Được quyền nuôi con, mong bản án sớm được thi hành

(PLO) - Không được phía chồng cũ tạo điều kiện thăm nom, chăm sóc con chung sau khi ly hôn, chị Vũ Minh Trang (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã buộc phải khởi kiện để xin thay đổi người nuôi con. Cả hai cấp Tòa đều đã thừa nhận yêu cầu chính đáng của nguyên đơn. Thế nhưng phán quyết này liệu có sớm được tôn trọng, thực hiện?
Ra tòa lần 2 - chuyện bất đắc dĩ
Quan hệ hôn nhân giữa chị Trang và anh Hoàng Anh Tuấn chấm dứt từ ba năm trước. Theo bản án ly hôn của tòa thì con chung của anh chị là cháu M (SN 2007) được giao cho anh Tuấn trực tiếp nuôi dưỡng; chị Trang có nghĩa vụ cấp dưỡng và được quyền đi lại, thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung, không ai được ngăn cản. 
Tuy nhiên, theo chị Trang thì sau khi bản án có hiệu lực được một thời gian, chị đã bị phía chồng cũ ngăn cản, không cho thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án. 
Cực chẳng đã, chị Trang đã phải gửi đơn đề nghị TAND quận Đống Đa giải quyết. Theo nội dung hòa giải giữa hai bên thì cứ chiều thứ sáu, chị Trang được đón con sau giờ tan học và đưa cháu về với bố vào chiều thứ bảy.
Có thỏa thuận như vậy nhưng chị Trang cho hay: “Khi con nghỉ hè hay khi gia đình nhà bà ngoại có việc mà tôi muốn được đón con thì đều bị phản đối, cản trở. Tôi đã buộc phải nhờ sự can thiệp của đại diện tổ dân phố, của Mặt trận Tổ quốc, của Hội Liên hiệp Phụ nữ… để được giúp đỡ, hòa giải, giải thích cho anh Tuấn để tôi được thăm nom cháu nhưng đều không có kết quả. Thậm chí, gia đình anh Tuấn còn làm đơn tại cơ quan công an khẳng định không cho tôi thăm, đón cháu M. Rồi cả nhà trường nơi cháu M học cũng thiếu thiện chí, không cho tôi đón con vào cuối tuần mặc dù biết tôi là mẹ cháu hoặc gọi công an phường yêu cầu tôi lên trụ sở để lập biên bản, làm tôi rất hoang mang”.
Bất lực trước sự ngăn cản trên, chị Trang phải nhờ Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình lập vi bằng, thể hiện, từ 17h15 đến 17h30 ngày 24/10/2014, chị Trang đến cổng bên hông nhà số 10 phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa bấm chuông, đứng chờ nhưng không có ai mở cổng. 
Với chứng cứ này, chị Trang đã gửi đơn đến TAND quận Đống Đa xin được thay đổi người nuôi con sau ly hôn.
Thi hành bản án, liệu có trắc trở?
Tiến hành xác minh, xem xét các chứng cứ cũng như trực tiếp hỏi cháu M, HĐXX TAND quận Đống Đa đã chấp nhận yều cầu của nguyên đơn, giao chị Trang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu M.
Không chấp nhận phán quyết này, phía anh Tuấn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, một lần nữa chị Trang đã trình bày về việc mình bị cản trở, ngăn cấm thực hiện quyền của một người mẹ theo bản án ly hôn trước đây. Tuy tòa đã tổ chức hòa giải nhưng sau một thời gian, phía gia đình anh Tuấn lại tái diễn việc ngăn cản.  Trong khi đó, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Hơn nữa, hiện chị còn có điều kiện chăm sóc cháu M tốt hơn anh Tuấn vì chị có nghiệp vụ sư phạm, có chỗ ở, có thu nhập ổn định… Bản án sơ thẩm cũng đã nói rõ, anh Tuấn đã có vợ mới, có con riêng,  và do phải làm ca, thời gian không ổn định nên anh Tuấn phải thường xuyên nhờ người đón cháu M.
Đồng tình với trình bày của nguyên đơn, TAND TP Hà Nội đã y án sơ thẩm, cho chị Trang được trực tiếp nuôi dưỡng cháu M.
Tuy bản án đã có hiệu lực nhưng sau phiên tòa, chị Trang băn khoăn, với diễn biến của vụ việc thì khả năng anh Tuấn tự nguyện thi hành án, giao cháu M cho chị là rất ít. Vì vậy, chị sẽ có đơn đề nghị thi hành bản án để sớm được chăm sóc con.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi) cho hay, theo Điều 120 Luật Thi hành án (THA) dân sự thì Chấp hành viên (CHV) ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, CHV phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện THA. Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì CHV ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì CHV tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.