Thương vụ gây xôn xao
Hôm 25/4 vừa qua, Twitter phát đi thông cáo báo chí cho biết, Hội đồng quản trị của công ty đã chấp thuận đề nghị mua lại mạng xã hội này từ ông chủ Công ty ô tô điện Tesla là Elon Musk. Theo thông báo, giá trị vụ chuyển nhượng là 44 tỷ USD. Ông Bret Taylor, Chủ tịch Hội đồng Quản trị độc lập của Twitter khẳng định, quyết định bán Twitter cho ông Musk được đưa ra sau một quy trình đánh giá chu đáo và toàn diện. “Chúng tôi tin rằng đó là con đường tốt nhất cho các cổ đông của Twitter”, ông Taylor nói.
Twitter là nền tảng truyền thông xã hội có ảnh hưởng lớn vì được nhiều chính trị gia, nhà báo sử dụng. Tỷ phú Musk đã tham gia Twitter vào năm 2009 và tài khoản @elonmusk của ông đã trở thành một trong những tài khoản phổ biến nhất trên mạng xã hội này, với hơn 85 triệu người theo dõi tính đến năm 2022.
Trong tuyên bố được đưa ra gần đây, Musk cho biết ông hy vọng sẽ làm cho Twitter “trở nên tốt hơn bao giờ hết” bằng cách nâng cao các sản phẩm, đưa ra các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, đảm bảo xác thực về danh tính người sử dụng... Thương vụ này có thể hoàn tất trong năm nay. Sau đó, Twitter sẽ trở thành một công ty tư nhân.
Trước đó, các thông tin khẳng định, Twitter không muốn bán cho ông Musk. Tuy nhiên, công ty đã thay đổi ý định sau cuộc gặp thương thảo giữa 2 bên diễn ra hôm 24/4. Với thương vụ này, Twitter sẽ gia nhập danh sách ngày càng dài các công ty gắn liền với tỷ phú người Mỹ. Trong 5 thập kỷ qua, Musk đã trở thành CEO của một loạt các công ty đình đám như Tesla và SpaceX; là người sáng lập The Boring, đồng thời là đồng sáng lập của các công ty OpenAI và Neuralink.
|
Tỷ phú Elon Musk. |
Hành trình khởi nghiệp
Elon Musk là một doanh nhân người Mỹ gốc Phi. Ông sinh năm 1971 tại Pretoria, Nam Phi. Năm Musk lên 9 tuổi, cha mẹ ông ly hôn. Musk và em trai quyết định chuyển đến sống với cha. Vì cuộc ly hôn của cha mẹ, Musk đã trải qua tuổi thơ khá khó khăn do quan hệ giữa ông và cha không hề suôn sẻ. Thời học sinh, ông thường bị bắt nạt ở trường, có lần phải nhập viện do bị các bạn học đẩy xuống cầu thang và đánh. Musk còn được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger - một dạng của bệnh tự kỷ.
Tuy nhiên, không vì vậy mà tài năng của Musk không sớm bộc lộ. Lúc còn nhỏ, cùng với em trai, ông đã đi từng nhà để bán trứng Phục sinh chocolate lấy lời. Năm 1983, ở tuổi 12, ông đã bán được trò chơi máy tính đầu tiên tự viết có tên “Blastar” với giá 500 USD, một số tiền không nhỏ vào lúc bấy giờ.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Musk chuyển sang Canada sống với mẹ. Tại đây, ông đã dành 2 năm theo học tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario trước khi thay đổi ý định, chuyển sang Mỹ để theo học ngành kinh tế và vật lý tại trường Đại học Pennsylvania lừng danh. “Máu” kinh doanh của Musk thể hiện rõ khi ông cùng một người bạn đứng ra thuê một ngôi nhà 10 phòng ngủ và biến nó thành một hộp đêm để kiếm tiền. Năm 24 tuổi, Musk đăng ký học tiến sĩ ngành vật lý tại Đại học Stanford ở California nhưng đã bỏ học chỉ sau 2 ngày vì nhận thấy tiềm năng thay đổi xã hội ở môi trường internet vốn bắt đầu phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ.
Đầu những năm 1990, Musk đã cùng em trai của mình thành lập một công ty khởi nghiệp có tên Zip2. Trong quá trình khởi nghiệp, Musk đã gần như sống hoàn toàn tại văn phòng và tắm ở nhà tắm công cộng để tiết kiệm thời gian. Nỗ lực của ông đã được đền đáp khi Công ty Compaq đã mua Zip2 với giá 341 triệu USD, đem về cho Musk số tiền lên tới 22 triệu USD.
Tiếp theo, năm 1999, Musk sử dụng 10 triệu USD trong số tiền mà ông có được từ việc bán Zip2 để thành lập X.com, một công ty thanh toán trực tuyến. Khoảng 1 năm sau, X.com hợp nhất với một công ty khởi nghiệp tài chính khác là Confinity, để tạo thành PayPal. Công ty đã được bán cho eBay vào năm 2002 với giá lên tới 1,5 tỷ USD. Do những mâu thuẫn trong việc điều hành trước đó, Musk đã bị Hội đồng quản trị PayPal sa thải trước khi thương vụ với eBay hoàn tất. Song, với tư cách là cổ đông lớn nhất của công ty, ông vẫn “đút túi” 165 triệu USD.
