Vinh danh Đức Tả quân Lê Văn Duyệt
Mới đây, ngày 16/9, nhân dịp lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt tại lăng Ông (thờ ông Lê Văn Duyệt), một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng đã được chính thức đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt.
Câu chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt mất tên đường đã được nêu ra từ nhiều năm nay. Trong lịch sử, Lê Văn Duyệt là võ tướng vào năm Gia Long nguyên niên (1802), hai lần là Tổng trấn thành Gia Định thời Gia Long (1812 - 1815) và Minh Mạng (1820 - 1832). Lê Văn Duyệt có công rất lớn trong khai phá, xây dựng và bảo vệ đất đai phương Nam, con người phương Nam.
Hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, Lê Văn Duyệt là một nhà quân sự giỏi, một vị quan thanh liêm. Ông có công khai hoang, lập ấp, làm cho một vùng rừng rậm, đầm lầy trở nên trù phú với một nền an ninh vững chắc. Tả quân cũng là người có công lớn trong việc đào kinh Vĩnh Tế tại Châu Đốc, An Giang...
Đền thờ của Đức Tả quân nằm ở góc đường Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng (cũ), là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, thường được người dân thăm viếng, hương khói và góp tiền sửa sang, tu bổ. Nơi đây cũng diễn ra một số lễ hội hàng năm.
Người dân phương Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn coi Tả quân Lê Văn Duyệt là một “thần đất” có công với vùng đất, che chở cho dân mình. Chính vì thế, từ nhiều năm nay đã có những ý kiến từ người dân cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học lịch sử TP về việc vinh danh Đức Tả quân trên tên đường.
Tuy nhiên, một vấn đề còn gây tranh cãi, đó là Tả quân Lê Văn Duyệt là tướng của vua Gia Long Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, người anh hùng dân tộc được sử sách vinh danh. Chính vì thế, để có thể đổi tên đường, UBND TP và các bộ, ngành liên quan đã có sự bàn thảo kĩ càng, đưa ra các chứng cứ lịch sử, khoa học về công lao của Đức Tả quân đối với vùng đất, cũng như sẵn sàng những ý kiến phản biện.
Việc lựa chọn đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) để đổi có hai lý do, thứ nhất, con đường gắn với đền thờ Lê Văn Duyệt, thứ hai là cũng trong quận Bình Thạnh đã có con đường mang tên Đinh Bộ Lĩnh…
Việc đổi tên đường được UBND quận Bình Thạnh lấy ý kiến các tổ chức chính trị, xã hội, chuyên gia, người dân và nhận được sự đồng thuận, sau đó được UBND TP nhất trí đổi tên. Được biết, tên đường đổi, nhưng các số nhà trên đoạn đường này vẫn được giữ nguyên để tránh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Để việc đổi tên đường được trọn vẹn
Việc đặt tên mới cho các con đường không chỉ dừng lại ở câu chuyện về Tả quân Lê Văn Duyệt. Trong đợt nghiên cứu, đề xuất thay tên lần này, TP đã đưa ra hàng loạt tên những danh nhân lịch sử khác sẽ được đặt tên đường như An Tư Công Chúa, Đặng Đình Tướng, Tinh Thiều, Bạch Đông Ôn, Lưu Đình Lê, Dương Thanh, Trần Văn Khê, Nguyễn Thị Xinh, Trần Hữu Nghiệp…
Có tất cả 44 nhân vật lịch sử dự định sẽ được đặt tên cho các con đường có tên cũ bằng chữ, số, đăt tạm trên các tuyến kênh, nằm ở địa bàn nhiều quận 2, 3, 7, 9, 12, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Trong số 44 tên đường mới, ngoài một số vị được biết đến khá nhiều như An Tư Công Chúa qua các truyện, tích lịch sử, GS Trần Văn Khê do các đóng góp về văn hóa, âm nhạc đối với đất nước và qua đời chưa lâu… còn khá nhiều vị mà tên tuổi còn khá xa lạ đối với người dân. Việc đổi tên đường cũng được UBND TP nghiên cứu sao cho thật khoa học, hợp lý.
Ví dụ như, đường Tả quân Lê Văn Duyệt đặt ngay tại khu vực lăng Ông (Lê Văn Duyệt), cạnh đường mang tên các quan nhà Nguyễn như Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Định có nét tương đồng về lịch sử, gắn với đất Gia Định. Điều này giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm tên đường và thông qua việc tìm tên đường cũng có thể tìm hiểu tư liệu lịch sử.
Hoặc như tuyến đường T11 của huyện Bình Chánh ban đầu đề xuất mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Dậu, được đổi thành tên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vì đoạn đường này đi qua khu Trung tâm Y tế kỹ thuật cao.
Vinh danh các nhân vật lịch sử bằng việc đặt lại tên đường, cùng với sự tham khảo ý kiến người dân, ý kiến các chuyên gia và sắp đặt một cách khoa học, hợp lý là việc làm rất đáng được hoan nghênh.
Tuy nhiên, điều một số người dân lo lắng là chuyện xáo trộn về đời sống, sinh hoạt khi nơi họ đang sống bỗng chốc bị thay đổi tên đường, hoặc có trường hợp đường bị đổi tên đi đổi tên lại nhiều lần.
Một kinh nghiệm trước đây là một số đường đổi tên như đường Nguyễn Văn Nguyễn, Tân Định, quận 1, trải qua 2 lần đổi tên, một đoạn đường Cách mạng tháng 8 thay thành Trường Chinh, số nhà lộn xộn khiến tìm kiếm khó khăn… Nếu TP có thể hạn chế được những rắc rối không đáng có như trên nữa, việc đổi tên đường sẽ rất trọn vẹn.
Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà: “Để phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất Gia Định xưa, đánh giá đúng công lao, tài năng của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Sài Gòn, Gia Định cũng như trong việc mở mang bờ cõi đất nước, đồng thời theo ý kiến của nhân dân quận Bình Thạnh mong muốn có một con đường mang tên Lê Văn Duyệt, tháng 10/2019, Quận ủy- UBND quận Bình Thạnh báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy- UBND TP chủ trương đề xuất đặt tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Đến tháng 3/2020, UBND quận phối hợp Sở VH&TT tổ chức lấy ý kiến của MTTQ và các tổ chức đoàn thể quận; lấy ý kiến của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân phường 1, phường 3 tại khu vực có tuyến đường dự kiến đổi tên là Lê Văn Duyệt. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể từ quận đến phường và nhân dân đều thống nhất chủ trương đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành đường Lê Văn Duyệt”.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười: “Tôi đánh giá cao sự lắng nghe ý kiến người dân, đặc biệt là những nhân sĩ trí thức, từ các cấp ngành và lãnh đạo TP. Nhờ vậy mà nhiều tên tuổi lớn của lịch sử, có công lớn với đất Sài Gòn - Gia Định xưa chuẩn bị được tôn vinh một cách rất xứng đáng. Đặc biệt tên đường ở TP, theo tôi không thể thiếu 3 vị danh tướng thời Nguyễn - Gia Định tam hùng là Võ Tánh, Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhơn”.