Tôn Vũ và kẻ trồng dưa
Mở đầu truyện về Tôn Kiên, Trần Thọ đã viết rằng: “Tôn Kiên tự là Văn Đài, người quận Ngô huyện Phú Xuân, có lẽ là hậu duệ của Tôn Vũ”. Nguyên văn là: “Cái Tôn Vũ chi hậu dã”. Trịnh Tô Niên thời Thanh có nói rằng viết như thế là từ biểu thị sự nghi vấn. Nghĩa là sự nối kết giữa Tôn Kiên với Tôn Vũ là không rõ ràng.
Lại nữa, Ngô thư do Bùi Tùng Chi chú dẫn có nói: “Kiên nhiều đời làm quan ở Ngô”. Điều này cũng không có bằng chứng. Vì thời nhà Hán, nhiều đời làm quan tức là sĩ tộc, mà sĩ tộc thì tất yếu phải có sĩ tịch, nghĩa là ít nhất phải biết được ông tổ nhà ấy là ai, làm chức nào thời vua nào; cha là ai, làm chức nào thời vua nào. Lấy tiêu chuẩn này mà xét thì Lưu Bị gốc gác cao quý rõ ràng nhất.
Tào Tháo mờ mịt hơn, nhưng ít ra còn biết tới thời ông thời cha là Tào Đằng, Tào Tung là giai đoạn bắt đầu quý hiển thực sự, đèo thêm ông Tào Tham cùng quê làm tổ cho sang, rồi dần dần nối lên tới Tào thúc Chấn Đạc, rồi vua Thuấn. Đối với Tôn Kiên thì không được như vậy. Ngay cả cha của Tôn Kiên là ai, làm gì mà sử thần cũng im re. Tôn Kiên mất sớm đã đành, nhưng Tôn Quyền con ông ta đã sớm xưng hầu, vương, đế, mà người chú là Tôn Tĩnh vẫn còn sống cho đến lúc Tôn Quyền nắm chính sự, lẽ nào lại không biết?
Minh họa Tôn Kiên thời nhà Thanh |
Có thể nói rằng sử thần nước Ngô im lặng, mập mờ về tổ tiên Tôn Kiên cũng giống như Trần Thọ mập mờ về tổ tiên Tào Tháo. Vốn là biết đấy, nhưng giả vờ bịt tai trộm chuông. Sách Tống thư của Thẩm Ước (441-513) thời nhà Lương trong phần Phù thụy chí có nói: “Tổ của Tôn Kiên tên là Chung, nhà ở quận Ngô, huyện Phú Xuân, sống cùng với mẹ, tính chí hiếu, gặp năm đói, lấy nghề trồng dưa để mưu sinh. Chợt có ba thiếu niên trỏ Chung mà xin dưa. Chung hậu đãi. Ba người bảo với Chung rằng:
“Dưới núi này rất tốt, có thể làm mả, chôn ở đó thì được làm thiên tử. Ngài hãy đi xuống dưới núi, lấy một trăm bước làm hẹn, rồi ngoái lại nhìn bọn ta bay đi, thì mới có thể chôn được”. Chung đi ba mươi bước liền ngoái lại nhìn, thấy ba người cùng cưỡi hạc trắng bay đi. Chung chết, liền chôn ở đất ấy. Đất này ở phía đông thành, trên mộ thường có ánh sáng quái lạ, có khí mây năm sắc, bốc lên đến trời, kéo dài đến mấy dặm. Phụ lão bảo với nhau rằng: “Đấy là khí phi phàm,, họ Tôn đã hưng thịnh rồi”.” Đấy tức là nói họ Tôn đến thời Tôn Chung vẫn còn nghèo, chỉ là kẻ trồng dưa. Sau đời Tôn Chung mới phất lên. Vậy Tôn Chung là ai?
