Giấc mơ từ trại phong của ông lão bất hạnh

(PLO) - Cùng mắc bệnh phong, hai người đến với nhau, sinh ra một đứa con trai mắc bệnh về tai bẩm sinh. Người con duyên số lận đận, lấy phải người vợ “tham vàng bỏ ngãi”, bỏ chồng khi sinh hạ được hai đứa con. Buồn vì bị vợ “cắm sừng”, anh chồng cũng bỏ đi biệt tăm. Ông bà lão bệnh tật vẫn gánh trách nhiệm nuôi hai cháu ăn học.
 Ông bà cho hay ước mơ hai cháu không bị dang dở học hành là tâm nguyện lớn nhất đời mình
Ông bà cho hay ước mơ hai cháu không bị dang dở học hành là tâm nguyện lớn nhất đời mình
Phía sau những mảnh đời bất hạnh, thấp thoáng tình người và và nghị lực sống đáng khâm phục.
Chuyện tình cổ tích trong trại phong
Ông là Nguyễn Hồng Phương (SN 1942), bà là Hoàng Thị Mười (SN 1947), cùng ngụ trại phong Chí Linh (thôn Trại Trống, xã Hoàng Tiến, huyện Chí Linh, Hải Dương). Nhớ lại những ngày tháng bị làng xóm kỳ thị, ông vẫn mang nỗi tủi hờn: “Khi chớm bệnh tôi cũng chỉ nghĩ mình mắc bệnh da liễu rồi tự lấy cây lá quanh nhà xát vào để chữa. Mãi về sau đi khám mới biết mình mắc bệnh phong.Làng xóm phong thanh nhau rồi dần xa lánh, ghê sợ tôi. Có những lúc tôi từng nghĩ đến cái chết”.
Năm 1972, ông bà gặp nhau ở Trại phong Chí Linh rồi nên duyên vợ chồng. Hơn 40 năm trôi qua, nhưng ông bà không thể nào quên “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. 
Khi đó bà quê ở xã Quốc Trị, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, được điều trị ở trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh. Tuy nhiên, do bị nhẹ nên bà được cử đi học y tá. Khi trại phong Chí Linh được thành lập (năm 1972), bà được điều xuống nhằm mục đích “dùng người bệnh điều trị người bệnh”. 
Cũng năm ấy, ông Phương (quê xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đến đây điều trị bệnh phong. Ở nơi những người cùng cảnh ngộ sống trong một thế giới như tách biệt, hai ông bà đã phải lòng nhau.
“Nói ra hơi xấu hổ cái mồm, thi thoảng bà ấy xuống tiêm và phát thuốc, tôi dẻo mồm buông lời tán tỉnh vậy là bà “rung rinh”. Từ đó quấn quýt rồi đến năm 1975, chúng tôi về quê ở Khoái Châu tổ chức đám cưới”, ông Phương cười. Vợ chồng chuyển hộ khẩu về sống hẳn trong trại phong Chí Linh cho đến nay.
Năm 1977, con trai đầu lòng của ông bà ra đời. Nhưng buồn thay, về sau họ phát hiện đứa con trai bị điếc bẩm sinh. Lớn lên, người con xuất hiện chứng “dở dở ương ương”, không được khôn ngoan như người thường. 
Thế nhưng họ vẫn có cuộc sống đầm ấm của một gia đình trong ngôi nhà nhỏ tại trại phong. Đến tuổi trưởng thành, con trai ông bà ra ngoài làm thì bén duyên với một phụ nữ. Bà Mười nói thật với con dâu tương lai về tình cảnh gia đình toàn người bệnh tật, mà lại là bệnh bị xã hội kỳ thị, nhưng người phụ nữ này vẫn một mực chấp nhận, quyết tâm lấy bằng được con bà. 
Năm 1996, ông bà tổ chức đám cưới cho con, sau đó mua mảnh đất nhỏ ở thôn Bùng Xịch, xã Vạn Phúc (huyện Ninh Giang, Hải Dương) dựng nhà cho hai con ở tạm. Mấy năm sau, niềm vui hai ông bà nhân lên khi lần lượt hai đứa cháu ra đời, “đủ nếp đủ tẻ”.
Tan đàn xẻ nghé vì con dâu "theo trai"
Khoảng năm 2004, khi con út lên 4 tuổi, cô con dâu đi làm thuê bên Đông Triều, Quảng Ninh rồi phải lòng ông chủ. Ông chủ này là người sinh con một bề nên muốn “gửi gắm”, “xin” nhân viên cho một đứa con trai. Thế rồi chị chê chồng nghèo khó, dở hơi. 
Cứ mỗi khi chồng đi làm về, chị lại đuổi chồng “muốn đi đâu thì đi, đừng về nhà”. Con trai bà do suy nghĩ không được như người thường, thấy vợ nói vậy cũng nghe theo mà bỏ về với bố mẹ ở trại phong. Trong thời gian đó chị vợ dẫn bồ về nhà “ăn nằm”. Đến khi “bụng mang dạ chửa”, chị viết lá thư để lại rồi bỏ đi biệt tăm. 
