Bố tâm thần, mẹ bỏ đi…
Năm 2000, bé Quỳnh chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình. Nhưng càng lớn, cậu bé càng có những biểu hiện không bình thường do di chứng chất độc da cam từ ông nội và bố. Hai năm sau đó, người mẹ dứt áo ra đi, bỏ lại đứa con bệnh tật và người chồng điên dại.
12 năm trôi qua, người mẹ ấy không một lần hỏi han, không đoái hoài đến con cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống hai bố con phụ thuộc hoàn toàn vào bà nội Phạm Thị Cậy, tuổi đã gần 70, trong khi gia cảnh bà Cậy không khá hơn là mấy.
Chồng bà Cậy là thương binh và bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường Khe Sanh – Quảng Trị. Có thể do vết thương ở đầu, tâm trí ông không ổn định, trong một lần được đưa ra an dưỡng ở Thanh Hóa, ông đã bỏ về quê. Từ đó, ông bị khép vào tội đảo ngũ, không được hưởng khoản trợ cấp nào. Ít lâu sau, ông se duyên với bà Cậy và sinh được 4 người con. Người con gái lớn chết khi vừa lọt lòng, người con thứ hai là anh Dư Văn Quý (43 tuổi, bố của bé Quỳnh) may mắn sống sót nhưng lại bị bệnh tâm thần. Hai người con út, một trai, một gái không bị nhiễm chất độc song cũng không được khôn ngoan.
Chồng bà Cậy thường xuyên có những biểu hiện điên loạn, hay đánh đập vợ con. Có lần bà Cậy bị đánh vỡ đầu phải đi viện cấp cứu. Một mình gồng gánh nuôi cả gia đình, nhiều lúc bà muốn buông xuôi… “Nhiều lần tôi đã sắp quần áo định bỏ đi nhưng nhìn các con nheo nhóc, nhất là thằng Quý thường xuyên ốm yếu, điên dại, tôi lại không đành lòng. Bố nó lúc khỏe mạnh thì đánh đập cả 4 mẹ con, còn lúc cuối đời, ông ấy nằm liệt giường gần chục năm thì một mình tôi vừa làm cả mẫu ruộng, vừa chăm chồng, chăm con và cháu nhỏ. Mà tất cả có được bình thường đâu. Có lúc quẫn trí tôi chỉ muốn chết đi, chứ sống thế này khổ quá” - bà Cậy nói trong nghẹn ngào.
Anh Quý tuy tâm thần bất ổn nhưng chịu khó, ai sai gì làm nấy chứ không quậy phá. Năm 1999, bà lấy vợ cho anh là chị Lê Thị Liền – một người quá lứa nhỡ thì, hơn anh cả chục tuổi ở xã bên với hy vọng có người chăm sóc anh lúc bà khuất bóng. Nhưng rồi, người đàn bà ấy đã bỏ cả con, cả chồng ra đi không một lời từ biệt…
14 tuổi, 7 lần chết hụt
Mẹ bỏ đi, bố bị tâm thần, bà nội mải làm kiếm tiền nuôi con, cháu nên không có người chăm sóc Quỳnh. Cậu bé tâm trí cũng không bình thường, lại bị câm thường xuyên lang thang chơi một mình. Chính vì thế mà Quỳnh 7 lần chết hụt khi mới 14 tuổi.
Bà Cậy xót xa: “Ông nội thằng Quỳnh mất năm 2008, cô chú thì có gia đình riêng lại con nhỏ, tôi mải đồng áng kiếm tiền nuôi bố con nó. Không có người chăm sóc, nó lang thang chơi một mình. Ba lần bị ngã ao uống no nước, may mà có người nhìn thấy vớt lên, 3 lần qua đường bị ô tô đụng cũng tưởng chết. Đến tháng 10 năm 2010, nó lang thang ra trạm điện cao áp, chả biết thế nào mà chui vào bên trong trạm nghịch ngợm, bị phóng điện cháy như đuốc. Đợt đó, phải nằm Viện Bỏng gần một năm trời, trải qua không biết bao nhiêu ca phẫu thuật. Năm vừa rồi, da dưới cánh tay bị rách, hoại tử, bác sĩ bảo do cơ thể phát triển nên da căng quá, lại phải lên phẫu thuật, lột da ở chân, đùi để đắp lên lưng, bụng và dưới cánh tay”.
Quỳnh thường bị đám thanh niên trong làng trêu ghẹo, bắt nạt. Lần thì cậu bé bị dìm xuống ao nước, lần bị dìm vào vũng bùn lầy ở sân bóng, người bẩn bê bết, ướt nhẹp đúng đợt rét căm căm. Nhiều lần Quỳnh lang thang không nhớ đường về, giữa trưa nắng hoặc đêm hôm lạnh cóng, bà Cậy và chú út phải đạp xe đi tìm. Có lần giận quá, bà Cậy xích lại nhưng Quỳnh gào thét, thương cháu, bà đành thả ra.
Con trai như vậy, còn anh Quý dù không lên cơn đập phá nhà cửa song hay quên, đầu óc u mê, không biết tính toán... “Lúc trước nó còn khỏe mạnh, được thuê chẻ củi, bốc vác. Người tốt thì cho vài chục nghìn, người xấu bụng thì không trả được đồng nào. Nó ngây ngô có biết gì đâu, đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu rồi lại cầm về đưa cho mẹ. Trong người đã bao bệnh tật, năm 2009 nó lại bị viêm tắc ruột phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, từ đó sức khỏe yếu hẳn. Tôi không dám cho nó làm việc nặng nhọc nữa, chỉ sai nấu cơm, quét nhà thôi, song phải nhắc nhiều lần nó mới nhớ” - bà Cậy chia sẻ.
Ở tuổi 68 nhưng bà Cậy trông như người đã ở tuổi 80, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc phơ. Dù căn bệnh gai đôi cột sống giày vò nhiều năm nay nhưng bà vẫn cố sức cấy 3 sào lúa, 1 sào màu kiếm thêm đồng rau cháo, thuốc thang cho bố con Quỳnh. Đứa con trai hơn 40 tuổi ngờ nghệch, nhờ nấu cho nồi cơm mà dặn đi dặn lại vẫn quên. Đứa cháu bệnh tật không những không giúp được gì mà đi chơi phải trông, ăn phải đút bởi 2 tay khòng khoèo, các ngón dính vào nhau run rẩy…
Năm 2013, nhờ một người cháu họ của bà Cậy hoàn thiện các thủ tục, anh Quý được hưởng trợ cấp 700 ngàn đồng/tháng đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cháu Quỳnh được hưởng trợ cấp khuyết tật 600 ngàn đồng/tháng.
Tuy nhiên, số tiền trợ cấp đó tằn tiện lắm cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày, chưa kể đến thuốc thang và số nợ chất chồng từ lúc anh Quý và bé Quỳnh nhập viện điều trị từ năm 2009 đến nay chưa trả hết.
“Nhiều đêm trằn trọc, tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, không biết tương lai hai bố con nó rồi sẽ ra sao…”, - bà Cậy nghẹn ngào