Con đường năng thần lần thứ nhất của Tào Tháo xem như thất bại toàn tập. Nguyên nhân là gì?
Năng thần hay gian tặc?
Tào Tháo từ chức Tế Nam tướng được chuyển sang làm Thái thú Đông quận, vốn là thỏa nguyện “làm một viên Quận thú, nắn sửa chính giáo, kiến lập danh tiếng”. Nhưng Tháo lại cáo bệnh không tới nhậm chức mà trở về quê, “xây một tịnh xá ở cách huyện Tiêu năm mươi dặm”, gần như là ở ẩn. Nguyên nhân thì chính như Tào Tháo đã nói vì lúc ở Tế Nam “làm trái ý các vị Thường thị”, “bọn cường hào ở đó phẫn nộ”, “sợ mang họa đến gia đình, nên cáo bệnh về quê”.
Ngụy thư, Tào Man truyện và Dị đồng tạp ngữ nói như thể Tào Tháo thường mâu thuẫn với Thập thường thị. Tào Tháo từng vào nhà hoạn quan Trương Nhượng đại náo một phen, “múa kích ở sân trước, rồi vượt bức tường thấp nhảy ra ngoài”. Lúc làm Lạc Dương bắc bộ úy, Tào Tháo lại đánh chết chú của hoạn quan Kiển Thạc.
Khi làm Nghị lang, Tào Tháo vì cớ Trần Phồn, Đậu Vũ bị hoạn quan giết hại, nên dâng sớ nói “bọn Vũ chính trực mà bị hãm hại, gian tà đầy rẫy trong triều, người tốt bị che lấp”. Tuy nhiên, những xung đột ấy không có nghĩa rằng Tào Tháo chủ tâm tiến công Thập thường thị. Dịch Trung Thiên từng nói rằng việc Tào Tháo đánh chết chú của Kiển Thạc là lỗi của định mệnh, “có thể chỉ là ngẫu nhiên”. Vào thời điểm đó nếu là người khác thì Tào Tháo cũng sẽ đánh chết để lập danh tiếng.
Việc Tào Tháo dâng thư cũng có nhiều điều đáng nói. Đây là điều được chép trong Ngụy thư của Vương Thẩm. Xung quanh sự việc này có hai điểm. Một là, Tào Tháo chỉ nói đại khái rằng “gian tà đầy rẫy trong triều” chứ không chỉa mũi dùi vào Thập thường thị. Hai là, theo Hậu Hán thư, Lưu Đào truyện, Tào Tháo liên danh cùng với Tư đồ Trần Đam.
Nói cách khác Trần Đam là người đi đầu, Tào Tháo chỉ núp sau lưng Đam. Hai người tâu rằng: “Công khanh tiến cử, chỉ chọn kẻ bè đảng của riêng mình, đó gọi là thả ưng cú ra mà nhốt loan phượng”. Như vậy mục tiêu tấn công ở đây là công khanh. Ngụy thư nói thêm rằng Tháo “dâng thư hết sức can gián, nói tam công khi tiến cử thì chỉ chuyên né tránh tâm ý của bọn quý thích”.
Khi làm Tế Nam tướng, Tào Tháo cũng nhắm vào đám trưởng lại “a dua xu phụ lũ quý thích”. Những “lễ tế nhảm nhí” mà Tào Tháo ngăn cấm và cho phá hủy hơn sáu trăm đền thờ ấy thực ra là để thờ Thành Dương Cảnh vương Lưu Chương – tông thân có công với nhà Hán.
Nói cách khác, Tào Tháo xung đột với Thập thường thị chẳng qua là ngẫu nhiên, còn mũi dùi mà Tào Tháo chỉa vào chính là quý thích. Hai chữ “quý thích” này là chỉ thẳng vào những người quyền quý thân cận với Hán đế, bao gồm ngoại thích và tông thân.
Quý thích thời Đông Hán thường xuyên là địch thủ chính trị của hoạn quan |
Tào Tháo rời khỏi quan trường là vì “làm trái ý các vị Thường thị”, rồi trở lại quan trường cũng nhờ “các vị Thường thị”. Khi Biên Chương, Hàn Toại làm phản, Tháo được triệu về làm Điển quân Hiệu úy. Đây là một trong tám chức hiệu úy ở Tây Viên. Người đứng đầu ra lệnh cho họ chính là Thượng quân Hiệu úy Kiển Thạc – một trong Thập thường thị.
Dù sử thần Ngụy-Tấn có cố mô tả Tào Tháo tốt đẹp đến thế nào đi nữa, Tào Tháo ít nhiều vẫn có mối liên hệ với Thập thường thị. Tào Đằng, Tào Tung đều từng là hoạn quan có máu mặt. Sau này khi Viên Thiệu muốn tiêu diệt hoạn quan, Tào Tháo đã nói rõ quan điểm.
Tháo cho rằng hoạn quan là một “tồn tại khách quan” (lũ yêm hoạn xưa nay đều có), nhà Hán rối loạn lỗi chủ yếu là do hoàng đế (các bậc đế vương chẳng nên trao cho bọn ấy quyền lực và ân sủng), chỉ nên giết vài người cầm đầu (nên giết đứa thủ ác đầu sỏ) và nên dùng phương pháp chính trị (một viên ngục lại là đủ rồi). Đây là lời phát biểu được chép trong Ngụy thư.
Hà Trác cho rằng lời này “là sau khi việc đã xảy ra mới dùng lời hư hão để tô điểm cho đẹp; tổ của y là ai, mà nói chuyện trừ yêm thụ?”
