Nhiều tài liệu lịch sử nói rằng nơi đây có một trữ lượng vàng cực lớn hơn bất kỳ mỏ vàng nào từng được tìm thấy. Từ đó Supertition biến thành “vùng chết” với hàng loạt vụ chết người bí ẩn vì đi tìm vàng.
Khát vọng tìm vàng
Ngọn núi hình thành cách đây vài triệu năm sau những hoạt động của núi lửa. Người biết đến ngọn núi này đầu tiên được cho là bộ tộc Apache. Đối với họ đây là ngọn núi linh thiêng, được Thần Sấm bảo vệ và sẽ giết chết bất cứ ai dám cả gan đặt chân vào cấm địa đất thiêng của thần.
Trên đỉnh Mê Tín có một miệng hố sâu hun hút, người Apache tin rằng đây là nơi thần linh tạo ra gió cho loài người, là nơi giao thao giữa con người và thế giới ngầm dưới mặt đất. Thậm chí, họ còn nghe và nhìn thấy những bóng lạ lùng như người ngoài hành tinh xuất hiện ở miệng hố.
Những người tiếp theo phát hiện ra Núi Mê Tín là nhóm thực dân Tây Ban Nha do một người tên Francisco Vasquez de Coronado dẫn đầu đoàn vào năm 1540. Người da đỏ Apache nói với Coronado rằng ngọn núi có rất nhiều vàng, nhưng từ chối giúp ông tiến vào vùng đất thiêng vì sợ Thần Sấm.
Bỏ ngoài tai những cảnh báo nguy hiểm, nhóm người của Coronado vẫn dấn thân tự khám phá ngọn núi với hy vọng tìm ra vàng. Nhưng càng đi sâu họ phát hiện những thành viên trong nhóm dần biến mất một cách bí ẩn, nếu một người chỉ cần tách đoàn một vài mét sẽ không xuất hiện trở lại.
Xác của những người này được tìm thấy trong tình trạng bị cắt đầu và moi hết nội tạng. Những người may mắn trở về quá sợ hãi và không bao giờ còn dám đến ngọn núi lần nữa.
Người tiếp theo tìm đến Núi Mê Tín là một người Mexico có tên Don Miguel Penalta. Có thông tin nói rằng Don là một người giàu có, điều hành một số mỏ vàng quanh khu vực Núi Mê Tín. Cũng có người nói rằng Don chỉ là một người chăn nuôi gia súc bình thường.
Nhưng dù thân phận của Don là ai đi chăng nữa, ông vẫn là người đã phát hiện ra mạch vàng lớn ở đây vào năm 1845. Quá đỗi vui mừng, ông trở về nhà tìm người và dụng cụ để tiến hành khai thác vàng. Chẳng mấy chốc, ông trở thành người giàu có với hàng triệu peso vàng nguyên chất trong tay.
Don bắt đầu mở rộng quy mô khai thác vàng, khiến thổ dân da đỏ Apache bắt đầu cảm thấy khó chịu khi quá nhiều người lạ xâm phạm vào vùng đất linh thiêng. Năm 1848, họ tập hợp toàn bộ người trong bộc lạc để đuổi nhóm khai thác vàng ra khỏi khu vực. Nhận được tin, Don nhanh chóng xóa sạch dấu vết, định rời khỏi núi và chờ cơ hội quay trở lại. Nhưng ông không ngờ rằng sẽ chẳng còn có cơ hội nào nữa.
Ngay sáng hôm sau, khi đoàn người khai thác vàng chưa kịp khởi hành, bộ tộc da đỏ Apache bất ngờ tấn công, giết chết khoảng 100-400 người. Những con la chở hành lý hoảng hốt chạy tứ phía, đánh rơi rải rác vàng ở khắp nơi. Nhiều năm sau, những người thăm dò quặng và binh lính phát hiện xác của những con lừa thồ và những bao da vẫn còn chứa đầy vàng thô.
Ngọn Núi Mê Tín ở Mỹ đến nay vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn |
Khu vực này về sau được gọi bằng cái tên “Cánh đồng vàng” này trở thành một điểm đến của những kẻ sống ngoài pháp luật và những người muốn phất lên nhanh chóng bằng cách tìm kiếm vàng rơi vãi. Trường hợp cuối cùng tìm thấy xác một con la của Peralta là năm 1914.
Tiếp tục tìm đến Núi Mê Tín một lần nữa là bác sỹ Abraham Thome. Ông sinh ra ở bang Illinois, Mỹ và không muốn gì hơn ngoài việc khám phá, du lịch, cũng như cống hiến cả đời mình để chữa trị cho những người da đỏ ở các bang miền Tây nước Mỹ.
Ông có cơ hội tiếp xúc với người Apache khi họ bị chính phủ Mỹ vây hẵm sau một thời gian dài giao tranh ác liệt. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đưa ra hiệp ước hòa bình, thành lập vùng đất dọc dòng sông Verde, gần Fort McDowell, để bộ tộc Apache được độc quyền cư trú.
