Hỏa thiêu cung Trường Lạc
Trong bối cảnh đó, Viên Thiệu lại cài cắm gián điệp, biến tiến trình cải cách của Đổng Trác thành tiến trình chuẩn bị lực lượng để Viên Thiệu tranh giành thiên hạ. Khi liên quân Quan Đông nổi lên, Đổng Trác từ chỗ bị cô lập về chính trị giờ lại cộng thêm bị vây đánh về quân sự.
Để thoát khỏi tình thế này, Đổng Trác đã có lựa chọn là dời đô về Trường An, chiếm giữ ải Hàm Cốc, lấy Quan Trung làm căn cứ để phản kích các chư hầu. Thế nhưng, chiến lược này lại bị mô tả thành một trong những tội ác lớn nhất của Đổng Trác.Đổng Trác hỏa thiêu cung Trường Lạc đã trở thành câu chuyện để tiếng ngàn đời.
Trong số những tội ác mà người đời liệt kê cho Đổng Trác, ngoài những tội ác vu khống, những tội đáng ngờ hoặc những tội ác mà Đổng Trác phải chịu trách nhiệm thay cho thuộc hạ, thì rất nhiều tội ác xác thực khác liên quan đến Đổng Trác là bắt nguồn từ nhu cầu chính trị.
Chẳng hạn, Đổng Trác giết Nhiễu Long Tông là để chuẩn bị phế Hán Thiếu đế, giết phế đế và phế Thái hậu là để củng cố địa vị cho Hán Hiến đế, giết Chu Bí, Ngũ Quỳnh là để dẹp tan dư luận phản đối trong việc dời đô. Đổng Trác thiêu hủy Lạc Dương cũng là một hành động xuất phát từ tính toán chính trị.
Lạc Dương là kinh đô của triều đình Đông Hán, là trung tâm chính trị.Đổng Trác dời triều đình về phía tây thì chỉ dời được một nửa sức mạnh chính trị trung ương.Lạc Dương vẫn còn ở đó. Các chư hầu vẫn có thể tiến vào kinh đô và thiết lập một triều đình mới. Sau này chúng ta sẽ thấy Tôn Kiên kéo vào Lạc Dương và tìm được ngọc tỷ, dẫn đến những hệ lụy chính trị sau này đối với tình thế thiên hạ và vận mệnh tập đoàn họ Tôn.
Đấy chỉ là mới nói đến tác dụng chính trị của một hòn đá.Lạc Dương lớn hơn ngọc tỷ rất nhiều, có thể dựa vào chỗ đó lập ra một vị vua khác, xây dựng một triều đình khác. Lúc bấy giờ Trung Nguyên sẽ chẳng còn do Đổng Trác chi phối. Nhà Hán sẽ bị cưa đôi.
Tôn Kiên tìm thấy ngọc tỷ đã khởi lên cuộc tranh giành lớn |
Trên thực tế, trong liên quân Quan Đông đã có ý kiến muốn tôn U Châu mục Lưu Ngu lên làm hoàng đế. Nhưng Lưu Ngu chí mọn, gan bé, cực lực từ chối, không chịu làm đầu tàu chính trị cho liên quân Quan Đông. Ngay cả việc “thừa chế” (thay quyền vua) để phong chức tước cho các chư hầu, Lưu Ngu cũng không chịu làm.
Cảnh tượng hỏa thiêu cung Trường Lạc được mô tả rất lâm li trong tiểu thuyết.Triều đình Hiến đế phải rời bỏ kinh đô đi về phía tây, bỏ lại phía sau là thành Lạc Dương đang bốc cháy, khói lửa mịt mù.Tam quốc chí trong tâm thế kết tội Đổng Trác cũng chép hai việc này dính sát với nhau khiến cho hình ảnh đó lại càng mang tính xác thực. Nhưng thật ra sự thực không phải như vậy.