Những thương vụ đột phá
Ngay cả trước khi bán PayPal, Musk đã bắt đầu tính toán về bước đi tiếp theo để hiện thực hóa ước mơ của mình, chính là vươn tầm khỏi Trái đất và chinh phục sao Hỏa. Musk từ lâu đã tin rằng để sự sống tồn tại, loài người cần sống ở nhiều hành tinh. Ông cũng không hài lòng với chi phí cho việc phóng tên lửa được cho là quá cao. Do đó, vào đầu năm 2002, ông quyết định thành lập công ty được gọi là Space Exploration Technologies, hay còn được gọi SpaceX, với số vốn 100 triệu USD nhận được từ việc bán PayPal. Mục tiêu của Musk là chế tạo tên lửa giá cả phải chăng hơn.
Chỉ 4 năm sau khi thành lập, năm 2006, tên lửa đầu tiên của công ty là Falcon 1 đã được phóng lần đầu. Và 4 năm sau đó, SpaceX tiếp tục phóng lần đầu tên lửa Falcon 9 có kích thước lớn hơn. Cả 2 tên lửa này đều được thiết kế để có giá thành rẻ hơn nhiều so với các tên lửa khác. Tên lửa thứ ba của công ty là Falcon Heavy được phóng lần đầu vào năm 2018, có thể mang được khối lượng hàng hóa lên tới 53 tấn lên quỹ đạo, gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh là Delta IV Heavy của Công ty Boeing trong khi chi phí sản xuất lại chỉ bằng 1/3 đối thủ. Tính đến cuối năm 2015, SpaceX đã tiến hành 24 lần phóng thực hiện các nhiệm vụ như tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, lập rất nhiều kỷ lục trong suốt các chặng đường này.
SpaceX cũng đã phát triển tàu vũ trụ Dragon, mang theo nguồn cung cấp cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tàu Dragon có thể chở 7 phi hành gia và đã có một chuyến bay chở các phi hành gia Doug Hurley và Robert Behnken lên ISS vào năm 2020. Đây chính là lời đáp trả rõ ràng nhất của Musk với những người hoài nghi, nói rằng SpaceX sẽ không bao giờ có thể đưa các phương tiện vào không gian. Ngoài vai trò là giám đốc điều hành của SpaceX, Musk cũng là nhà thiết kế chính trong việc chế tạo các tên lửa Falcon, Dragon và Starship của công ty.
Musk khẳng định, mục tiêu dài hạn của SpaceX là làm cho việc “đi lại” giữa Trái đất và sao Hỏa có giá cả phải chăng. Ông khẳng định công ty sẽ không nộp đơn đăng ký chào bán lần đầu ra công chúng cho đến khi tàu Dragon có thể bay thường xuyên giữa 2 nơi.
Ngoài SpaceX, năm 2004, Musk đầu tư vào một công ty ô tô điện có tên Tesla. Ông giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị công ty từ năm 2004 cho đến khi trở thành Giám đốc điều hành vào năm 2008. Năm 2006, Tesla đã giới thiệu chiếc xe đầu tiên có tên Roadster, có thể đi được quãng đường lên tới 394 km chỉ với một lần sạc. Năm 2012, Tesla tiếp tục giới thiệu mẫu sedan Model S và giành được nhiều lời khen ngợi hơn nữa cho mẫu SUV hạng sang Model X được tung ra thị trường vào năm 2015. Mẫu xe Model 3 có giá thành rẻ hơn được đưa vào sản xuất vào năm 2017 và trở thành chiếc xe điện bán chạy nhất mọi thời đại. Telsa thành công trong lĩnh vực xe điện đến mức nhiều người nói rằng, nói đến xe điện là nghĩ tới Telsa.
Năm 2008, vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Musk đón nhận 2 tin vui là SpaceX đã ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với NASA để phục vụ các chuyến bay tiếp tế và Tesla cuối cùng đã tìm được nhiều nhà đầu tư bên ngoài hơn. Mới đây nhất, năm 2021, NASA cũng đã trao cho SpaceX hợp đồng trị giá 2,89 tỉ USD để phát triển tàu vũ trụ đưa các phi hành gia lên mặt trăng sớm nhất là năm 2024.
Ngoài ra, Musk còn thành lập công ty năng lượng mặt trời SolarCity để phát triển ý tưởng khai thác các nguồn năng lượng mới. Musk cũng không ngừng nghĩ ra những ý tưởng mới, như Hyperloop - Là tàu siêu tốc di chuyển trong ống chân không, về mặt lý thuyết, con tàu này có thể vận chuyển hành khách từ Los Angeles đến San Francisco trong 30 phút.
Musk hiện là người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng có thể lên tới 250 tỷ USD. Forbes hồi tháng 4 ước tính rằng số tài sản của Elon Musk lên đến 219 tỷ USD - nhiều hơn 48 tỷ USD so với ông Jeff Bezos, người đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tỉ phú của tạp chí này. Năm 2021, ông này cũng được tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của năm”.
Sự nghiệp được nhiều người xem là phi thường của Musk đã khiến ông trở thành nguồn cảm hứng để xây dựng nhân vật Người sắt trong bộ phim cùng tên. Musk thậm chí còn có một vai khách mời trong “Người sắt 2”.