Trong tình thế đó, Đổng Trác bị sử sách và văn học dân gian mô tả thành hết sức tàn ác, có mưu đồ tiếm vượt.Sự thực thế nào?
Những tội ác bị tô đậm
Hậu Hán thư khi nhận xét về Đổng Trác đã nói rằng bản tính của Trác là “thích moi gan, chặt chân, ắt sinh linh không đủ cho y thỏa mãn ý thích”. Trần Thọ, Bùi Tùng Chi đều dùng chữ “tàn nhẫn như lang sói” để nói về Đổng Trác. Ý chừng rằng Trác vô cùng độc ác. Thế nhưng, khảo sát những lời buộc tội Đổng Trác thì thấy hết sức có vấn đề.
Đối với những tội danh mà sử sách gán ghép cho Đổng Trác, ta phải chia thành hai thời kỳ: thời kỳ trước liên quân Quan Đông và thời kỳ liên quân Quan Đông.Thời kỳ trước liên quân Quan Đông, những “tội ác” mà Đổng Trác làm phần lớn đều là vì nhu cầu đấu tranh chính trị nên mới làm thế.
Chẳng hạn, Đổng Trác giết phế đế Lưu Biện và Hà Thái hậu là để giúp địa vị của Hán Hiến đế trở nên vững chắc; đánh chết Thị ngự sử Nhiễu Long Tông là để “chấn oai”, vì bấy giờ binh lực và uy tín chính trị của Tháo chưa có gì. Hơn nữa, Nhiễu Long Tông tự tìm cái chết, đến gặp Đổng Trác mà vẫn đeo kiếm.
Đổng Trác hoàn toàn có quyền giết Nhiễu Long Tông, vì đã được hoàng đế ban cho quyền “giả tiết việt”, nghĩa là được quyền chém trước tâu sau. Chính vì thế mà Tam quốc chí liền viết thêm rằng: “Trác vốn tính tàn nhẫn, bất nhân, bèn dùng nghiêm hình bức hiếp mọi người, cái hiềm khích lườm nguýt cũng báo. Mọi người chẳng thể tự bảo toàn”.Có chuyện đó không?Không.
Từ khi bước vào triều đình, Đổng Trác đã mâu thuẫn với rất nhiều người, rất nhiều mâu thuẫn đã vượt qua mức độ lườm nguýt. Đổng Trác mâu thuẫn với Thôi Liệt, với Viên Thiệu, với Lư Thực, với Chu Tuấn, với Hoàng Phủ Tung, với Cái Huân, với Dương Bưu, với Hoàng Uyển. Có ai trong số họ bị giết không?Không.Hoàng Phủ Tung với Trác cầm quân, “không phục nhau”. Hoàng Phủ Tung suýt nữa đã thu hết quân sĩ của Trác quản lý vào tay mình. “Trác cả giận”.
Đổng Trác được ban quyền chém trước tâu sau, tuy rất hùng hổ, nhưng ít khi Trác thực hiện quyền này |
Kết quả, khi được thời đắc thế, Đổng Trác chỉ nói: “Nghĩa Chân đã phục ta chưa?”.Hoàng Phủ Tung phải chịu nhún.Đổng Trác cười xòa rồi bỏ qua.Chu Tuấn và Đổng Trác bàn việc quân, không hợp nhau. Trác nói rằng: “Ta trăm trận trăm thắng, đều do tự quyết ở trong lòng, ngươi chớ nói xằng, để làm bẩn đao của ta”.
Cái Huân liền nói: “Xưa Vũ Đinh sáng suốt mà còn xin lời can gián, huống hồ là khanh? Muốn bịt miệng mọi người sao?”. Đổng Trác mới bảo: “Giỡn thôi mà”. Cái Huân nói tiếp: “Chưa từng nghe nói lấy lời giận dữ ra để đùa”. Thế là Đổng Trác xin lỗi Chu Tuấn. Đấy là những lúc Trác đã có quyền giả tiết việt trong tay, có thể giết họ bất cứ lúc nào.
Bảo rằng Đổng Trác giết người xằng bậy, e rằng chỉ là lời vu khống không có một chút bằng cứ. Cái bằng cứ mà Trần Thọ đưa ra để lên án Trác lại rất đáng ngờ. Đó là câu chuyện Trác từng phái quân đến Dương Thành, gặp lúc dân tế thần xã vào tháng hai, thì xông vào giết, đưa đầu về Lạc Dương bảo là đánh giặc thắng trận, con gái thì bắt làm tỳ thiếp.
Về vấn đề này, Lư Bật đã chỉ ra rằng “quận Dương Thành ở Dự Châu”, nghĩa là cách rất xa Lạc Dương. Đổng Trác “từng phái quân đến Dương Thành” có thể là sự thực, nhưng liệu Trác có tài ba đến nỗi đoán được lúc đódân sẽ tập trung ở đâu để cúng tế mà phái người đến giết? E rằng chỉ là việc làm xằng bậy của đám Khương Hồ dưới trướng, nhưng Trác phải chịu tội thay.
Vụ án Hà Miêu cũng vậy. Anh hùng ký nói Trác sai quật áo quan của Hà Miêu lên, chẻ xương ra vứt ở ven đường. Nhưng Phạm Diệp lại cho biết rằng: “Bọn Ngô Khuông đánh giết Miêu, vứt thây y ở trong vườn”. Đại khái Đổng Trác là “đầu sỏ của họa loạn”, nên tất nhiên phải gánh hết mọi tội lỗi.Đặc biệt là đám lính Khương Hồ sau khi vào kinh thì thỏa sức cướp bóc, nhưng đó lại là nguồn sức mạnh duy nhất của Đổng Trác.Cũng chính vì nguyên nhân đó mà khi Tư lệ Hiệu úy Triệu Khiêm giết chết một tên lính Hồ quan trọng bên cạnh Trác, Trác đã giết Khiêm.
