Tuy nhiên, Tháo cũng chẳng thể thỏa hiệp mãi mãi. Tào Tháo cuối cùng cũng phải dọn sạch đám thần tử còn sót lại của nhà Hán, bất kể họ là người nào, tài năng ra sao, đức độ đến đâu và công lao đối với Tào Tháo đến bực nào. Cuối cùng, Tào Tháo sẽ tạo ra một thế giới như thế nào?
Mong muốn làm Vương
Tào Tháo ép chết Tuân Úc, Thôi Diễm, bãi chức Mao Giới, Trình Dục, tiến tước công rồi lên tước vương, đã đánh tan thế lực cuối cùng của đám trung thần nhà Hán. Ngay cả người thân thiết của Tháo cũng phải run sợ.
Ngụy lược viết lúc này các tướng đều đã nhận quan hiệu của nước Ngụy, riêng Hạ Hầu Đôn vẫn còn dùng quan hiệu nhà Hán. Đôn liền dâng sớ nói rằng mình “không thích hợp với cái lễ của kẻ không phải thần tử nhà Ngụy”, nói trắng ra là “xấu hổ vì làm quan nhà Hán, mong được nhận ấn của nhà Ngụy”.
Tôn Quyền nhân đó khuyên Tào Tháo lên ngôi thiên tử, bên trong thì Thị trung Trần Quần, Thượng thư Hoàn Giai, tướng quân Hạ Hầu Đôn, Chủ bạ Tư Mã Ý đều khuyên Tháo lên ngôi, nhưng Tháo chỉ nói rằng: “Nếu thiên mệnh ở ta, ta chỉ làm Chu Văn vương mà thôi”. Hồ Tam Tỉnh cho rằng Tào Tháo đem lời của Tôn Quyền nói với quần thần, “ấy là muốn dò xét lòng dạ mọi người đó thôi”.
Lời Tào Tháo tuyên bố chứa hàm nghĩa sâu xa. Tháo khẳng định sẽ không cướp Hán trong thời của mình, nhưng nếu mệnh trời cho họ Tào làm hoàng đế thì việc đó sẽ diễn ra vào đời con trai mình. Tào Tháo gần như là đáp trả trực tiếp lời khuyên của Tư Mã Ý:
“Vận Hán đã hết, mười phần thiên hạ thì điện hạ đã có chín phần, mà vẫn phụng sự họ. Quyền nay xưng thần, là ý của trời và người đó. Ngu, Hạ, Ân, Chu chẳng phải không khiêm nhường, mà là sợ mệnh trời vậy”.
Tào Tháo vừa muốn có tiếng, vừa muốn có miếng. Bấy giờ Hán Hiến đế đã cho Tháo dùng tinh kỳ của thiên tử, ra vào hô “cảnh, tất” để dẹp đường như thiên tử, mũ miện mười hai tua, tua xe bằng vàng, sáu ngựa kéo, năm người đánh xe. Toàn bộ là nghi vệ thiên tử. Tào Tháo chỉ còn thiếu mỗi danh hiệu thiên tử, nhưng Tháo vứt bỏ cái đó để mong thu được cái lớn hơn.
Đó lời ca tụng của hậu thế. Tào Tháo muốn được so sánh với Chu Văn vương Cơ Xương – ba phần thiên hạ đã có được hai, mà vẫn phụng sự nhà Ân. Tiếc là thiên hạ không dễ bị Tào Tháo gạt gẫm. Tháo vẫn được so sánh với Vương, nhưng không phải Văn vương mà là Vương Mãng!
|
Hạ Hầu Đôn chẳng thà bỏ chức tướng quân nhà Hán để sang với công quốc Ngụy |
Trương Lương và Trần Bình
Tào Tháo vừa muốn có được tay gấu, vừa có được vi cá, mà đó là điều mà Mạnh Tử vốn cho rằng không thể được. Tào Tháo phải tiếp tục duy trì tình trạng ốc mượn hồn, nhưng không thể tiếp tục thỏa hiệp giữa phò Tào và phò Hán nữa. Tào Tháo ép chết Tuân Úc, Thôi Diễm, bãi chức Mao Giới còn là để tạo ra một phong khí mới mẻ trong việc tuyển lựa nhân sự.
