Hạnh phúc có thật của đôi vợ chồng tật nguyền

(PLO) -  Dù cơ thể có phần khiếm khuyết thì tình yêu của họ vẫn tròn đầy và mãnh liệt như hàng triệu triệu trái tim của người khác. Đó là mối tình cảm động của người đàn ông mù bán tăm và người đàn bà dị tật đôi chân trong Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An đã khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

Hai vợ chồng ông Sơn - bà Thủy
Hai vợ chồng ông Sơn - bà Thủy
Hai con người khiếm khuyết
Trở lại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An (gọi tắt là Trung tâm) vào những ngày đông rét buốt, câu chuyện tình giữa người đàn ông mù bán tăm và người phụ nữ dị tật đôi chân khiến ai cũng thấy ấm lòng. Bên chén trà nóng, ông Vương Đình Sơn (SN 1957, quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) kể lại cuộc đời mình.
Ông Sơn là con trai cả trong một gia đình có 4 anh em nghèo khó. Lên 3 tuổi, ông Sơn mắc bệnh đau mắt. Vì quá nghèo, không có tiền chạt chữa, cha mẹ ông Sơn chỉ có thể tự chữa bệnh cho con bằng phương pháp dân gian. Sau thời gian tự điều trị, đôi mắt ông từ mờ chuyển sang mù hẳn. Tính đến nay, ông đã làm bạn với bóng tối hơn 55 năm.
Tiếp lời, ông Sơn bảo: "Dù bị mù nhưng vẫn phải lăn lộn kiếm ăn khắp nơi cùng bố mẹ, các em. Đến khi bố mẹ già cả, các em trưởng thành, có gia đình riêng, thì tôi được gửi vào Trung tâm".
Vừa nói về mình, người đàn ông xấp xỉ tuổi lục tuần kể về người vợ mà ông dành cả đời để trân trọng, yêu thương. "Bà ấy (Phan Thị Thủy, SN 1960, quê tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, vợ ông) lúc sinh ra cũng lành lặn như bao người khác. Tuy nhiên, năm lên 8 tuổi, sau một trận ốm, bệnh phong thấp đã cướp đi đôi chân lành lặn của bà Thủy. Gia đình nghèo không có tiền đưa đi chữa bệnh, chỉ chữa bằng châm cứu nhưng không đỡ và bà bị tật từ đó. Đôi chân tật nguyền không thể đi đâu, làm gì giúp gia đình, chỉ quanh quẩn trong góc nhà. Năm 1991, bà được gửi ra Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An để sinh hoạt cùng những người chung cảnh ngộ khác". 
Ông Sơn chia sẻ về cuộc đời mình cho PV nghe.
Ông Sơn chia sẻ về cuộc đời mình cho PV nghe. 
Từ ngày vào Trung tâm, ông Sơn vẫn miệt mài đi bán tăm, còn bà Thủy được vào đội sản xuất tăm cùng những người khuyết tật khác. Hai con người hoàn toàn xa lạ xích lại gần nhau thật tình cờ, để rồi tình yêu đến với hai người từ lúc nào chẳng hay. 
“Hôm ấy đi bán tăm về, tôi ra đồi bẻ lá sắn mang xuống cho cá ăn. Khi đến gần chỗ bà Thủy, tôi nghe có tiếng người phụ nữ trong nhà. Đang khát nước, tui bạo dạn vào xin miếng nước. Bà Thủy không đi ra bờ ao đưa nước cho tui được nên mời tui vô nhà chơi. Tui rón rén men theo bờ ao quen thuộc để đến chỗ người phụ nữ xin ngụm nước. Rồi từ đó, hai người quen nhau, hay trò chuyện với nhau, tui thỉnh thoảng nhờ bà giặt hộ cái áo, vá cái áo rách…”. 
Tình yêu nảy nở giữa hai người cũng là lúc gia đình hai bên biết chuyện. Thay vì đồng ý, cả hai gia đình đều phải đối bởi hai con người tàn tật đã không lo nổi cuộc sống cho mình, giờ lấy nhau, sinh con rồi lại thêm gánh nặng, ai biết đâu con cái lại cũng không lành lặn như bố mẹ nó. Nhưng hai con người ấy vẫn quyết tâm sống bên nhau… 
Hạnh phúc đơm hoa, kết trái
Sau hai năm gặp nhau, ông bà tự nguyện kết tóc, xe tơ với nhau mà không cần đám cưới. Sau ngày nên duyên một thời gian, bà Thủy mang thai. Sợ bị đuổi ra khỏi Trung tâm, hai ông bà dò dẫm đưa nhau về nhà ngoại sinh con. Tại quê nhà Hà Tĩnh, ông bà cắn răng vượt bao điều tiếng để chờ ngày đứa con bé bỏng chào đời. 
Sau 9 tháng 10 ngày, bà Thủy sinh cho ông Sơn một bé gái gần 3kg, khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Để có thể chăm sóc cho con, ông bà lại dắt díu nhau về Trung tâm sau thời gian ở cữ. Nhìn đứa bé khỏe mạnh con của hai người tàn tật, cả Trung tâm ai nấy đều mừng cho họ.
Hai năm tiếp theo, bà Thủy lại mang bầu đứa thứ hai. Vợ chồng lại dắt díu nhau về quê ngoại sinh nở như lần trước. Đứa con trai thứ hai ra đời đẹp như thiên thần, khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác càng làm cho ông bà hạnh phúc hơn. Dù chưa một lần được nhìn thấy mặt con nhưng ông Sơn mừng lắm.
“Khó khăn, vất vả cũng nhiều, nhưng có con rồi mình càng phải làm nhiều hơn. Từ miền núi phía Tây Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, thậm chí vào tận miền Nam tui cũng đi để bán tăm với mong muốn các con đỡ khổ…”, ông Sơn nói. Số tiền ít ỏi tích góp được từ việc bán tăm ông gửi về cho bà nuôi hai đứa con. Hai đứa trẻ lớn dần, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đều ngoan ngoãn, học giỏi khiến ai cũng mừng, nhất là hai ông bà. 
“Hồi đó tôi mới về nhận công tác tại Trung tâm đã thấy hai đứa trẻ con với hai vợ chồng tật nguyền sống trong Trung tâm. Nghĩ mà thương, bốn con người nhưng chỉ có hai suất cơm đạm bạc chia sẻ nhau, thương nhưng cũng không giúp được gì nhiều. Hồi đó, mỗi tháng một người chỉ được hỗ trợ 80 ngàn đồng tiền ăn chứ không nhiều nhặn gì, sau đó tôi đã vận động cơ quan, đoàn thể giúp đỡ hai vợ chồng để có thêm chế độ cho các cháu. Bà con, những người trong Trung tâm cũng thương nên giúp đỡ để hai ông bà đỡ vất vả hơn”, ông Nguyễn Xuân Phú – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An cho biết./.

Đọc thêm