|
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Cứ qua cữ cúng ông Táo là cha dọn bàn thờ. Biết ý, cha giao cho con lau rượu cho phật thủ để quả thơm và giữ được lâu. Chất cồn rượu ngấm vào lớp vỏ vàng óng của quả, một mùi thơm bốc lên thật thanh khiết. Rút kinh nghiệm lần bị ăn cốc, con chỉ thở nhẹ nhàng chứ không dám hít hà nữa.
Phật thủ có nhiều tay người ta ví như những ngón tay của Đức Phật. Cái tên của quả cũng từ ấy mà ra. Nhưng ngày ấy con nào biết. Vừa lau rượu phật thủ, con vừa ê a: “Cánh này to nhất là bố này, cánh này to nhì là mẹ, cánh kia em cu, cánh kia em gấu, cánh vàng nhất là mình”… Đang lau dọn, cha bật cười quay lại: “Cái con bé này liên tưởng đến hay”.
Con lấy chồng cũng vào sát Tết. Năm ấy, lau quả phật thủ cho bàn thờ gia đình nhỏ của mình, con thoắt nghĩ đến kỷ niệm ngày thơ bé: cánh này là cha, cánh kia là mẹ… Nước mắt nhớ nhà của một đứa con gái lần đầu ăn cái tết xa gia đình rồi cũng bị sự bận rộn lau khô.
Trở thành người phụ nữ của gia đình, con có biết bao nhiêu điều cần hỏi mẹ. Mỗi cuộc điện thoại đi về con chỉ đòi gặp mẹ mà chẳng để ý tiếng thở dài khe khẽ của cha. Rồi đến một ngày, đầu dây lặng ngắt giọng alô quen thuộc, cha đã đi xa về miền đất Phật…
Cuộc sống đã dạy cho con nhiều điều, kể cả việc biết chọn thế nào cho ra một quả phật thủ đẹp. Trong chẵn, ngoài lẻ - cái “công thức” để gọi sự xum xuê, may mắn đến. Nó thật khác xa với kiểu đếm của đứa bé ngày xưa: cánh này là cha, cánh kia là mẹ…
Tết lại đang cận kề ngoài phố. Đã thấy những gánh phật thủ vàng ươm trôi dọc phố phường. Những “tay” phật thủ xum xuê tứ phía như bàn tay của Đức Phật chìa ra mang đến niềm hy vọng cho mỗi chúng sinh. Và tất nhiên theo lẽ thường, thiên hạ lại đếm chẵn trong, lẻ ngoài… cầu mong một năm mới bình yên.
Cánh này là cha, cánh kia là mẹ, cánh này em cún, cánh kia là mình… Cha có nghe con đang đếm giấc mơ phật thủ của riêng mình, không cha?. Để gọi về những ngày tháng cũ. Để mơ về một chốn bình yên đã trôi vào xa lắm…