Tam quốc chí cho biết Thôi Diễm, Mao Giới nắm việc tuyển chọn. Những người được tiến cử “đều là kẻ sĩ thanh liêm chính trực”, “dẫu là kẻ có danh lớn mà phẩm hạnh không đoan chính giữ phận, nhất định không được tiến cử”. Nhưng Tào Tháo đã thay đổi giọng điệu, trở ngược lại nhấn mạnh đến bọn “mang cái danh ô nhục, bị người ta đàm tiếu về đức hạnh, hoặc bất nhân bất hiếu mà kẻ đó có tài trị quốc hay có thuật dụng binh”.
Nếu như Tháo ví Tuân Úc như là Trương Lương thì những người mà sau này Tháo tìm kiếm lại là hình mẫu của Trần Bình, đúng như lời Tháo nói “bức hiếp chị dâu, nhận vàng hối lộ”. Ba lần cầu hiền những năm Kiến An 15, 19, 22, Tháo đều nhắc tới Trần Bình. Những người Tháo giết như Tuân Úc, Thôi Diễm lại chính là Trương Lương. Ấy là bởi vì tình thế chính trị lúc đó, Tào Tháo rất cần những kẻ có tài mà không kể đến liêm sỉ, vì Tào Tháo đang sắp đặt cho con trai mình cướp Hán. Ngược lại, kẻ sĩ tài đức giống như Trương Lương chỉ là vật cản, cần phải nhổ bỏ.
Chân tướng Trần Bình
Hoa Hâm chính là người đóng vai trò Trần Bình mà Tào Tháo mong muốn. Tiểu truyện về Hoa Hâm trong Tam quốc chí được viết ra dưới âm hưởng ngợi ca. Trần Thọ khen Hâm “thanh bạch, phẩm hạnh thuần khiết” và dẫn ra nhiều việc để chứng minh. Lúc Hoa Hâm đi gặp Tào Tháo, tân khách tiễn tặng mấy trăm cân vàng. Hâm đều trả lại cho họ.
Khi làm quan thì có bổng lộc là đem giúp thân thích và người quen cũ, trong nhà không tích trữ tới trăm cân gạo. Ngụy lược khen rằng Hoa Hâm cùng Bỉnh Nguyên, Quản Ninh cùng du học. Người đời khen Hâm là đầu rồng, Nguyên là thân rồng, Ninh là đuôi rồng. Khi Tào Tháo phế Tuân Úc, đã cho Hâm thay làm Thượng thư lệnh.
Tuy nhiên Hoa Hâm thực tế là kẻ hai mặt. Thế thuyết tân ngữ cho biết Hâm cùng Quản Ninh cuốc đất ở trong vườn, làm bật lên một miếng vàng. Quản Ninh cứ thế cuốc luôn, xem nó như đá, ngói. Hoa Hâm thì nhặt lên, nhìn ngó một hồi rồi mới vứt. Lại một lần hai người cùng ngồi một chiếu để đọc sách, chợt có một chiếc kiệu đẹp đi qua cửa.
|
Phục hoàng hậu bị phế có vai trò rất quan trọng của Hoa Hâm |
Quản Ninh chẳng thèm để ý, còn Hoa Hâm thì vứt sách chạy ra xem. Quản Ninh bèn lấy dao cắt chiếu ra làm đôi, nói với Hâm: “Thầy chẳng phải bạn ta vậy”. “Cắt chiếu tuyệt giao” đã trở thành điển tích nổi tiếng ở Trung Quốc. Con người Hoa Hâm vốn là hết sức hâm mộ vinh hoa phú quý, nhưng lại giả bộ thanh cao. Quản Ninh cuối cùng cũng chịu hết nổi nên mới phản ứng một cách quyết liệt.
