Già làng Cơ Tu hé lộ sức mạnh của bùa hộ mệnh nanh heo rừng

(PLVN) - Với đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam, heo rừng là loài động vật có sức mạnh và gần gũi với con người. Không những mang giá trị văn hóa, chiếc nanh heo còn là “bùa hộ mệnh” vô cùng quý giá mà người dân nào cũng muốn đeo trên người hay cất giữ trong nhà.
Già Hạnh với bộ trang sức có nanh heo rừng

Ký ức săn heo

Một ngày cuối năm 2018, chúng tôi vượt hàng trăm cây số đường đồi núi để đến thôn Công Dồn, xã Zuôich, huyện Nam Giang, Quảng Nam. 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà Gươl truyền thống, già làng Bh`ling Hạnh (89 tuổi) tự hào giới thiệu: “Mỗi khi có dịp đi trình diễn ở các lễ hội tôi đều đeo nanh heo rừng cùng với trang phục truyền thống của mình. Heo là loài động vật gần gũi, thân thuộc với người đồng bào, nên chiếc nanh heo rừng mang giá trị văn hóa và là "bùa hộ mệnh" đối với chúng tôi”. 

Cùng với lời giới thiệu, già Hạnh đưa cho chúng tôi xem cặp nanh heo rừng, một được kết với chuỗi hạt bằng đá đeo trên cổ, một kết vòng đeo trên trán. 

“Trong các lễ hội, đoàn nghệ sĩ biểu diễn của tôi gồm 30 thành viên là người Cơ tu nhưng duy nhất mình tôi đeo nanh heo rừng. Căn cứ trang sức này, mọi người nhận ra ngay chúng tôi là người Cơ tu, điều đó khiến tôi rất phấn khích. Ở các huyện khác như Đông Giang, Tây Giang các nghệ nhân người Cơ tu như tôi cũng đeo nanh heo rừng khi biểu diễn”, già Hạnh vui vẻ nói. 

Già Hạnh kể, trước đây, trong mỗi ngôi nhà Gươl đều phải có đầu và nanh heo rừng. “Ông bà quan niệm rằng, có đầu heo, nanh heo trong nhà là có linh hồn, có sự sống. Nó như một vật thiêng để mọi người gửi gắm niềm tin, hy vọng", già Hạnh giải thích. 

Từ quan niệm này, già trẻ, gái trai trong làng đều muốn đeo nanh heo rừng, đặc biệt là ngày Tết, để được may mắn, bình an, xua tan bệnh tật và giúp họ vượt qua những tai ương, khó khăn trong cuộc sống. Dần dần, phong trào đeo nanh heo rừng lan truyền khiến nhiều người Kinh cũng dùng chiếc nanh heo này làm trang sức cho mình. 

Để có chiếc nanh heo rừng đẹp mắt, người dân trong làng phải vào rừng săn heo. Nhiều người sáng kiến bắt heo rừng về nuôi thế nhưng những chiếc nanh của những chú heo này không làm họ vừa ý. Già Hạnh giải thích: “Nanh heo rừng nuôi không giống như nanh heo rừng thực thụ. Bao giờ heo nuôi cũng sẽ cong quá giới hạn, cong thành hình tròn nên chỉ dùng để bới tóc phía sau đầu mà thôi".

Là người đã nhiều lần vào rừng săn heo, già Alăng Ateo (89 tuổi, trú thôn Công Dồn) chia sẻ: “Có những chuyến đi mang về 2 đến 3 cặp nanh heo nhưng cũng có chuyến đi không bắt được con nào. Nơi rừng sâu, nước độc không dễ gì săn bắt được loài vốn khỏe, chạy nhanh như heo rừng”. 

Theo người dân bản địa, nanh heo rừng có giá trị là những chiếc nanh tự rụng hoặc găm vào thân cây. Thợ săn nào may mắn lắm mới bắt gặp được những chiếc nanh heo rừng này. 

“Nanh heo không dễ gì rụng, heo già quá thì nó mới chết mà thôi, riêng loại nanh găm vào thân cây thì lại càng hiếm. Một chiếc nanh heo rừng lớn nhất, dài khoảng 15 phân, rộng 5 phân có trọng lượng từ 4 đến 5 gam. Còn lại, nanh heo loại nhỏ đa số là nanh heo chưa đến tuổi”, già Hạnh chỉ rõ.

Chỉ còn trong ký ức

Giá trị của những chiếc nanh heo rừng truyền xa, nhiều người từ miền xuôi cũng đổ xô lên rừng lùng sục, tìm mua nanh heo rừng làm trang sức. Cũng từ đó, nanh heo rừng ngày một hiếm, những chuyến đi săn vì thế cũng thưa dần vì không có kết quả. 

Bộ trang sức có nanh heo rừng

Chẳng ai biết xuất hiện từ đâu, thông tin về sức mạnh kỳ diệu của những chiếc nanh heo tròn khiến giới dân chơi, đại gia, doanh nhân giàu cóthời gian gần đây xôn xao tìm kiếm. Nhiều người tin rằng, chúng có một uy lực tâm linh hết sức huyền bí, giúp chủ nhân tránh được tà ma, bệnh tật và gặp nhiều may mắn (?). 

Theo đó, những con lợn rừng sống lâu năm khi chết sẽ dồn hết sức lực, tinh túy của mình vào chiếc răng nanh. Và bằng một cách nào đó, sức mạnh này sẽ bảo vệ chủ nhân tránh khỏi mọi tai ương và đặc biệt “thiêng” trong chuyện trấn giữ của cải, làm ăn ngày càng phát tài.

Theo truyền tụng, nanh heo rừng rủ (hoặc rũ) có công năng mạnh mẽ nhất. Đó vốn là nanh của những con heo rừng thành tinh, sống lâu năm trong rừng sâu và đạt đến hạng thượng thừa về khả năng sinh tồn.

Người ta gán ghép cho nó rất nhiều quyền năng vô song như: Đạn bắn không trúng, tránh được tai họa, buôn may bán đắt, thuốc chữa bệnh nan y… Đây cũng là loại nanh ưa được chuộng nhất, bởi người ta nói rằng, nó đã được “yểm bùa”. 

Quay trở lại với ngôi làng Cơ Tu ở xã Zuôich, những người lớn tuổi đã từng đi săn giờ cũng đã nghỉ, chỉ nhớ về những chuyến đi săn như một kỷ niệm đẹp.

Và họ giữ những chiếc nanh heo rừng cẩn thận như báu vật, chỉ đeo nanh trong lúc trình diễn văn hóa nghệ thuật trước cộng đồng, công chúng. Dù coi đây là vật hộ mệnh thiêng liêng nhưng những già làng Cơ Tu cũng thừa nhận rằng, chúng có tính chất truyền thuyết nhiều hơn là sự thật.

Đọc thêm