Ở hội nghị cấp cao trực tuyến đầu tiên của EU kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona bùng phát và lây lan sang châu Âu, các vị lãnh đạo những quốc gia thành viên EU bàn thảo về phân chia sử dụng ngân sách 1.075 tỷ Euro cho mọi hoạt động của EU trong thời gian từ 2021 đến 2027 và 750 tỷ Euro nhằm giải cứu các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có thể nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bức thiết.
Nghị viện châu Âu phê phán và không hài lòng về kết quả của hội nghị cấp cao này của EU ở phương diện sự phân bổ nguồn tài chính khổng lồ nói trên, chưa có một hội nghị cấp cao nào của EU bàn thảo và quyết định về khối lượng tài chính lớn đến như thế. Sự phê phán nhằm vào việc phân bổ không cân đối và công bằng cho mọi phương diện và lĩnh vực cần được thúc đẩy phát triển và cho việc giải quyết mọi vấn đề đang cùng được đặt ra đối với EU.
Cái giá đầu tiên mà EU phải trả bởi kết quả của cuộc gặp cấp cao này là phản ứng không thuận từ phía Nghị viện châu Âu. Nhưng còn trên cả 3 phương diện khác nữa, EU cũng đã trả giá rất đắt. Thứ nhất là việc EU ở hội nghị cấp cao này đã chính thức tạo một tiền lệ mà hậu quả và hệ luỵ tai hại đến đâu phải rồi đây mới bộc lộ hết là EU trở thành con nợ.
Cụ thể ở đây là Ủy ban EU trong thực chất vay tín dụng ở ngoài thị trường tài chính. Điều này làm thay đổi cơ bản bản chất lâu nay của EU. Nhưng chỉ như thế thì EU mới có thể viện trợ tài chính không hoàn lại được cho các thành viên. Thứ hai là để đạt được thoả thuận về phân bổ các nguồn tiền này, EU phải chấp nhận tình trạng để cho những tập hợp lực lượng trong nội bộ quyết định chuyện dàn xếp lợi ích riêng trong thỏa thuận chung.
EU đứng trước thách thức lớn là hội nghị cấp cao này phải thành công vì chỉ thành công - tức là đạt được thoả thuận - thì mới có thể đảm bảo ngân sách cho thời kỳ tài khoá 7 năm tới và giải cứu kịp thời các thành viên. Tại hội nghị, bộ tứ Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển đã buộc EU phải giảm khối lượng tài chính dành cho viện trợ không hoàn lại từ 500 tỷ Euro xuống còn 390 tỷ Euro và phải có cơ chế cũng như chế tài để tiền viện trợ không hoàn lại được sử dụng đúng mục đích.
Còn Hungari và Ba Lan lại không để EU ràng buộc việc viện trợ tài chính không hoàn lại này vào những điều kiện về dân chủ và nhà nước pháp quyền mà họ kiên quyết chống đối. Nội bộ EU chưa khi nào bị phân hoá sâu sắc như hiện tại.
Thứ ba là EU thiếu vắng bóng dáng của thành viên có thể đảm trách vai trò lãnh đạo. Pháp và Đức không còn được các thành viên khác nể vì và các thành viên còn lại không ai đủ khả năng. Cho nên sự kiện này thành công hay thất bại cũng như có được ý nghĩa lịch sử hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào lợi ích của các thành viên khi nhìn nhận nó.