới theo đuổi các chuẩn mực cái đẹp mà xã hội đang công nhận bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ mà không biết rằng, quan điểm về cái đẹp ở mỗi người, mỗi thời là khác nhau” – ông Nguyễn Hữu Tùng phân tích.
Theo ông Tùng, chẳng nói đâu xa, ngay ở Việt Nam tiêu chuẩn đẹp trong mấy năm qua cũng có nhiều sự thay đổi. Trước kia một thời người phụ nữ đẹp là gương mặt tròn trịa, phúc hậu, môi hình trái tim, còn giờ mình dây, mắt to, mặt nhọn lại lên ngôi. Hoặc như vài năm trước, chân dài miên man được coi là chuẩn của cái đẹp khiến đàn ông bị thu hút, thì giờ đây, thứ thu hút đàn ông lại là bộ ngực, như Elly Trần, Bà Tưng...
“Do vậy, nếu có ý tưởng đi phẫu thuật thẩm mỹ, chị em cần phải suy nghĩ thật kỹ, đừng áp đặt suy nghĩ của mình rồi đổ lên đầu những người đàn ông. Theo tôi, đàn ông vẫn thích những người phụ nữ tự tin hơn, những người phụ nữ tự tin sẽ có sức cuốn hút mà đàn ông không thể cưỡng lại” – chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Tùng khẳng định.