Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chỉ vì sự tắc trách của các cơ quan chức năng mà những danh hiệu cao quý này vẫn đang bị “treo” bởi lý do… các mẹ, các chị đã tái giá. Đừng để một lần nữa mẹ phải “khóc thầm lặng lẽ” vì đã chạm vào nỗi đau mà đến tận hôm nay vẫn chưa dễ nguôi ngoai.
Luật không có quy định loại trừ
Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH và Điều 2 Nghị định 56/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này thì những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: a) Có 2 con trở lên là liệt sỹ; b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
Trong 5 trường hợp trên thì có tới 4 trường hợp liên quan đến “tiêu chuẩn liệt sĩ” của người con, chỉ duy nhất một trường hợp liên quan đến người chồng, đó là “có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ”. Và khi áp dụng quy định này vào thực tế để xét tặng danh hiệu BMVNAH, không ít địa phương trong cả nước đã “treo” quyền lợi của những người vợ liệt sĩ trong thời gian dài chỉ vì các mẹ đã tái giá. Theo giải thích của họ, vì pháp luật không quy định rõ, nếu vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác thì có được lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu BMVNAH hay không, cho nên, để … “chắc ăn”, hồ sơ của các mẹ đành phải nằm chờ thủ tục hướng dẫn.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay mới chỉ có Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH mà chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. Và trong hai văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, tuyệt nhiên không có điều luật nào quy định vợ liệt sĩ đã tái giá thì không được xét tặng danh hiệu BMVNAH. Chính bởi vậy, nếu pháp luật không khoanh vùng để loại trừ thì những người vợ liệt sĩ đã tái giá vẫn đủ điều kiện được xét tặng danh biệu cao quý này. “Tại sao các cơ quan thực thi pháp luật không hiểu điều luật một cách giản đơn mà lại phức tạp hóa vấn đề để “lái” quy định này theo một chiều hướng khác, rồi phải đợi văn bản nọ, thủ tục kia xin ý kiến chỉ đạo?”- một cựu chiến binh thốt lên.
Đã xét duyệt thì phải công bằng!
Nhìn nhận ở khía cạnh tình cảm thì nỗi đau mất người thân không gì bù đắp nổi, và trong tất thảy những nỗi đau ấy, việc mất chồng, mất con là nỗi đau đến tột cùng. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, đã có hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Sự hy sinh của các anh đã làm cho Tổ quốc bất tử. Và trong chính thời khắc thiêng liêng ấy - thời khắc máu của các anh hòa vào đất mẹ - thì Tổ quốc đã ghi tạc công ơn to lớn và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh (lần vinh danh này không cần Huân, Huy chương hay Bằng khen). Để đến hôm nay, sau khi đất nước thống nhất và có điều kiện, những tấm Huy chương và Bằng vinh danh cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mới hiện hữu đến tay các mẹ.
Có tấm Bằng vinh danh thì sẽ thêm phần trang trọng, nhưng nếu Nhà nước không có điều kiện thì các mẹ cũng không đòi hỏi, bởi ngay cả việc phải hy sinh những người thân yêu nhất cho Tổ quốc, các mẹ còn không phàn nàn, nói chi đến việc đòi hỏi một vật vô tri, vô giác. Nhưng, một khi đã xét duyệt để vinh danh thì phải làm cho công bằng, cho đúng ý nghĩa của sự cống hiến và sự hy sinh thầm lặng của các mẹ.
Ngay trong điều luật đầu tiên của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH" đã nói rõ rằng: BMVNAH là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Vậy thì sự cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của các mẹ có liên quan gì đến chuyện mẹ đã tái giá hay chưa? Chỉ sau khi chồng và con của mẹ hy sinh, mẹ mới tái giá cơ mà? Và, dù mẹ có tái giá thì mẹ cũng đã phải chịu nhiều nỗi đau mất chồng, mất con. Như vậy thì việc tái giá không thể làm thay đổi bản chất của sự hy sinh và cống hiến của vợ liệt sỹ cho đất nước.
Thế nên, khi xét tặng danh hiệu BMVNAH cho các vợ liệt sĩ, các cơ quan chức năng đừng “lôi” chuyện tái giá của mẹ ra để làm điều kiện xét duyệt. Đừng để một lần nữa mẹ phải “khóc thầm lặng lẽ” vì đã chạm vào nỗi đau mà đến tận hôm nay vẫn chưa dễ nguôi ngoai.