Bùi Khải thời Đông Tấn trong sách Ngữ lâm có nói: “Ngô chủ Tôn Hạo tự là Tôn Tân, là cháu bốn đời của Chung”. Sách Dị uyển của Lưu Kính Thúc cuối thời Đông Tấn, đầu thời Nam Bắc triều cũng có chép cha của Kiên tên là Tôn Chung, vì đem dưa cúng cho dị nhân nên được cho mảnh đất tốt. Nói tóm lại sự việc cha của Tôn Kiên là Tôn Chung vốn là kẻ trồng dưa đã được rất nhiều người biết đến và chép lại, không chỉ trong sử sách chính thống mà còn đi cả vào truyện kể dân gian. Đặc biệt là ghi chép của Tống thư về mặt văn tự là y hệt như lời trong Ngô thư về ngôi mộ tốt của nhà họ Tôn. Có điều Ngô thư im lặng về Tôn Chung.
Kẻ hăng hái nhất
Nói “hậu duệ Tôn Vũ”, “nhiều đời làm quan ở Ngô” e rằng chỉ là nói dối. Chính Tam quốc chí cũng nói Tôn Kiên chỉ là một tiểu lại, sau khi chém được bọn giặc cướp ở Tiền Đường mới bắt đầu nổi danh và được triệu làm Giả úy, tức là chức quan tạm thời. Cuộc đời Tôn Kiên suốt thời Hán Linh đế gắn liền với việc chinh chiến. Tôn Kiên mộ nghĩa binh đánh bọn Dương Minh hoàng đế làm phản ở phía nam, đi làm huyện thừa ở mấy huyện thuộc Hoài, Tứ (Diêm Độc, Hu Di, Hạ Bi); rồi sau nhờ người cùng châu quận là Chu Tuấn dâng biểu, Tôn Kiên được cử làm Tá quân Tư mã, đem hương binh và tinh binh tình nguyện ở Hoài, Tứ đi đánh Trương Giác; kế đó theo Xa Kỵ tướng quân Trương Ôn sang phía tây đánh Biên Chương, Hàn Toại; về triều làm Nghị lang rồi ra làm Thái thú Trường Sa để đánh phản tặc Khu Tinh. Tôn Kiên quét sạch quân phản loạn ở ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng và nhờ chiến công nên được phong tước Ô Trình hầu.
Với tước vị đó, Tôn Kiên là một trong số những chư hầu tiến đánh Đổng Trác đầu thời Hán Hiến đế. Trong văn học dân gian Tam quốc chí bình thoại cũng như tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa, Tôn Kiên đều được mô tả là người tích cực nhất: “con em Trường Sa là người đến trước tiên”, “chớ bảo Giang Nam thiếu anh tài, trăng sao sáng rỡ chiếu Văn Đài, muốn trừ Đổng Trác yên thiên hạ, con cháu Trường Sa tới sớm thay”. Các tư liệu lịch sử cũng cho thấy Tôn Kiên là người tích cực đánh Đổng Trác nhất. Đổng Trác cho rằng chỉ có Kiên là đáng lo, còn muốn đến cầu thân với Kiên. Tôn Kiên tiến quân tới Đại Cốc cách Lạc Dương chín mươi dặm. Đổng Trác liền đốt Lạc Dương, chạy về Trường An. Tôn Kiên đàng hoàng tiến vào Lạc Dương, “buồn bã rơi nước mắt”, sau đó “tu bổ lăng mộ, sửa sang những chỗ mồ mả bị Trác đào lên”, “quét dọn tông miếu nhà Hán, tế tự bằng cỗ thái lao”, rồi trở về Lỗ Dương. Viên Thiệu sai Chu Ngung đến tranh chức của Tôn Kiên. Kiên bùi ngùi nói: “Cùng cất nghĩa binh, cứu giúp xã tắc. Nghịch tặc sắp bị phá mà mọi người như thế, ta sẽ hợp sức với ai đây?”. Trần Thọ nói rằng: “có cái cứng cỏi của kẻ sĩ trung tráng”. Thế nhưng hành trạng của Tôn Kiên luôn luôn có vấn đề.