Sau nhiều năm sống cùng bộ lạc Apache, chăm sóc những người bị ốm hoặc bị thương, ông nhận được sự tôn trọng từ mọi người trong tộc. Năm 1870, để đến đáp lòng tốt của ông, người Apache dẫn ông đến nơi chứa vàng. Điều kiện duy nhất là ông sẽ bị bịt mắt trong suốt chuyến đi khoảng 20 dặm. Bác sỹ Thorne đồng ý và họ dẫn ông tới một hẻm núi lạ rồi cởi khăn che mắt cho ông.
Sau này khi trở về, bác sĩ Thorne viết trong một tài liệu rằng ông đã nhìn thấy một mỏm núi lởm chởm dài khoảng 1 dặm. Gần chân hẻm núi là những khối vàng nguyên chất nằm chồng lên nhau. Ông được nhặt về bao nhiêu tùy thích và sau đó ông đã bán lượng vàng mang về được 6.000 USD.
“Tử địa” bí ẩn
Tuy nhiên, rất ít người may mắn như vậy. Không biết đã có bao nhiêu người phải bỏ mạng, hoặc biến mất một cách kỳ lạ trong hành trình tìm kiếm mỏ vàng bí ẩn này.
Mùa hè năm 1880, hai người lính trẻ vừa giải ngũ đến thị trấn Pinal, bang Arizona đến xin vào làm trong mỏ Silver King của ông Aaron Mason. Hai người này nhờ Mason xem thử một ít chất lượng vàng sống mà họ nhặt được khi đi qua Núi Mê Tín.
Mason kinh ngạc khi thấy một túi đầy vàng sống chất lượng cao. Hai người lính kể rằng họ đang săn hươu trên núi và đã dồn nó vào một hẻm núi. Trên đường ra, họ phát hiện một đường hầm mỏ cũ. Cái túi vàng chỉ là một số ít mà họ nhặt từ đó.
Mason mua lại số vàng của hai người lính và đề nghị sẽ cung cấp thiết bị để họ quay lại khu mỏ đó. Hai người lính đồng ý vì họ tin rằng thời gian được đào tạo kỹ về cách xác định phương hướng trong quân đội sẽ giúp họ tìm lại chỗ cũ. Họ lên đường ngay ngày hôm sau.
Người da đỏ Apache |
Mason đợi 2 tuần không thấy tin tức liền cử một đội đi tìm. Xác một người lính được tìm thấy cạnh đường mòn dẫn đến núi trong tình trạng không mảnh vải che thân và bị bắn vào đầu. Thi thể người lính thứ hai được tìm thấy ngày hôm sau trong tình trạng tương tự.
Một năm sau, một người khai mỏ tên là Joe Dearing đến Pinal làm việc và đã nghe câu chuyện về hai người lính. Anh ta lên đường tìm đến Núi Mê Tín và tìm thấy một khu mỏ hình chiếc phễu. Lối vào đã bị phá hủy và bị đất đá chặn lại. Dearing trở về và xin vào làm ở mỏ Silver King với ý định dành dụm tiền để tự khai phá mỏ vàng. Nhưng 1 tuần sau anh ta bị giết.
Một cái chết bí ẩn khác liên quan đến mỏ vàng bí ẩn là Elisha Reavis có biệt danh “Người điên của Núi Mê Tín”. Từ năm 1872 tới khi chết năm 1896, ông sống ở khu vực hẻo lánh nhất của ngọn núi và trồng rau sinh sống. Những người da đỏ không bao giờ làm phiền ông vì họ sợ bị những người điên bị nguyền rủa.
Người ta kể rằng Reavis hay chạy trong lúc chẳng mặc gì và bắn vào các vì sao. Tháng 4/1896, một người bạn của Reavis không thấy ông đến thị trấn như thường lệ nên đến chỗ ở tìm ông. Cuối cùng người bạn phát hiện ra cái xác của Reavis gần nhà, trong khi cái đầu bị vứt ở chỗ khác. Cùng năm Reavis bị giết, hai người miền Đông đi tìm mỏ vàng cũng không bao giờ trở lại...
Hơn một thập kỷ sau, người đàn ông có tên Adolph Ruth cũng biến mất một cách bí ẩn, khiến Núi Mê Tín một lần nữa trở thành truyền thuyết đáng sợ. Adolph Ruth là một thợ săn kho báu giỏi có tiếng, khi nghe đến huyền thoại về những kho báu vàng ở Núi Mê Tín, ông mạo hiểm tìm đến đây. Bỏ ngoài tai mọi ngăn cản từ người thân bạn bè, tháng 6/1931, một mình mạo hiểm đi vào “vùng đất chết”.
Đúng như dự đoán, 2 tuần sau Adolph Ruth không trở về bất chấp mọi nỗ lực tìm kiếm. Tháng 12 người ta phát hiện ra thi thể ông, đầu và thi thể tách rời, thậm chí còn có hai viên đạn trong hộp sọ. Không dừng lại ở đó, năm 1940 người ta lại phát hiện thêm một nạn nhân xấu số nữa được xác định là James A. Carvey, cũng chết trong tình trạng tương tự như Adolph Ruth.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của những người ham tìm vàng ở Núi Mê Tín có thể là do bị chính những đối thủ tìm vàng sát hại trong lúc truy đuổi kho báu. Nhưng đó chỉ giả thuyết, cho đến nay không ai tìm ra manh mối nào hay nguyên nhân dẫn đến những cái chết bí ẩn và kho báu vàng.