Chị Quế (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “ Đến đây tôi mua được nhiều cuốn sách quý như “Tuổi mười bảy” mà ngày trước tôi nịnh mãi bạn bè mới cho mượn, hay cuốn “Người tìm thấy mặt” đã từng làm tôi hồi hộp năm cấp II, cuốn “Thầy lang” kinh điển… Tôi quá vui mừng khi mua được tới 17 cuốn sách mà tôi yêu thích thời trẻ. Nó đã làm mới tinh thần tôi”.
Với những bạn trẻ, họ lại say mê bởi những cuốn sách mới lạ.
Bạn Thời, sinh viên Trường Đại học Văn hóa vui vẻ nói: “Đến với Chợ phiên sách cũ, tôi bắt gặp rất nhiều cuốn sách lạ, hấp dẫn tôi. Lạ bởi nội dung, lạ bởi cách dịch của sách, truyện cũ so với những cuốn tái bản ngày nay. Nó cũng làm sống dậy trong tôi về tuổi thơ đã qua khi tôi bắt gặp lại những tập truyện tranh tôi hay đọc hồi bé”.
Đến với Chợ phiên sách cũ, người mua sách không chỉ tìm được cho mình những cuốn sách hay cần tìm đọc mà còn thấy những nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt hiện diện nơi đây. Theo Ban Tổ chức, Chợ phiên sách cũ thành một điểm hẹn văn hóa chứ không chỉ là chợ sách bình thường.
Tại Chợ phiên sách cũ lần III, diễn ra vào ngày mùng 5 – 6/3 vừa qua, ca nương – Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai đã biểu diễn ca trù để phục vụ đông đảo độc giả đến tham quan, mua sách.
Ngoài ra, độc giả còn được khai chữ đầu năm tại gian hàng “Mực tàu giấy đỏ” cùng ông đồ - nghệ nhân Ngẫu Thư. Lắng nghe chia sẻ về những câu chuyện thú vị về nghệ thuật thư pháp, ý nghĩa và nét văn hóa của truyền thống viết chữ đầu năm.
Lối bày biện của các sạp nước và hình thức hát ca trù, xin chữ trên hè phố chứ không phải trên sân khấu. Nó đã tạo không gian rất đời thường và bám sát truyền thống.
Hà Nội những ngày đầu xuân, Chợ phiên sách cũ cho người ta một sự cảm nhận để từ đó tô đậm thêm cho văn hóa đọc và góp phần gìn giữ những nét văn hóa Việt.