Coi chừng phản tác dụng
Mấy ngày nay, chị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) hỏi han mọi người, tìm kiếm trên mạng về những khóa học "bổ, rẻ, tiện" để đăng ký cho cậu con trai lớp sắp nghỉ hè. Có điều, chị lăn tăn vì để bé tham gia các trại hè quy mô thì thấy kinh phí lớn quá mà cho cháu học các môn lẻ tẻ ở những nơi khác nhau lại không tiện đưa đón. Nghe nói có trường mầm non gần cơ quan tổ chức trông trẻ vào hè, kết hợp với mở các lớp năng khiếu, chị Ngọc dự định sẽ đưa con vào đó.
Chị Minh thì có hai con trai, một lớp 4, một lớp hai. Không dám để cho các con ở nhà, sợ các bé nghịch dại, xảy ra chuyện. Hè đến, chị lên kế hoạch cho các con học các môn năng khiếu như cờ vua, bơi, đá bóng, cộng học thêm môn văn hóa nhà cô giáo, học tiếng Anh. "Lịch học hè của các con thế là kín hết rồi. Con nghỉ hè, bố mẹ vất vả và tốn kém thêm, nhưng không biết làm thế nào khác" - chị Minh phân trần.
Tuy nhiên, có một thực tế là sau mỗi kỳ nghỉ hè, không ít trẻ bị rối nhiễu tâm lý - hệ quả của việc bị bố mẹ ép vào những khóa học, huấn luyện hè không đúng chỗ, gây tác dụng ngược, dù các khóa học về kỹ năng sống, tu thiền hay tập làm "con nhà binh"... đang mọc lên như nấm mang lại khá nhiều lợi ích cho trẻ.
Chị Vân (Long Biên, Hà Nội) kể, hè năm ngoái, đang bí người trông coi con, lại nghe bạn bè mách cho cháu lên chùa sẽ học được nhiều điều tốt, chị liền tìm hiểu và đưa ngay cậu nhóc 12 tuổi tới một thiền viện ở Vĩnh Phúc để "tu".
Được đúng 3 hôm, thấy con gọi điện về khóc như mưa, chị vội vàng lên đón. Hỏi ra chị mới biết, khi ở chùa, thấy khung cảnh trầm mặc khói hương, rồi cả ngày nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng rao giảng đều đều, không được xem TV, không có một người quen nào bên cạnh..., cậu con trai vốn nhút nhát của chị đâm hoảng đến nỗi về nhà mấy hôm liền không ngủ, cứ chong chong thức cả đêm.
Nghe nói về những lợi ích của Học kỳ quân đội, vợ chồng anh Hùng cho cậu con trai vừa hết lớp 8 lười học, hay đánh nhau trong lớp tham gia khóa học này do một công ty tư nhân tổ chức với mong muốn "thằng cu sẽ khá lên". Thế nhưng, sau khóa học 10 ngày trở về, anh chị thấy con vẫn không có gì thay đổi.
Thậm chí, cậu còn cười khẩy kể với đám bạn: "Ông bà bô muốn tớ biết mùi khổ nhưng với tớ chả bõ bèn gì". Không những thế, trong thời gian làm "bộ đội", cậu bé đã kịp kết bạn với một nhóm được đưa đi "cải tạo" giống mình.
Cũng với hy vọng con sẽ tự tin hơn, nhân dịp hè, chị Linh cho cô con gái tuổi teen tham gia khóa học kỹ năng sống tại một trung tâm. Thế nhưng, Một lần tới tham dự buổi học của con, chị tá hỏa khi nghe "ông thày" - một sinh viên chưa tốt nghiệp - rao giảng: "Các bạn không cần học nhiều hay phải vào đại học, chỉ cần có các kỹ năng mềm, là các bạn có thể thành công trong cuộc sống...". Lúc mẹ nhắc nhở ôn bài, con gái chị bèn vận dụng: "Cần gì học nhiều, giỏi kỹ năng là xong hết".
Để kỳ nghỉ hè của con không vô ích
Làm gì khi nghỉ hè với trẻ nhỏ đúng là đau đầu. Bố mẹ thì bận đi làm suốt ngày, để trong nhà thì các em hết tivi lại game online vừa hại mắt, vừa có nguy cơ nghiện game". Đứa trẻ nào cũng khát khao có một mùa hè được tự do thoải mái. Do vậy, bố mẹ hãy cho con có thời gian nghỉ ngơi thư giãn và theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ có thể tranh thủ dịp hè dạy con học sống tự lập đi kèm với đảm bảo các yếu tố vui chơi giải trí của con.
Theo Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội), việc con tham gia hoạt động hè nào và gặt hái được kết quả ra sao, cha mẹ phải là người quyết định và chịu trách nhiệm đầu tiên. Theo bà Thủy, trong số những hoạt động hè các đơn vị tổ chức hiện nay, có rất nhiều hoạt động bổ ích với trẻ.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau và có thể có những hoạt động phù hợp, hiệu quả với trẻ này nhưng lại không tốt cho trẻ khác. Tất cả còn phụ thuộc vào thời lượng, nội dung, hình thức của hoạt động và lứa tuổi, tính cách... của trẻ. Khi lựa chọn một hoạt động hè cho con, bản thân bố mẹ phải hiểu rõ mục đích của mình và trước lúc đưa con đến nơi nào đó, phụ huynh nên nói rõ cho con biết mục tiêu của việc làm này để tránh phản tác dụng như các trường hợp ở trên.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, việc cho con học hè không thể lấy ý chí chủ quan của người lớn để áp đặt cho trẻ, nhất là những thứ trái ngược với cá tính, sở thích của các em.
Để lựa chọn hoạt động hè cho con, giúp con có kỳ nghỉ vui, ý nghĩa, phụ huynh cần dựa vào một số tiêu chí như điều kiện, hoàn cảnh gia đình; nhu cầu của bố mẹ (muốn bổ sung gì cho con, mong con học được điều gì...); và quan trọng nhất là nhu cầu và khả năng của trẻ.
Cho dù trẻ tham gia hoạt động nào, học gì thì hãy luôn nhớ rằng, hè là một kỳ nghỉ của trẻ sau cả một năm phải học tập, tuân theo các nguyên tắc gò bó, vì thế cần làm sao cho con thoải mái, thư giãn, và được làm theo ý mình một chút.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống) và chuyên gia tâm lý Võ Huyền Trang (Tổng đài 1088) gợi ý vào dịp hè, bố mẹ có thể hỏi mong muốn của các con. Sau khi biết mong muốn của trẻ, bố mẹ sẽ lấy những điều đó làm phần thưởng để gợi ý con làm những công việc nhỏ trong nhà.
Bố mẹ có thể cùng con xây dựng một thời khóa biểu hợp lý từ lúc ngủ dậy đến chiều tối, kèm theo là các quy định về thưởng, phạt rõ ràng. Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ làm những việc nhỏ để tự chăm sóc bản thân và đặc biệt cần giúp trẻ cảm nhận cảm giác thành công qua việc học sống tự lập.