|
Gia đình chị Lan hạnh phúc với cơ ngơi mà nhiều người mơ ước |
Không may mắn cho tôi khi hôm nay anh Dũng vắng nhà. Theo lời kể của chị Lan, anh Dũng vốn là một người đàn ông hiền lành, chịu thương chịu khó, một người sinh ra và lớn lên trên miền quê nghèo khốn khó nên anh sớm đã có ý chí, khát vọng làm giàu để gia đình đỡ khổ.
Trước khi đến với chị Lan, anh từng đã có một đời vợ và ba đứa con thơ.
Chẳng ai biết lý do gì khiến họ không còn ở bên nhau nữa, cũng không ai để ý rằng cô vợ ấy cùng một trong ba đứa con của anh giờ ở đâu, chỉ biết rằng ở bên anh bây giờ đang có một tài sản vô cùng quý giá, họ hạnh phúc biết nhường nào. Nhiều người lầm tưởng chị Lan chính là người đàn bà đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời anh Dũng.
Sau khi ly hôn, cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với một người đàn ông “gà trống nuôi con” như anh. Kinh tế khó khăn đã là một chuyện, lại thêm chuyện hai đứa trẻ: một gái, một trai cứ nay ốm, mai đau, cần có bàn tay chăm sóc của một người phụ nữ. Đêm đêm trông nom con ốm, anh thương chúng đến phát khóc.
Còn chị Lan- người phụ nữ hiền hậu, dịu dàng, quê ở xã kế bên cách đó chừng 10 cây số, cũng có hoàn cảnh tương tự anh Dũng. Thương cha mẹ nghèo khó, lại có tuổi, chị quyết định đi lấy chồng, mong có được một người đàn ông để dựa dẫm. Nhưng cuộc sống không lường trước điều gì, chị đành bế theo đứa con trai dứt áo ra đi.
Khi được hỏi về lý do chia tay của chị với người chồng cũ, chị khẽ cười- nụ cười của một người phụ nữ kín đáo, nhẹ nhàng: “Tại hồi ấy mình trẻ con mà, thích lấy là lấy, thích bỏ là bỏ chứ có biết gì đâu”.
Người phụ nữ dịu dàng ấy quyết định vào Nam làm việc cho một xí nghiệp may công nghiệp, để lại cậu con trai nhỏ tuổi cho ông bà ngoại trông nom giùm.
Trời se duyên cho anh chị Dũng Lan cũng vào năm ấy, khi người bạn cùng vào Nam với chị là hàng xóm nhà anh Dũng. Cảm thông vì cùng chung số phận, lại nhờ sự “mát tay mai mối” , anh chị nên duyên vợ chồng. Từ đây, con trai chị sẽ không phải ở xa mẹ, còn các con anh Dũng cũng được chăm sóc bởi một bàn tay người mẹ khéo léo.
Chị Lan kể trong nụ cười rạng rỡ: “Hồi mới về ở với nhau, cuộc sống cũng khó khăn, vợ chồng mình đưa nhau đi chợ. Đầu tiên ít vốn, mình chỉ dám mua vài mẹt thịt lợn vế bán lấy tiền đong gạo, sau này mới dám mua lợn nguyên con về pha.
Thương mấy đứa, hôm nào bố mẹ cũng dậy đi chợ sớm, mấy đứa tự trông nhau, cho nhau ăn uống rồi đưa nhau đi học. Phía trước nhà có vài sào đất canh tác, vợ chồng mình bàn nhau đào ao, nuôi cá tăng thêm thu nhập. Mình tận dụng những phần thừa trong việc pha lợn làm nguyên liệu thức ăn nuôi cá.
Ông xã sáng đi chợ, chiều về đi cắt cỏ, còn mình ở nhà nấu cám ngô cùng mỡ bì lợn nuôi cá. Thật không ngờ, cá nhà mình lớn nhanh trông thấy, thịt thơm lại chắc, bán được giá lắm, có khi lên tới hơn trăm nghìn/ kg cá trắm, còn cá chim mình bán quanh năm không hết. Năm ấy cứ một con cá mình đổi được một thúng thóc, mấy đứa nhỏ được ăn cơm gạo mới, chúng thích lắm. Ông xã mình cũng vui, làm việc lại càng hăng hái”.
|
Nhà hàng của gia đình chị Lan |
Chị chỉ tay về phía cậu trai đang loay hoay giúp mẹ mấy công việc ngoài cửa hàng- đó là cậu con trai riêng của chị và cũng là thứ ba trong gia đình anh chị, vừa tốt nghiệp đại học Thủy lợi.