Bà Mười vẫn còn nhớ như in những dòng chữ chua chát mà người con dâu để lại cho con trai mình: “Anh Huy ơi (con trai bà Mười tên Huy - PV), nhà cao cửa rộng đấy anh ở đi, em không chịu được nữa, em đi đây. Bố mẹ nuôi cháu giúp con, 40 năm sau con quay lại đón. Đừng tìm con...”. Bà Mười giải thích, cô con dâu mỉa mai chê nhà cửa chập hẹp, rách nát, không chịu được nên bỏ đi theo trai.
Từ ngày vợ bỏ đi, bệnh “thẫn thờ” của con trai bà Mười nặng hơn. Rồi anh cũng bỏ nhà đi nốt. Ông bà bệnh tật phải đón cháu về nuôi. 10 năm qua, kể từ ngày con dâu theo bồ, con trai bỏ đi, hai ông bà lùi lũi trong căn nhà cũ trong trại phong. “Chúng tôi sống tằn tiện nuôi hai cháu”, bà Mười tâm sự.
Khi đến thăm gia đình, vừa nhìn thấy người lạ trong nhà, nghe thấy ông bà nhắc đến chuyện bố mẹ, đứa cháu trai lặng cúi chào rồi bỏ ra ngoài ngay. Bà Mười thấy thái độ cháu vậy liền nói đỡ: “Cháu nó hận những dòng chữ mà mẹ để lại cho bố. Nó vẫn thường nói với tôi rằng: “Hồi bé không nuôi, đến 40 tuổi quay lại để chúng cháu nuôi lại à”. 
Thế nên mỗi lần có người đến nhà nhắc chuyện về bố mẹ, cháu nó đều bỏ ra ngoài, có khi cả ngày không nói, có lần bỏ lên trường ngồi khóc. Ai hỏi về mẹ, cháu nó đều nói là mẹ chết rồi”.
Nhói lòng nghe mơ ước
Sức khỏe ông bà Mười yếu dần theo năm tháng, trong khi hai đứa cháu dần lớn lên, phát sinh bao khoản chi tiêu ăn học. “Vừa rồi tiền học phí một kỳ của cháu gái là 2,7 triệu, cháu trai là 4,3 triệu khiến chúng tôi phải lao đao vay mượn”, ông lão chia sẻ. Chẳng thể làm gì ra tiền, ông bà chỉ biết trồng ít rau, nuôi vài con gà con vịt trong vườn để tăng gia sản xuất. 
Dù tuổi đã già, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, hai ông bà bận bịu với việc trồng rau, nuôi gà vịt.“Nhiều lúc cũng mệt, nhưng nghĩ đến tương lai các cháu, vợ chồng tôi lại động viên cùng nhau cố gắng”, bà Mười chia sẻ.
Nhiều khi muốn cải thiện bữa ăn cho hai đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, cũng là nỗi khổ tâm của ông bà. “Nuôi được con nào cũng tôi cũng phải tiết kiệm để đem ra chợ bán lấy tiền nộp học phí cho hai cháu. Nhiều lúc các cháu đòi thịt ăn vì đói, dù thương các cháu thiếu chất, nhưng vẫn không dám thịt. Chỉ những ngày lễ, ngày tết mới được thịt thôi”, bà Mười chia sẻ. Hiện tại, chi tiêu của 4 người trong gia đình trông đợi phần nhiều vào khoản trợ cấp 700 nghìn/tháng/người của Nhà nước cho ông bà. 
Đứa cháu trai năm nay đã lên lớp 11, còn cháu gái đang học lớp 8. Ông bà cho biết, may mắn cả hai cháu đều rất chăm ngoan, học giỏi. Ông Phương khoe, mới đây, cháu gái được chọn đi thi học sinh giỏi môn Văn ở huyện, còn cháu trai đang miệt mài phấn đấu để năm sau thi vào trường quân sự.
“Các cháu ước mơ thật nhiều, ông bà chúng tôi thì vừa mừng vừa lo.Giờ làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ đủ nuôi hai cháu. Sau này khi đi học đại học, tốn nhiều tiền, chúng tôi lại già đi, không biết có còn lo cho các cháu được không”, ông Phương lo lắng.
Ông Thiều Quang Tiềm, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân trại phong Chí Linh cho biết, vợ chồng bà Mười có hoàn cảnh đặc biệt trong trại. Ngoài tự nuôi thân, ông bà phải nuôi hai đứa cháu ăn học. Dù tuổi đã già, hai ông bà vẫn chăm chỉ lao động, kiếm tiền nuôi cháu. 
Trong tâm lý lo lắng, ông Phương muốn mình sẽ sống được lâu hơn để được nuôi nấng, chăm sóc hai đứa cháu đến tuổi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.
“Hai vợ chồng tôi đang cố gắng chắt bóp được ngày nào hay ngày ấy để cho chúng nó bằng bạn bằng bè, không bị dang dở việc học hành. Tôi và bà ấy già cả rồi chỉ nghĩ cho hai cháu chứ chẳng mong mỏi gì hơn”, ông giãi bày.

Đọc thêm