Theo trình tự được chép lại trong Hậu Hán thư, sau khi châu quận ở Quan Đông khởi binh, Đổng Trác mới giết phế đế Lưu Biện; sau khi triều đình rời khỏi Lạc Dương vào tháng hai thì đến tháng ba Đổng Trác mới đốt cung miếu và nhà dân Lạc Dương. Đổng Trác đốt Lạc Dương là năm ngày sau khi Hiến đế vào ngự ở cung Vị Ương tại Trường An và mười lăm ngày sau khi đốt thì giết Thái phó Viên Ngôi, Thái bộc Viên Cơ – người nhà của Viên Thiệu.
Tuy nhiên, hành động đốt Lạc Dương này nếu quy cho Đổng Trác thì rất khó hiểu.Vì Đổng Trác vẫn còn ở lại Lạc Dương suốt một năm để đánh trả liên quân Quan Đông. Phải đến tháng ba năm sau, khi Hồ Chẩn, Lữ Bố bị Tôn Kiên đánh bại ở Dương Nhân, Đổng Trác mới bỏ hẳn Lạc Dương để rút về Trường An. Nếu hiểu theo cách nói của Hậu Hán kỷ thì có lẽ Đổng Trác làm thế để di dân một cách cưỡng bức (Trác ở lại đóng đồn ở Lạc Dương, đốt sạch cung thất, di dân về Trường An).
Đổng Trác đã khai quật các lăng tẩm ở Lạc Dương để lấy của cải là vào lúc quyết định bỏ hẳn Lạc Dương. Nói như Hậu Hán kỷ: “Trác khai quật các lăng tẩm ở Lạc Dương và cả mộ phần của các đại thần, phá hủy chuông lớn trong thành Lạc Dương, đem đúc tiền, đều không thành chữ”.
Hành động này chủ yếu là để thu gom quân phí. Nên nhớ, chính Tào Tháo cũng bị tố cáo là đã đào mộ của Lương Hiếu vương để lấy của, thậm chí còn chuyên nghiệp hơn cả Đổng Trác – có hẳn các chức Phát khâu Trung lang tướng (Trung lang tướng đào mả), Mạc kim Hiệu úy (Hiệu úy bới vàng). Cùng một hành động, kẻ thì bị gọi là tham tàn độc ác nhất từ lúc có sử đến nay, người thì được khen là Thái tổ bản triều, thần vũ minh triết.Điểm khác nhau là gì?
Có soán ngôi không?
Sau khi Đổng Trác rút vào Trường An, những việc làm độc ác của ông ta đột ngột tăng lên. Tam quốc chí kể tội Trác: “Trác đến Tây Kinh, làm Thái sư, xưng hiệu là Thượng phụ, cưỡi xe lọng xanh dát hoa vàng, vẽ hình ở hai bên thành xe, người đời bấy giờ gọi xe của Trác là xe can ma”. Nghĩa của chữ can ma là sắp bức ép đến nơi.
Bùi Tùng Chi giải thích rằng: “Ý chừng Trác làm việc ấy để bức hiếp thiên tử vậy”. Còn Phạm Diệp thì nói Đổng Trác vốn tính hung bạo, thích giết chóc, “nhưng vẫn khuất mình với bọn đai mũ, là để mở ra con đường tiếm nghịch vậy”. Bọn họ đều cho rằng Đổng Trác sẽ cướp ngôi nhà Hán đến nơi. Thực ra không hẳn như vậy.
Chuyện Đổng Trác xưng Thượng phụ là hoàn toàn không có.Hậu Hán kỷ và Hiến đế kỷ đều nói rằng: Đổng Trác muốn xưng là Thượng phụ, đem việc này hỏi Sái Ung. Sái Ung cho rằng: ““Xưa Võ Vương nhận mệnh. Thái Công làm Thái sư, phò tá nhà Chu để đánh kẻ vô đạo, do đó thiên hạ tôn khen, xưng là Thượng phụ.