Tôi nhận ra nét buồn chợt hiện trên khuôn mặt chị. “Thương thằng trai cả nên hai vợ chồng mình mới vay mượn thêm, làm cửa hàng này để cho nó có chỗ làm ăn. Hồi bố mẹ mới về ở với nhau, làm lụng vất vả nên nó toàn phải trông nom các em, không có thời gian học hành”.
Rồi chị khẽ đung đưa đôi tay, nựng đứa bé vào lòng, nó là con của “thằng trai cả” mà chị vừa nhắc đến. Nói là không có thời gian quan tâm nhiều đến cậu con trai cả nên cậu ấy chịu thiệt thòi nhưng tôi biết trong đôi mắt chị, tình yêu thương chị dành cho cậu là vô bờ bến.
Ấy thế nên cả bốn đứa con của chị, đứa nào cũng yêu thương nhau hết lòng, kính trọng bố mẹ hết mực. Chị khoe: “Con gái út vừa đỗ đại học là dành tiền mua cho mẹ hai một chiếc điện thoại, nó bảo đến sinh nhật anh cả sẽ mua cho anh một món quà thật đẹp, còn anh ba vừa được bố mua cho xe máy rồi thì sang năm mới được tặng quà” (chị cười).
Xem đến những bức ảnh lưu niệm của anh Dũng, tôi không thể ngờ được một người có vóc dáng nhỏ nhắn như anh lại là một nghệ sỹ sân cỏ tài nghệ. N
hững cổ động viên ở đây yêu mến gọi anh là “Dũng tên lửa” bởi anh đã qua tuổi 40 nhưng với đôi chân dẻo dai, nhanh nhẹn của mình, anh có thể dễ dàng làm đối phương chếnh choáng vì khả năng chạy quá nhanh và phá lưới quá lẹ.
Và dĩ nhiên đi đâu, anh cũng tự hào rằng sức khỏe của anh được như vậy là nhờ tất cả vào sự chăm sóc đặc biệt của vợ. Chị đỡ lời tôi: “Mình chăm sóc chồng con như thế cũng chỉ mong chúng nó nhìn thấy thế mà tự chăm sóc nhau rồi sau này còn biết chăm sóc vợ chồng chúng nữa”. Câu nói của chị thật sự làm tôi nể phục, tất cả những gì chị nói và làm đều là để gia đình thêm hạnh phúc, gắn bó với nhau hơn nữa mà thôi.
Hạnh phúc là sự hài lòng
Gia đình anh chị Dũng Lan là một tấm gương hiếm tìm về sự yêu thương, gắn bó và hạnh phúc. Từ khi còn nghèo khó, người ta đã thấy anh chị tuy vất vả nhưng không bao giờ to tiếng với nhau một lời. Đến bây giờ, khi đã có một căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, với một nhà hàng ăn uống lúc nào cũng nườm nượp khách, đã tậu được ô tô và bắt đầu có thêm nhiều của cải, anh chị Dũng Lan vẫn giữ cho mình sự giản dị, vui vẻ và lối sống như xưa. Bà con trong vùng ai cũng yêu mến anh chị.
|
“Mình nghĩ hạnh phúc chính là sự hài lòng, lúc trước tuy còn nghèo nhưng mình rất hài lòng với người đàn ông mà mình đã chọn, bây giờ mình hạnh phúc hơn vì sự cố gắng nỗ lực của vợ chồng mình đã được đáp đền và còn giúp được nhiều người trong xóm”, chị Lan chia sẻ.
Mặc dù chưa qua một trường lớp nấu ăn nhưng nhà hàng của anh chị lúc nào cũng nườm nượp khách, có những người chọn đó là địa chỉ tin cậy, thường xuyên lui tới, không chỉ ở đồ ăn ngon, giá cả hợp lý mà ở cả sự phục vụ thoải mái, chất phác giống như “ở nhà”.
Chị Lan tâm sự: “Khách ngon miệng thì mình cũng thấy vui, khách hài lòng thì mình cũng thấy hạnh phúc và hạnh phúc của mình bây giờ còn ở sự hài lòng của khách hàng nữa, như vậy hạnh phúc được nhân đôi”.
Chia tay chị Lan khi trời đã quá trưa, trên đoạn đường về, tôi chợt nhận ra mình đang cười vì đơn giản tôi cũng đang cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc vì được gặp chị, được nghe những điều chị kể để ngộ ra một điều giản dị rằng: “Hạnh phúc ở trong mình chính là sự hài lòng”…