Tất nhiên Tào Tháo có thể không phải bàn chuyện trừ bỏ yêm thụ, mà là đang ngăn chận việc trừ bỏ ấy. Theo Anh hùng ký của Vương Xán, cuối thời Linh đế, Tào Tháo và Lưu Bị cùng nhau bỏ kinh đô Lạc Dương mà trở về nước Bái chiêu mộ quần chúng. Gặp khi Linh đế băng hà, Đổng Trác làm loạn, mới cất quân đánh Đổng Trác.
Vương Xán là người cùng thời với Tháo và từng phục vụ cho Tháo. Nếu lời ông ta là đúng, Tào Tháo không phải đợi đến khi Đổng Trác vào kinh mới bỏ chạy, mà đã rời kinh đô từ trước khi Linh đế băng hà. Vào thời điểm ấy, mâu thuẫn giữa hai dòng quý thích của Đổng Thái hậu và Hà Thái hậu đang căng thẳng.
Hoạn quan Kiển Thạc lại mâu thuẫn với Hà Tiến (sau khi Linh đế băng hà và thái tử Biện lên nối ngôi, Kiển Thạc sẽ bị bắt giam và chết trong ngục). Tào Tháo rất có thể đã trốn về đông để tránh mối nguy do quý thích muốn tiêu diệt hoạn quan. Sự thật đã chứng minh, khi Viên Thiệu đồ sát yêm hoạn, gia đình Tào Tháo hoàn toàn được vô sự.
Năng thần hết đường
Trong mười năm đầu làm chính trị, Tào Tháo muốn trở thành năng thần, thành một viên quan nắn sửa chính giáo. Nhưng rốt cuộc, Tháo chỉ gặp toàn thất bại. Dịch Trung Thiên cho rằng đó là vì triều Hán đã “thối rữa đến tận nóc”, nên Tháo chẳng thể làm “năng thần thời trị”. Thực ra chính Tào Tháo đã là biểu hiện của sự thối rữa đó.
Thời bấy giờ có câu ca dao: “Cử Tú tài, không biết chữ. Cử Hiếu liêm, cha ở riêng”. Tào Tháo lúc trẻ thì phóng đãng vô độ, cưỡng đoạt dân nữ, lừa cha hại chú, vậy mà cũng được cử Hiếu liêm! Loại Hiếu liêm “cha ở riêng” như Tào Tháo mà đòi nắn sửa chính giáo, về cơ bản là chẳng thể được.
Cái gọi là nắn sửa chính giáo của Tào Tháo chính là siết chặt hình phạt. Lúc làm Lạc Dương bắc bộ úy, Tháo siết chặt lệnh cấm đi đêm. Khi làm Tế Nam tướng, Tháo tấn công tín ngưỡng của dân. Lúc làm Thừa tướng, Tào Tháo bàn bạc việc khôi phục nhục hình thời cổ. Dịch Trung Thiên mặc dù đang đà tán tụng Tào Tháo, cũng rùng mình cảm thấy rằng “có thành phần “ác” ở đây”.
Việc Tào Tháo bàn kế diệt hoạn quan bị một số sử gia nghi ngờ |
Thật vậy, nền chính trị mà Tào Tháo thi hành lúc đó là nền chính trị tàn bạo. Tào Tháo muốn làm “tuần lại” (quan tốt), nhưng lại thực thi biện pháp của “khốc lại”. Đi đêm không phải tội chết, nhưng Tháo lại dùng gậy đánh chết người. Việc thờ cúng dẫu có xa xỉ, nhưng tiến tới phá hủy đền thờ thì là đi ngược với lòng dân. Thế nên Ứng Thiệu cho biết “sau Tháo đi, mọi việc lại như cũ”.
Dịch Trung Thiên từng chỉ ra rằng Tào Tháo không phải là người sáng tạo ra được cái mới. Tháo chỉ dựa vào ngôi nhà mục nát của triều Hán mà sửa sang lại đôi chút. Sở dĩ như thế là vì Tào Tháo không đại diện cho xu thế lịch sử. Xu thế lịch sử lúc bấy giờ là sĩ tộc lên nắm chính quyền.
Tào Tháo là hàn môn, lại là con cháu hoạn quan. Hành động của ông ta rất giống Lưu Bị, đều là muốn khôi phục lại sự huy hoàng của chế độ cũ. Nhưng nhà Hán dù cho có muốn trùng hưng lần nữa thì cũng phải dựa trên một nền tảng chính trị hoàn toàn mới. Nếu muốn như vậy thì phải kéo sập căn nhà mục nát xuống, nhưng Tào Tháo không có gan đó hay nói đúng hơn là không có tầm nhìn đó.
Người tích cực vận động cho bánh xe lịch sử tiến lên vào thời điểm đó chính là Viên Thiệu. Viên Thiệu chính là sĩ tộc, là người đại diện cho xu thế lịch sử. Lúc hai mươi tuổi, Viên Thiệu làm Bộc Dương trưởng (đứng đầu huyện lớn là lệnh, huyện nhỏ là trưởng), nhưng đã sớm mượn cớ cư tang để bỏ chức quan, cùng Trương Mạc, Hà Ngung, Hứa Du, Ngũ Quỳnh kết bạn làm du hiệp, mưu đồ việc lớn.
Khi Viên Thiệu trở lại triều đình lần thứ hai, chỉ vung tay một cái là quét sạch cơ đồ của Thập thường thị. Điều này Tào Tháo hoàn toàn không thể làm được. So với Viên Thiệu thì Tào Tháo chỉ như đứa trẻ con trên đường chính trị, dù Tháo đã lặn ngụp ở đó đến mười lăm năm. Tào Tháo còn thiếu sót những gì?.