Lý lịch chính trị của Hoa Hâm rất phức tạp. Đầu tên ông ta làm việc cho Đổng Trác. Nhưng khi Trác thất bại chạy về Trường An thì Hâm viện cớ xin ra làm quan ở ngoài, rồi làm việc cho Viên Thuật, bày mưu cho Thuật đánh Trác. Kế đó Hoa Hâm bỏ Thuật, theo Thái úy Mã Nhật Đê làm quan cho triều đình, được bổ làm Thái thú Dự Chương. Khi Tôn Sách bình định Giang Đông, Hoa Hâm đã mở cửa thành dâng Dự Chương lên cho Sách.
Tôn Thịnh nhận xét rằng “Hâm đã không có phong thái lánh đời ở ẩn của Di Hạo, lại làm mất cái tiết tháo hiến thân tận trung với quân vương của bầy tôi, cho nên mềm lòng với lời khuyên của bọn học trò xấu xa, kết giao với lũ vô lại càn bậy, ngôi vị bị cướp đoạt bởi đứa trẻ ranh, hủy hoại tiết tháo lúc đương thời”. Tôn Sách chết rồi, Tôn Quyền lên thay. Tào Tháo gọi Hâm tới làm quan cho mình, Hâm liền tới ngay, dù Quyền có ý muốn giữ lại.
Hoa Hâm là một kẻ bất tài về mặt chính trị. Thái Sử Từ từng nhận xét Hâm “không phải là người có tài trù liệu”. Lúc ở Dự Chương, Đồng Chi giả xưng Thái thú ở Lư Lăng, dân chúng ở Bà Dương chia nhau giữ đất, không chịu sự sai khiến của những trưởng lại do Hâm đặt, còn tuyên bố lập một quận riêng. Hâm “không thể dàn xếp xong”. Năm sáu ngàn nhà ở Thượng Liễu họp nhau lại, chỉ đóng thuế, nhưng không thèm đáp ứng lệnh triệu dân đinh. Hâm “cũng chỉ đứng nhìn mà thôi”. Tào Tháo đánh Tôn Quyền, lấy Hoa Hâm làm Quân sư. Chiến dịch đó cũng phải về không, chẳng làm nên trò trống gì.
Tuy nhiên, Hoa Hâm đến với Tào Tháo đã phát huy rất hiệu quả vai trò của kẻ “bức hiếp chị dâu, nhận vàng hối lộ”. Trong vụ án Phục hoàng hậu, Hoa Hâm là người đã xông vào cung đình bắt hoàng hậu. Phục hậu trốn trong bức vách. Hoa Hâm phá vách lôi ra. Hậu bị nắm đầu, đi chân không, bị giải qua trước mặt Hán Hiến đế.
Hiến đế nói với Ngự sử Đại phu Si Lự rằng: “Si công, thiên hạ yên ổn là như vầy ư?”. Si Lự bấy giờ cũng câm miệng, vì Lự chính là người bới móc tội chứng để Tào Tháo có cớ diệt Khổng Dung, mở đường cho Tào Tháo cướp Hán. Sau khi Tào Phi lên thay làm Ngụy vương, đã thưởng cho Hâm chức Tướng quốc của nhà Hán.
Nhà Ngụy cướp ngôi nhà Hán, công của Hoa Hâm không nhỏ. Nhưng trình độ giả vờ của Hâm rất cao. Lúc Tào Phi xưng đế, Hâm “tỏ sắc mặc không hài lòng” nên bị giáng làm Tư đồ. Tào Phi hỏi Trần Quần rằng sao Quần, Hâm không tỏ vẻ vui mừng.
Trần Quần đã khai thật, rằng cả hai “từng là tôi thần của Hán triều”, nên “trong lòng dẫu mừng vui, nhưng tỏ rõ trên nét mặt như họ, cũng sợ bệ hạ ban thưởng ngay thì thêm tiếng xấu”. Hoa Hâm là ví dụ tiêu biểu cho cái gọi là “có tài là dùng” của Tào Tháo. Rốt cuộc Tào Tháo sẽ gặt hái được những gì?