Đàm phán được hai bên tiến hành bất chấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra và hiện trong giai đoạn cuối cùng. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra tối hậu thư cho EU là chậm nhất đến ngày 15/10 tới - ngày diễn ra cuộc trao đổi cấp cao định kỳ của EU - hai bên phải đạt được thoả thuận về hiệp định thương mại mới làm khuôn khổ cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên sau Brexit.
Ông Johnson dọa nếu không đạt được thoả thuận thì phía Anh không cần bất cứ thoả thuận nào với EU nữa. Cái kịch bản Brexit này xưa nay EU vốn luôn tìm mọi cách để tránh không phải vì muốn níu kéo Anh mà vì Bắc Ireland. Vùng lãnh thổ này hiện do Anh quản lý. Cả sau Brexit, EU vẫn muốn Bắc Ireland trong thực chất vẫn như một phần của thị trường nội địa chung của EU.
Trong thỏa thuận giữa EU và Chính phủ Anh, phía EU về cơ bản đạt được mục tiêu này. Thỏa thuận ấy đã được Nghị viện châu Âu cùng Nghị viện Anh phê chuẩn và trên thực tế đã trở thành luật ở Anh cũng như trong EU.
Bây giờ, ông Johnson công khai chủ ý dùng luật quốc gia mới để bẻ cả luật quốc gia cũ kia lẫn luật chung của EU. Người này dự định ban hành luật mới để xử lý vấn đề Bắc Ireland vướng mắc với EU. Cái ngoạn mục của ông Johnson ở đây là tiếp cận giải pháp theo cách tư duy “một khi biến thị trường Bắc Ireland thành một phần của thị trường nội địa của Anh” thì đương nhiên thị trường này không còn có thể đồng thời là một phần của thị trường nội địa chung của EU được nữa sau khi nước Anh không còn là thành viên EU.
Ông Johnson dùng luật quốc gia của Anh để lật ngược thỏa thuận trước đây giữa chính mình và EU. Sau đó, người này viện dẫn luật của Anh để biện minh với EU là không thể nhượng bộ được cho EU trong vấn đề quy chế pháp lý của thị trường Bắc Ireland sau Brexit, buộc EU phải chấp nhận thực tại mới hoặc buộc EU phải nhượng bộ nhiều hơn và cơ bản hơn cho phía Anh. Một khi những yêu cầu đòi hỏi mới của Anh được EU đáp ứng thì ông Johnson lại dùng luật mới ở Anh để hợp pháp nó.
Từ giác độ lợi ích quốc gia và quan điểm chính sách của người cầm quyền thì cách suy tính và vận hành này của ông Johnson không có gì là khó hiểu và hứa hẹn thành công. Lý do ở chỗ ông Johnson sẵn sàng chơi sát ván với EU trong đàm phán, còn EU lại không thể như vậy với ông Johnson. Brexit mà không đạt được bất kỳ thoả thuận nào giữa Anh và EU thì ông Johnson sẽ tách Bắc Ireland hoàn toàn ra khỏi thị trường nội địa chung của EU. Khi ấy, EU sẽ gặp phải vấn đề phức tạp và ông Johnson lại một lần nữa nắm đằng chuôi trong cuộc chơi với EU.
Qua chuyện này có thể thấy luật pháp quốc tế dễ bị tổn thương như thế nào bởi luật pháp quốc gia khi người cầm quyền ở quốc gia chủ trương sẵn sàng bất chấp và lật ngược nó nếu không giành về được những nhượng bộ từ phía đối tác.
Qua đó cũng còn có thể thấy được luật pháp quốc gia dễ dàng bị chính trị hóa như thế nào bởi chính phủ Anh để đạt được mục tiêu đề ra trong chuyện Brexit. Cũng chính vì thế mà ở phía EU hiện tại hình thành tâm lý rất không hài lòng với ông Johnson, cho rằng người này đã đi quá xa và EU phải tính đến khả năng không có thoả thuận gì với Anh về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương trong tương lai.