Tôn Kiên khởi binh đánh Đổng Trác, nhưng người ông ta đánh trước không phải là Đổng Trác, mà là mệnh quan của nhà Hán. Phạm Diệp trong Hậu Hán thư đã viết một câu rất ngụ ý, rằng: “Tôn Kiên giết Thứ sử Kinh Châu là Vương Duệ, lại giết Thái thú Nam Dương là Trương Tư”. Phạm Diệp là người đã mô phỏng bút pháp Xuân Thu của Khổng Tử vào sách của mình, nên lời ông ta có hàm ý. Ông ta không thừa nhận chức quan của Tôn Kiên mà chỉ chép tên không, ngược lại chép rõ chức vụ của hai người bị giết. Lư Bật nhà Thanh cũng có nhận xét rằng: “Chu Ngung cùng Tôn Kiên tranh Dự Châu. Kiên bùi ngùi than rằng: “Cùng cử nghĩa binh, mà ai nấy lại như thế”, nói xong thì rơi lệ. Thế mà Kiên với Duệ cũng cùng cử nghĩa binh, dựa vào cái gì mà ngang ngược giết Kinh Châu Thứ sử, Nam Dương Thái thú?”.
Từ trên xuống: Trương Giác, Viên Thiệu, Tôn Kiên |
Thực vậy, chúng ta cứ nói chuyện Lưu Đại giết Kiều Mạo, Viên Thiệu nuốt Hàn Phức, nhưng Tôn Kiên mới là kẻ đầu tiên gieo mầm đánh giết lẫn nhau trong liên quân Quan Đông. Ngô lục nói rằng Thứ sử Kinh Châu Vương Duệ là người cũng cất nghĩa binh đánh Đổng Trác. Thế nhưng Duệ ngày xưa “cho Kiên là quan võ, nói năng rất khinh rẻ”, “vô lễ với Kiên”; rồi lại muốn đánh Thái thú Vũ Lăng là Tào Dần, vì Dần không theo Duệ đánh Trác. Duệ bèn làm giả hịch của Án hành Ngự sử Ôn Nghị sai bắt Duệ hành hình. Tôn Kiên liền “lặc binh” (quay quân lại) đánh Duệ, giả vờ là tới xin thêm của cải. Vương Duệ rất khảng khái, mở ngay kho tàng đem cho quân lính. Tôn Kiên xuất hiện đòi giết Duệ. Duệ hỏi mình có tội gì? Tôn Kiên liền nói: “Ta không được biết”, thế là Kiên ép Duệ uống nước mài từ vàng sống (có độc) mà chết. Mấy trăm năm sau, Nhạc Phi cũng sẽ hỏi Tần Cối một câu tương tự như thế, và cũng được trả lời gần giống như thế.
Vương Duệ cho của cải bị giết. Thái thú Nam Dương là Trương Tư không cho cũng bị giết. Trương Tư là người do Trác bổ nhiệm, nhưng đến sở quan liền khởi binh đánh Trác. Kiên sắp đến thì phát hịch đòi lương thực. Chủ bạ của Tư bảo rằng Kiên là quan ở quận bên cạnh, không nằm trong diện phát lương. Tôn Kiên liền giết Tư. Hồng Mại thời Thanh nói rằng: “Trường Sa là thuộc quận của Kinh Châu, chịu đốc trách bởi Thứ sử Vương Duệ. Tôn Kiên vì sự phẫn nộ riêng tư mà giết đi. Thái thú Nam Dương là Trương Tư cùng là quan nhị thiên thạch ở quận kề bên. Kiên lại bắt lấy chém đi. Chỉ là một kẻ khư khư giữ chức quận thú, nhân binh uy nhất thời, ngông cuồng giết hại phương bá ở quận kế bên, há có được gọi là cần vương sao?”. Tôn Kiên với người cùng khởi binh thì hổ báo như thế, nhưng vừa gặp một người thì lại bỗng dưng hóa thành con mèo ngoan ngoãn, làm chó vẫy đuôi. Kẻ ấy là ai?.