Rơi vào đường cùng
Những “tội ác” của Đổng Trác trong thời kỳ đầu tiên có thể chia làm ba loại: một là những tội ác do những người thân cận trong tập đoàn bảo trợ cho Đổng Trác gây ra, hai là những tội ác mà Đổng Trác thực hiện do nhu cầu chính trị và ba là những tội ác mà người khác gán thêm cho Đổng Trác một cách không bằng không cứ
.Sự nổi lên của liên quân Quan Đông đánh dấu một thời kỳ phạm tội mới của Đổng Trác.Đổng Trác phải đối phó với rất nhiều kẻ địch ở bên ngoài đang dẫn quân kéo đến, lại còn phải đối phó với sự chống đối ngày càng quyết liệt của nhân sĩ bên trong.Vì vậy, những “tội ác” trong thời kỳ thứ hai của Đổng Trác quanh đi quẩn lại vẫn là nhu cầu chính trị.
Trước tình hình Quan Đông nổi dậy, Đổng Trác đã quyết định dời đô về Trường An. Nhưng ông ta lại vấp phải sự chống đối.Tư đồ Dương Bưu liền nhảy ra phản đối. Ông ta cho rằng “dời đô thành, đổi chế độ, là việc lớn của thiên hạ; đều phải nương cậy lòng dân, tùy thời mà làm”, “ngày nay vừa lập thánh chúa, vận Hán sáng lạn, thế mà vô cớ từ bỏ tông miếu cung điện, rời xa lăng tẩm tiên đế. Trăm họ kinh ngạc, không hiểu được ý nghĩa, tất phải tụ họp nhau lại như kiến rồi dẫn tới loạn”.
Thái úy Hoàng Uyển cũng ủng hộ Dương Bưu.Chỉ riêng có Tư không Tuân Sảng là nói lời công bằng cho Trác. Sảng nói: “Tướng quốc há lại vì vui mà dời đô đâu? Nay Sơn Đông dấy quân, không thể một ngày mà cấm được. Mà Quan Tây yên ổn, đáng nên dời tới, để thu lấy cái thế của Tần Hán vậy. Cố tranh giành không biết dừng nghỉ, họa ắt sẽ tới ngay, ta không làm theo đâu”.Lời bênh vực này sẽ bị Bùi Tùng Chi cắt bỏ trong phần chú thích Tam quốc chí.
Trên thực tế lập luận của Đổng Trác là có lý. Năm cánh quân Quan Đông đã ở Toan Tảo, Viên Thiệu đóng ở Hà Nội, phía bắc Lạc Dương, Viên Thuật, Tôn Kiên thì ở Nam Dương, bức bách phía nam. Tào Tháo cũng đề xuất chiến lược một mặt bao vây Lạc Dương, một mặt đưa quân bình định Trường An. Kế sách dời đô của Đổng Trác là nhằm chống lại chiến lược ấy.
Cung Trường Lạc bốc cháy.Tiêu hủy Lạc Dương là tội ác hàng đầu của Đổng Trác, nhưng Trác làm thế là vì nhu cầu chính trị |
Đổng Trác đụng phải giặc ngoài, thù trong, đã tỏ ra mất bình tĩnh. Trác giết Chu Bí, Ngũ Quỳnh là những người đã tiến cử các chư hầu Quan Đông, vì tội bán đứng Đổng Trác. Đổng Trác giết họ là đúng, vì họ chính là nội ứng của Viên Thiệu, nhưng ông ta lại hối hận ngay vì hành động đó. Dương Bưu, Hoàng Uyển bị bãi chức vì chống chính sách dời đô, nghe tin này thì tái mặt chạy tới xin lỗi.
Hai vị “trung thần” ấy nói rằng: “Bởi là kẻ tiểu nhân quyến luyến chỗ cũ, không phải muốn cản trở việc nước đâu. Xin lấy sự thiếu sót đó mà luận tội”.Đổng Trác không báo thù nỗi hận lườm nguýt, trái lại bỏ qua cho họ, tiến cử cả hai làm Quang lộc đại phu.
Đổng Trác cũng tỏ ra là bề tôi trụ cột. Triều đình dời về Trường An, nhưng Đổng Trác vẫn đích thân ở lại Lạc Dương để chống nhau với các lộ chư hầu. Chính Đổng Trác đã dùng kế phá tan quân Vương Khuông. Tào Tháo nhận định rằng Đổng Trác dời đô “chỉ một trận là phá được”, bèn dẫn quân truy kích, bị tướng nhà Hán là Từ Vinh đánh tan ở Huỳnh Dương, phía đông Lạc Dương. Nhưng mặt trận phía nam với Tôn Kiên lại bất lợi và Hồ Chẩn, Lữ Bố bại trận.
Lúc này Đổng Trác chính thức rút quân về Trường An, nhưng vẫn để Ngưu Phụ, Lý Quyết, Quách Dĩ, Trương Tế, Giả Hủ bày binh ở phía tây Lạc Dương để chống liên quân Quan Đông. Đổng Trác thiêu trụi Lạc Dương nhằm không cho liên quân lợi dụng kinh đô này để xây dựng một triều đình đối trọng với Hán đế. Sau khi rút về Trường An, mọi người đều cho rằng sự độc ác của Đổng Trác đã lên đến cùng cực và sắp sửa cướp ngôi. Sự thực thế nào?.