Người đàn bà gánh trên vai 3 người đàn ông tật nguyền, điên dại

(PLO) - Bố mẹ mất, người em trai duy nhất khỏe mạnh thì cũng ra đi sau một tai nạn giao thông, tất cả những bất hạnh ấy chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 5 năm. Trong căn nhà nhỏ bé này, còn 3 người tật nguyền và điên dại dựa vào một phụ nữ.
Chị Làn và những người anh em tật nguyền.
Chị Làn và những người anh em tật nguyền.
3 mảnh đời, 1 số phận
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Làn (xóm Cuối, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), nghe chị kể chuyện gia đình mà ngỡ như đang được nghe một cuốn tiểu thuyết buồn.
Gia đình chị Làn có 8 anh chị em, chị là thứ 4. Có mấy chị thì lấy chồng tận Lào Cai, kinh tế khó khăn xếp vào diện hộ nghèo của huyện Bát Xát, cả năm không dám nghĩ đến việc về quê, gắng gượng lắm mới tập trung được một lần vào ngày giỗ bố. Thương anh, thương em nên chị Làn không lập gia đình mà ở nhà thay cha mẹ chăm sóc người anh và hai người em bất hạnh. 
Tai ương liên tiếp ập xuống gia đình chị. Năm 2007, bố chị qua đời trong sự cơ cực của cuộc sống. Đến năm 2010, mẹ chị cũng ra đi và chưa đầy một năm sau, người em trai duy nhất khỏe mạnh trong gia đình là anh Nguyễn Văn Giáp cũng mất sau một vụ tai nạn giao thông. Anh Giáp còn 3 người con nhỏ, đứa lớn nhất năm nay mới 15 tuổi. 
Chỉ tay về phía người đàn ông đang ngồi thẫn thờ trước cửa, chị Làn bảo: “Đó là anh Nguyễn Văn Kiền, sinh năm 1960, tôi nghe bố mẹ kể lại rằng năm anh ấy lên 3 tuổi bỗng dưng bị sốt cao rồi thành ra như vậy. Trước đây, anh Kiền có thể tự xúc ăn được, nhưng do tuổi ngày một cao, chân tay run rẩy nên giờ phải có người cho ăn chứ không thì vương vãi hết”. 
Tuy chúng tôi ngồi nói chuyện trên nhà thờ họ cách đó cả chục mét nhưng vẫn nghe rất rõ tiếng ú ớ của 2 người em chị Làn. Đó là cặp song sinh Nguyễn Văn Thuyết và Nguyễn Văn Duyệt sinh năm 1968. Khi sinh ra, hai anh em Thuyết và Duyệt đều khỏe mạnh bình thường, nhưng đến năm lên 2 tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi, chân tay teo tóp dần. Gia đình lúc nào cũng rơi vào cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc bởi bao nhiêu tiền của đã được bố mẹ chị Làn chạy chữa hết cho mấy người con. Lực bất tòng tâm, bố mẹ chị ra đi trong sự tuyệt vọng…
Chồng chất khó khăn
Trong căn nhà cấp 4 được chính quyền xã xây dựng theo chủ trương xóa nhà tạm từ năm 2010 không chỉ có anh em chị Làn mà còn có vợ con anh Giáp sinh sống. Căn nhà nhỏ bé không có nổi một cái giường. Giữa nhà chỉ có manh chiếu và một ít chăn màn, nhưng tất cả cũng là do mọi người thương tình mang đến cho. Hàng ngày vợ anh Giáp đi làm thuê cho một xưởng gỗ nhỏ cách nhà 12km và tranh thủ cấy thêm mấy sào ruộng. Tuy nhiên, công việc không đều đặn, thu nhập bấp bênh, một nách phải lo cho 3 đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học khiến gia đình nhỏ bé ấy gặp rất nhiều khó khăn. 
Ba anh em Kiền, Thuyết, Duyệt, kẻ thì gào khóc, người cười sặc sụa nằm giãy giụa giữa nhà. Mọi ăn uống, sinh hoạt của họ đều phụ thuộc vào bàn tay chị Làn. Đến bữa, chị rất vất vả vì cùng lúc… nịnh cho 3 người ăn. Nhiều khi chị phải nhờ đến mấy đứa cháu con anh Giáp cho ăn giúp. Nhưng việc cho một người thần kinh ăn uống không phải là chuyện đơn giản. Có lúc họ không chịu há miệng, lúc lại khua chân, múa tay hất đổ bát làm cơm, canh rơi vãi tứ tung dính lên đầy mặt mũi. Khi thì bị sặc và nghẹn khiến chị Làn nhiều phen sợ hãi. 
Chị Làn nói trong nước mắt: “Không hiểu tại sao gia đình tôi lại phải chịu nhiều bất hạnh đến như vậy?!”. Bao năm nay, chị Làn sống trong cảnh ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi có lần sểnh ra, anh Kiền đi lang thang khắp làng suốt đêm không chịu về, chị chỉ còn biết lẽo đẽo theo sau để trông chừng. Có lần anh lên cơn cầm roi đuổi đánh chị. Mỗi khi trái gió trở trời, ba anh em lại kêu gào, la hét mấy tiếng đồng hồ không nghỉ. Tuy vất vả, mệt nhọc là vậy nhưng chưa một lần chị Làn dám nghĩ đến việc buông xuôi. Thậm chí chị luôn mong ước mình được mạnh khỏe để chăm sóc những người anh, người em đáng thương của mình.
Hiện anh em Kiền, Thuyết, Duyệt mỗi người được 360.000 đồng/tháng tiền hỗ trợ cho người tàn tật. Chị Làn cũng được trợ cấp 360 nghìn đồng/tháng công chăm nuôi. Tuy nhiên, số tiền này nhiều khi không đủ để chi phí thuốc men cho mấy anh em họ. Không có phương tiện đi lại, những lúc nhà có anh hay em ốm, chị Làn phải ngược xuôi nhờ người đưa họ đi khám chữa.
Ông Nguyễn Đình Tự, trưởng thôn Quả Lại cho biết: “Kể từ khi ông bà và cậu em trai cô Làn mất đi, hoàn cảnh gia đình càng trở nên khó khăn hơn. Thôn, xã tuy có tạo điều kiện giúp đỡ nhưng cũng chỉ được phần nào. Rất mong qua chuyên mục Chuyện đời tôi của Báo Pháp luật Việt Nam, những nhà hảo tâm sẽ quan tâm, san sẻ khó khăn cùng gia đình họ”. 

Đọc thêm