Sái Ung đã đóng góp nhiều ý kiến để sửa sai cho Đổng Trác, và lần nào Trác cũng nghe theo |
Ngài nay công đức thực lồng lộng, nên chờ đến lúc Quan Đông dẹp hết, xa giá về đông, sau đó hãy bàn”.Trác bèn ngưng, chưa từng xưng là Thượng phụ. Sách Đỉnh lục chép rằng cái đỉnh mà Đổng Trác đúc vào thời kỳ đó được đặt tên là “Thái sư đỉnh”, không phải “Thượng phụ đỉnh”. Đối với tội ác này của Đổng Trác, Trần Thọ rõ ràng là đã nói thêm.
Chuyện xe Can ma cũng là do người đời xuyên tạc. Đổng Trác ngồi xe ấy ít lâu. Nhân dịp có động đất, Sái Ung lại nói rằng: “Động đất là do âm thịnh, đại thần vượt quyền mới khiến như thế. Công cưỡi xe mui xanh, xa gần đều cho là không thích hợp”.
Trác nghe theo, ngồi xe hoa vàng mui đen. Đổng Trác trước sau vẫn là một người biết phục thiện, sẵn sàng xin lỗi, sửa sai. Nếu Đổng Trác thực sự muốn ngồi xe đó để bức thiên tử, hành động ngăn cản của Sái Ung đáng phải trừ diệt, cũng giống như Tào Tháo bức chết công thần Tuân Úc, Thôi Diễm vì cản ông ta làm Ngụy công. Thế nhưng Đổng Trác đã không làm như vậy, mà tự nguyện từ bỏ nghi vệ tiếm vượt, chẳng phải là khác hẳn Tào Tháo sao?
Trên thực tế, Đổng Trác đã có xu thế muốn giải bỏ quyền lực. Ông ta xây Mi Ổ cách thành Trường An hơn hai trăm dặm, chứa nhiều của cải vào trong đó và tuyên bố nếu thành công thì hùng bá thiên hạ, nếu không thành thì làm phú ông. Đổng Trác thường xuyên đến Mi Ổ. Hành động này giống hệt cách làm của Công Tôn Toản khi Toản thấy không thể tranh đua với thiên hạ.Công Tôn Toản cũng củng cố phòng thủ Dịch Kinh và ở riết trong đó, không giao tiếp với mọi người.
Chính sự lúc này gần như đã được giao lại cho Vương Doãn. Vương Doãn là người được thưởng cao nhất trong số các công thần có công đi theo dời đô. Doãn được phong Ôn hầu (lúc này Lữ Bố chưa là Ôn hầu, mà chỉ là Đô đình hầu.Ôn hầu là huyện hầu, cấp cao hơn), thực ấp năm ngàn hộ. Trước đó Doãn đã là Tư đồ, có quyền Lục thượng thư sự, nắm giữ chính sự. Ông ta liền dựa vào vốn liếng này tiến công Đổng Trác.Còn Trác thì như người chẳng biết gì, bị giết một cách đột ngột, chịu cảnh người đời mắng chửi.
Đổng Trác vào kinh là muốn chỉnh đốn triều Hán.Ông ta lập minh quân, dùng hiền tài, mở ra một vận hội mới cho đất nước.Triều Hán lúc bấy giờ lại giống như một viên ngọc thô.Đáng tiếc là ngọc bất trác thì bất thành khí.Chẳng có mấy người thực tâm chịu giúp Trác.Đổng Trác muốn làm người lương thiện, nhưng ai cho Trác lương thiện?
Trong cuốn Luận anh hùng, Dịch Trung Thiên từng nói rằng: trí thức Đông Hán cho đến lúc ấy đã được đào tạo thành những con cừu giả vờ giả vịt. Nếu trong đám cừu ấy xuất hiện một con hổ, thì đám cừu sẽ lộ mặt thành bầy chó sói xông vào cắn xé. Quả thực Đổng Trác chính là con hổ ấy. Trong bầy sói này, có một con họ Tào tên Tháo, một con họ Lưu tên Bị, một con họ Tôn tên Kiên. Tôn Kiên được mô tả như là trung thần số một của triều Hán có thật thế không?