Trảo đổi với PLVN về vấn đề này, các Luật sư đã đưa ra uan điểm của mình:
Luật sư Lưu Hải Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Luật Triệu Sơn: Quyền tái hôn của vợ liệt sĩ không ảnh hưởng đến việc vinh danh
Theo tôi, cần phải phân định rõ hai khái niệm để nhận thức thấu đáo vấn đề. Thứ nhất, theo quy định tại khoản d Điều 2 của Nghị định 56/2013/NĐ-CP thì những bà mẹ có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ thì được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH”. Như vậy, pháp luật không hề có quy định: vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác thì không được công nhận là BMVNAH. Và như quy định nêu ở trên, người có công chỉ cần đảm bảo đủ các điều kiện đã viện dẫn thì đều được nhà nước vinh danh. Trong các văn bản pháp luật liên quan cũng không có bất kỳ nội dung nào quy định các trường hợp dẫn đến việc vinh danh bị loại trừ.
Thứ hai, khái niệm “tái hôn” là để chỉ những người lập gia đình lần thứ hai với người khác sau khi vợ hoặc chồng đã mất hoặc ly hôn theo quy định của pháp luật. Đây có thể coi là quyền được thực hiện mà không phải là “rào cản” ảnh hưởng tới các quyền và lợi ích hợp pháp khác. Hơn nữa, việc tái giá là quyền cá nhân của mỗi công dân. Chẳng có sự vô lý nào hơn việc bắt người phụ nữ sau khi mất đi người chồng, người con thân yêu vẫn phải mãi mãi chịu nỗi buồn đau, cô quạnh mới là anh hùng? Chẳng lẽ một đất nước “bác ái và văn minh” lại duy trì quan niệm cổ hủ rằng những người phụ nữ phải “tiết hạnh khả phong” mới xứng đáng được tôn vinh?
Luật sư Lưu Hải Vũ |
Hai khái niệm này độc lập với nhau và không có cơ sở về mặt pháp lý hay thực tế để các cơ quan chức năng, thậm chí cơ quan cấp Bộ phải “băn khoăn” vì không có văn bản hướng dẫn về vấn đề liên quan. Việc tái hôn của vợ liệt sĩ là quyền của con người và được pháp luật cho phép. Cụ thể là thỏa mãn quy định tại điều 39 Bộ luật dân sự về quyền kết hôn và Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về điều kiện kết hôn. Trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối vinh danh vợ liệt sĩ là BMVNAH vì đã tái hôn vô hình trung đã đi ngược lại tinh thần của pháp luật như các dẫn chứng đã trình bày trên đây. Theo tôi, việc pháp luật quy định như vậy là quá cụ thể và không có bất kỳ cơ sở nào để từ chối vinh danh người có công với cách mạng chỉ vì họ đã tái giá. Các cơ quan chức năng “đùn đẩy” cho nhau việc làm thiết thực này thể hiện sự thiếu trách nhiệm và chưa làm tròn nghĩa vụ đối với những người có công lao với tổ quốc.
Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Áp dụng luật tùy tiện!
Hiện nay tại 02 văn bản là Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH” chưa có quy định nào nói về khái niệm “Vợ liệt sỹ tái giá” hay quy định chính sách của Nhà nước đối với trường hợp “Vợ liệt sỹ tái giá”.
Hiện nay tại 02 văn bản là Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH” chưa có quy định nào nói về khái niệm “Vợ liệt sỹ tái giá” hay quy định chính sách của Nhà nước đối với trường hợp “Vợ liệt sỹ tái giá”.
Nói cách khác, việc một số cơ quan chức năng khi xét duyệt danh hiệu BMVNAH đã áp dụng chính sách chưa được quy định đối với trường hợp vợ liệt sỹ tái giá là cách hiểu tùy tiện, tự đặt ra quy định trái với chính sách của Nhà nước dành cho người có công. Việc này đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của chủ trương tôn vinh người có công, gây tổn thương cho người có công và không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ.
Cơ quan chức năng “bình chân như vại”
Không chỉ là chuyện vướng trong thủ tục xét duyệt, vấn đề đặt ra là trong khi nhận được ý kiến thắc mắc từ địa phương gửi lên nhưng các Bộ, ngành có thẩm quyền ở Trung ương lại không sốt sắng vào cuộc để ban hành văn bản hướng dẫn - ít ra là một công văn. Bộ Nội vụ cho rằng trách nhiệm hướng dẫn thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, còn Bộ này lại phản pháo: thẩm quyền này đã được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ từ năm ngoái - tại Nghị định 56/2013/NĐ-CP. Phải chăng vì đang có sự đùn đẩy trách nhiệm? Phải chăng cơ quan nào cũng cho rằng giải quyết vướng mắc này không thuộc thẩm quyền của mình nên vẫn “bình chân như vại”?.
Nếu cứ theo động thái này, đợi đến khi các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, nhiều vợ liệt sỹ đã về với đất, lúc ấy đối với các mẹ không còn được dùng từ “phong tặng” nữa mà thay vào đó sẽ là từ “truy tặng” mà thôi...