“Đồng lòng” và “bù khuyết”
Trong căn hộ ấm áp tại quận trung tâm TP, có một gia đình nhỏ dường như là mơ ước của nhiều người: Hai vợ chồng thành đạt, kinh tế khá giả, hai đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn, ngôi nhà luôn ấm áp tiếng cười. Đó là gia đình của chị Nguyễn Hoài Phương, Trưởng một nhóm tư vấn bảo hiểm Công ty Manulife.
Trước kia, chị Phương và chồng cùng giữ vị trí phó phòng chuyên môn tại Sở Khoa học Công nghệ TP HCM. Sau gần 10 năm phấn đấu, chị nhận ra mình còn có những khả năng khác chưa chạm đến, đồng thời, cũng mong muốn có được thời gian tự do hơn để chăm sóc gia đình, chị quyết định ra ngoài kinh doanh. Bảo hiểm là một trong những hướng mà chị chọn.
Thời gian sau đó, với nỗ lực hết mình, chị Phương liên tục đạt được những cấp bậc mới trong công việc. Những chuyến đi công tác nước ngoài thường xuyên hơn, thu nhập của chị cũng tăng hơn chục lần so với ngày trước, một con số lương mà bao người mơ ước.
Tưởng chừng gia đình sẽ có những xáo trộn đáng kể khi chị đi nhiều, quảng giao, lương cao, thế mà nhiều người thân nhìn vào thấy gia đình chị vẫn nhịp sống ấy, vẫn sự bình yên ấm áp ấy. Hỏi bí quyết, thì chị cười, nói bí quyết là "đồng vợ đồng chồng". Chị thay đổi công việc, mối quan hệ rộng mở, đi ra ngoài gặp khách hàng, đối tác nhiều, trang điểm, ăn mặc cũng hiện đại, xinh đẹp hơn xưa, nhưng chồng chị vẫn vui vẻ tiếp nhận điều đó, thậm chí tự hào vì vợ ngày một rạng rỡ ra.
Việc nhà, anh chị chia ra mỗi người một việc, người nấu ăn người rửa chén, người dọn nhà người dạy con học. Những lúc chị có việc bận hay đi công tác, anh quán xuyếnhết mọi việc, thậm chí, lúc chị về đến nhà đã có ly nước mát để sẵn trong tủ để uống. Có những chuyến đi công tác của chị, cha con anh cũng "dắt díu" đi theo chị cho vui, động viên tinh thần chị.
Chị Phương chia sẻ: "Tôi thì chưa thể gọi là "thành đạt" được, chỉ có thể nói là đang nỗ lực hết mình trên con đường sự nghiệp mình đã chọn. Nhưng nỗ lực một mình là không đủ, sự cố gắng của chồng tôi rất lớn. Anh là một người đàn ông rất hiểu chuyện, luôn san sẻ mọi gánh nặng cùng tôi. Trước khi tôi thay đổi công việc hay có bất cứ quyết định gì trong sự nghiệp, tôi và anh đều cùng nhau bàn bạc rất kĩ, giai đoạn này mục tiêu của gia đình chúng ta là gì, mỗi người sẽ đảm trách những trách nhiệm nào trong đời sống gia đình...
Chúng tôi có những kế hoạch 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm phác thảo, giai đoạn này tập trung cho sự nghiệp, kiếm tiền ở mức độ thế nào, rồi chăm lo và đầu tư cho con những bước ra sao. Đến bao nhiêu tuổi con tôi sẽ đi du học, bao nhiêu tuổi thì vợ chồng tôi tích lũy được bao nhiêu vốn, giai đoạn nào có thể cùng nhau "về hưu sớm"...
Tôi thì trong quá trình phấn đấu cho sự nghiệp cũng luôn có sự nhìn lại bản thân mình, xem mình có quá đà hay không. Bản thân anh cũng vậy.Có lẽ, chính sự bàn bạc rõ ràng, luôn chia sẻ cùng nhau mỗi bước đi, cùng hướng đến những mục tiêu đẹp đẽ cho tương lai mà chúng tôi không đi chệch hướng. Tôi tin tưởng rằng cho dù tôi đạt đến nấc thang nào trong sự nghiệp, thì chồng tôi cũng sẽ luôn ấm áp, vững vàng như thế...".
Nếu như bí quyết của gia đình chị Hoài Phương nằm ở yếu tố "đồng lòng", thì với chị Nguyễn Phan Vân Quỳnh, Giám đốc công ty Vệ sinh Đông Sài Gòn, giữ lửa gia đình nằm ở yếu tố "bù trừ cho nhau". Chị Quỳnh trước kia từng làm trưởng phòng nhân sự tại một công ty của tập đoàn Him Lam. Sau nhiều năm nỗ lực trong nghề nhân sự, chị quyết định ra ngoài mở công ty, bắt đầu sự nghiệp cho mình.
Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, công ty phát triển khá mạnh mẽ, với những hợp đồng lớn. Chị Quỳnh vốn tính mạnh mẽ, thích bứt phá. Anh Hòa, chồng chị, kiến trúc sư đang làm việc ở một cơ quan nhà nước tại TP HCM. Tính anh lại trầm ổn, thận trọng.
Trước giờ, chị như con diều, anh như dây diều phòng khi chị "bay quá xa". Mỗi một ý kiến chị đề ra, mỗi một quyết định mới, anh đều ngồi phân tích thiệt hơn, đưa ra những rủi ro, những vấn đề có thể gặp. Vợ chồng bàn bạc, có khi cả tranh cãi, nhưng mà ra chuyện.
"Ban đầu tôi bực cái tính này của anh lắm. Tính tôi nói gì là phải quyết tâm làm cho được. Mà hễ nói ra ý tưởng mới, đang tâm đắc hừng hực, bị chồng phân tích, nghe như kiểu bàn ra, tôi như bị tạt cho "gáo nước lạnh", mất hứng dễ sợ. Có những lần cãi nhau kịch liệt.
Nhưng rồi sau một thời gian, tôi nhận ra cái tính đó hóa ra có nhiều điểm hay. Nhiều điều anh phân tích, tôi dần dà nhận thấy sau này lại là "tiên đoán" đúng. Rồi từ từ, vợ chồng tôi tìm được tiếng nói chung. Anh như vị "quân sư", như người ghìm cương cho tôi. Tôi muốn làm gì, phát triển đến đâu cũng yên tâm vì có chồng mình luôn bình tĩnh ở bên", chị Quỳnh tâm sự.
Làm người "đứng sau" không dễ
Nói thì là thế, nhưng quả thật, làm người chồng đứng sau người vợ thành đạt quả chẳng dễ chút nào. Sẽ dễ dàng hơn cho một người vợ làm hậu phương vững chắc cho đức ông chồng tài giỏi chèo chống. Người vợ ấy chỉ phải đối mặt với những chuyện trong nhà, với việc vun vén giữ lửa gia đình. Về bên ngoài, nhiều khi với người vợ, họ còn nhận được sự tán tụng của chị em bạn bè, sự ngưỡng mộ khi có một ông chồng thành đạt.
Với đức lang quân làm hậu phương cho vợ, mọi chuyện không đơn giản như thế. Cái cản trở lớn nhất mà người chồng ấy phải đối mặt, đó chính là bản thân mình. Quan niệm thông thường "đàn ông cái nhà đàn bà cái bếp", từ xưa nay với người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, đàn ông đảm nhận "việc lớn" nghĩa là gánh vác gia đình, là bươn chải bên ngoài. Người vợ với vai trò giữ lửa, chăm sóc con cái.
Nhưng khi vai trò ấy đảo ngược, người chồng lui lại làm điểm tựa sau lưng vợ, họ không chỉ phải đối mặt với việc thay đổi một quan niệm sống đã ăn sâu vào gốc rễ, cạnh đó còn là đối diện những cảm xúc tiêu cực, không cam tâm có thể có từ chính mình, hay những lời ra tiếng vào của chung quanh... Nghe thì đơn giản, nhưng những cản trở ấy rất có thể sẽ làm rạn nứt, đổ vỡ một gia đình nếu cả hai vợ chồng "bỏ qua" nó.
Có một điều nên hiểu, người chồng không nổi tiếng, không có danh vọng, không xông xáo bằng vợ chưa hẳn là họ thiếu năng lực hơn bạn đời của mình. Một nữ doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp, vừa là doanh nhân vừa bước vào trong showbiz, được không ít giải thưởng lớn nhỏ. Chồng chị chỉ là một giảng viên chuyên ngành truyền thông, ngày ngày đi giảng.
Nhưng bạn bè thân thiết đều biết, người chồng chính là người quản lý, trợ lý kiêm người tư vấn chiến lược cho vợ. Sự thành công của chị vợ có công lao của anh rất nhiều. Nhưng anh không chọn đi bên cạnh hay bước về phía trước mà luôn đứng sau hỗ trợ vợ mình.
Ở một khía cạnh khác, từ câu chuyện "người chồng hậu phương" có thể thấy được, giờ đây có thêm tiêu chí để đánh giá người đàn ông trong gia đình. Đó là ai làm ra tiền nhiều hơn ai, ai thành đạt, nổi tiếng hơn ai, chưa hẳn đã chứng tỏ bản lĩnh hơn người kia.
Người đàn ông có bản lĩnh và trách nhiệm, chính là người đàn ông cùng vợ mình gánh vác gia đình, dù ở vị trí tiền tuyến hay hậu phương, là người đàn ông dù năng lực nhiều hay ít, vẫn chấp nhận bước lùi, làm chỗ dựa vững chắc cho vợ để gia đình được phát triển, đi về phía trước.