“Sau Thu đông năm 1950, nhiều chiến dịch lớn như Trần Hưng Đạo, Trung Du và Chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951 thì tôi nhập ngũ và hành quân ra mặt trận”, ông Tân nhớ lại thời gian nhập ngũ khi vừa tròn 21 tuổi. Ông hạnh phúc được phân về Đại đoàn 308 – “Đại đoàn Quân tiên phong” của tướng Vương Thừa Vũ ngay từ khi nhập ngũ. Ông cùng các đơn vị trong Đại đoàn 308 liên tiếp tham gia các chiến dịch Đường số 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám), chiến dịch Hà Nam Ninh (chiến dịch Quang Trung), chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Thượng Lào.
Mùa hè năm 1953, Trần Minh Tân cùng đơn vị thuộc Đại đoàn 308 trở về Thái Nguyên. Bước vào chiến cuộc đông-xuân 1953 - 1954, đơn vị ông được Đại đoàn 308 giao nhiệm vụ phối hợp với quân đội Pe-thét Lào mở cuộc tiến công chiến lược vào phòng tuyến sông Nậm Hu của địch ở Thượng Lào.
Hơn một tháng hành quân chiến đấu liên tục trên chiến trường nước bạn, đơn vị ông phối hợp cùng bạn tiêu diệt nhiều tiểu đoàn quân địch, bắt sống hàng trăm tù binh, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Phòng tuyến sông Nậm Hu của địch bị phá vỡ. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập hoàn toàn.
Ngày 18/2/1954, Đại đoàn 308 được lệnh quay về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo hồi ức của ông Tân, đơn vị ông và các trung đoàn khác của Đại đoàn 308 mở đầu là đánh trận tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập, bức hàng địch ở đồi Bản Kéo góp phần đập tan tấm lá chắn phía bắc. Tiếp đó, với trận chiến đấu quyết liệt trên đồi A1 lịch sử, Đại đoàn tham gia cùng các đơn vị bạn phá vỡ khu phòng ngự phía đông của tập đoàn cứ điểm địch, vừa đánh vừa phản kích, phụ trách cánh quân phía tây.
“Để đánh các trận lớn, anh em ngày đêm đào công sự, lên rừng chặt cây, gia cố chiến hào. Thời tiết đầu năm hay mưa, bùn, đất ngập đến đầu gối. Nhưng bộ đội ta vượt lên khó khăn. Cứ thế giao thông hào tỏa rộng ra len lỏi ra cả cánh đồng Mường Thanh, chia cắt địch nhằm thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”, ông Tân nhớ lại.
Theo ông Tân, trong đợt hai của chiến dịch, Đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt hai vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay. Sáng kiến của “vây, lấn, tấn, diệt” của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận cùng học tập và vận dụng.
“Đại đoàn 308 với kinh nghiệm “đánh lấn” đã bí mật cắt hàng rào từ mấy hôm trước, đưa hỏa lực vào gần. Khi pháo bắn xong, lập tức xung phong tiêu diệt cứ điểm 311 trong lúc địch đang thay quân. Đêm 3/5 chúng tôi lại tiêu diệt và chiếm lĩnh vị trí 311B”, cựu binh Trần Minh Tân giọng xúc động.
Những ngày cuối cùng của chiến dịch, Đại đoàn 308 sau khi chốt giữ phía Tây Mường Thanh, cùng với các cánh quân của ta từ mọi hướng tiến thẳng vào Sở Chỉ huy địch. “Hồi đó, chúng tôi được cấp trên giao đánh phía Tây mở đường qua sân bay, tiêu diệt các cứ điểm: 311A, 311B ở phía Tây. Khi nắm được dấu hiệu chuẩn bị rút lui của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho Đại đoàn 308 kiểm soát chặt chẽ các con đường đi sang hướng tây. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra giữa ta và địch”, ông Tân nhớ lại.
Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5, toàn bộ địch quân đầu hàng, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của ta bay trên nóc hầm Đờ Cát, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.
Nhờ những chiến công lập được, đúng Ngày sinh nhật Bác (19/5/1954) chiến sỹ Trần Minh Tân được kết nạp vào Đảng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở mặt trận Điện Biên Phủ, ông Tân cùng đơn vị hành quân về Thái Nguyên và Bắc Giang để phát triển thắng lợi, sau đó về giải phóng Thủ đô.
Cuộc đời binh nghiệp của ông còn được cùng Đại đoàn tham gia nhiều trận đánh quan trọng thời chống Mỹ như chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Hè 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Xuân Hè 1971, chiến dịch Trị Thiên năm 1972, giành những thắng lợi quan trọng vào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: “Với tôi, quá khứ là một gia tài để lại cho con cháu”, người cựu binh tự hào.