Tuy nhiên, Lưu Biểu dù có lòng nhưng cũng chẳng thể hành động một cách mạnh mẽ. Rốt cuộc là có vấn đề gì?
Kinh Châu chọn Lưu Biểu
Tập đoàn Lưu Biểu có một đặc trưng quan trọng. Đó là ngay từ lúc bắt đầu nó đã không đặt ra nhiệm vụ tranh giành thiên hạ. Trong Long Trung đối giữa Lưu Biểu với Khoái Lương, Khoái Việt thì Lưu Biểu chỉ đề cập đến kế sách bảo vệ Kinh Châu. Khoái Lương, Khoái Việt cũng khác hẳn với Trương Hoành, Lỗ Túc, Gia Cát Lượng. Họ không hề nâng tầm chiến lược đó lên và hướng quân chủ của mình đến việc tranh giành thiên hạ.
Tất cả đều đồng thuận với một mục tiêu duy nhất là giữ gìn Kinh Châu. Lưu Biểu đã nhận xét ngầm ý rằng chiến lược của Khoái Việt để tiêu diệt tông tặc là kế sách ngắn hạn, chiến lược dùng nhân nghĩa để vỗ về mọi người của Khoái Lương là chính sách lâu dài. Không hề có đề mục nào về việc bành trướng thế lực Kinh Châu. Nói cách khác, trí thức Kinh Châu không đặt ra mục tiêu tranh giành thiên hạ, mà chủ yếu là “muốn yên thân trong thời loạn, chẳng cầu hiển đạt với chư hầu”.
Vì những lý do đó, Kinh Châu đã chọn Lưu Biểu. Trước Lưu Biểu, Kinh Châu đã có những đại diện mạnh mẽ hơn, ví dụ như Tôn Kiên hay Viên Thuật. Nhưng chỉ có Lưu Biểu được chọn. Lưu Biểu là mệnh quan chính thức từ triều đình phái xuống, là dòng dõi nhà Hán, nhưng quan trọng nhất là Lưu Biểu đã chìa bàn tay ra với sĩ tộc Kinh Châu. Khi cưỡi một con ngựa đi vào Nghi Thành, Lưu Biểu đã hợp tác với đại diện của hai dòng họ lớn là họ Sái và họ Khoái.
Đại diện của họ Sái là Sái Mạo. Tương Dương kỳ cựu ký nói: “Nhà Mạo ở trên bãi Sái Châu, nhà cửa rất đẹp, bốn vách tường đều xếp đá xanh, tì thiếp mấy trăm người, tài sản riêng ở bốn năm chục chỗ. Cuối thời Hán những người họ Sái cực thịnh.
Chị gái của Sái Phúng gả cho Thái úy Trương Ôn, con trưởng làm vợ của Hoàng Thừa Ngạn, con gái nhỏ làm vợ sau của Lưu Cảnh Thăng, là chị của Mạo”. Bãi Sái Châu ở phía nam Miện Thủy cũng bởi vì là chỗ ở của nhà họ Sái mới có tên gọi là Sái Châu. Anh em Khoái Lương, Khoái Việt ở Trung Lư, Nam quận cũng là dòng họ có thế lực. Bọn họ tự nhận rằng “Việt vốn có nuôi dưỡng một số kẻ” trong đám tông tặc.
Chính nhờ đó mà hô một tiếng là rất nhiều thủ lĩnh tông tặc Kinh Châu đã kéo đến cho Lưu Biểu diệt gọn. Nói cách khác, họ Sái, họ Khoái thực ra cũng là tông tặc. Lưu Biểu dựa vào tông tặc cấp cao để nuốt tông tặc cấp thấp. Dùng tông tặc cấp cao ở bắc Kinh Châu (Sái, Khoái) để bình định tông tặc cấp cao ỏ nam Kinh Châu (Trương Tiễn). Cho nên Kinh Châu mà Lưu Biểu chiếm được không hẳn là Kinh Châu của Lưu Biểu, mà là Kinh Châu của tông tặc Sái, Khoái. Là Kinh Châu lựa chọn Lưu Biểu, chứ không phải Lưu Biểu lựa chọn Kinh Châu.
Minh họa Khoái Việt của họa sĩ Hứa Lực cho thấy Việt đang cầm Kinh Châu trong tay |
Cũng chính vì lẽ đó, Lưu Biểu thành công hay thất bại là phải dựa vào mức độ của hai nhà Sái, Khoái. Lưu Biểu đã bình định Kinh Châu không mấy khó khăn, nhưng tranh giành với thiên hạ thì lại hết sức khó khăn.
Lẽ đơn giản, Kinh Châu yên ổn là bảo vệ được lợi ích của hai họ Sái, Khoái. Kinh Châu dốc sức đánh nhau với người ta thì hai họ đó sẽ bị tổn hại trước hết. Nhất là kẻ mà Lưu Biểu muốn đánh lại là Tào Tháo thì lại càng không được. Vì Tào Tháo thân thiết với Sái Mạo. Tương Dương kỳ cựu ký nói: Mạo “lúc nhỏ thân thiết với Ngụy Vũ”.
Sau này Tào Tháo vào Kinh Châu sẽ đích thân tới nhà Sái Mạo, “hô gọi vợ con Mạo ra gặp, bảo rằng: Đức Khuê (Sái Mạo tự Đức Khuê), có còn nhớ hồi xưa cùng đi gặp Lương Mạnh Tinh, mà Mạnh Tinh chẳng biết nhìn người chăng? Nay nghe ta ở đây, hắn còn mặt mũi nào mà gặp khanh nữa?”.Chính vì sự thân thiết đó, Lưu Biểu chống Tào Tháo rất chật vật, mặc dù Biểu chống Tào khá tích cực. Đến nỗi sau trận Quan Độ, Tào Tháo nhiều lần sẵn sàng gác vấn đề họ Viên qua một bên để đánh Kinh Châu nếu như không có Tuân Úc, Tân Bì can ngăn.
Rao bán Kinh Châu
Vào thời điểm chiến dịch Quan Độ, trước khi Trương Tùng chạy đông chạy tây để bán đất Thục thì tông tặc Kinh Châu đã nhao nhao đòi bán Kinh Châu cho Tào Tháo. Trong lúc Lưu Biểu muốn dò xét sơ hở (quan hấn) của Tào Tháo, thì bọn Tòng sự Hàn Tung, Biệt giá Lưu Tiên đã khuyên Lưu Biểu “chi bằng đem cả châu quy phụ Tào Công”. Hàn Tung cũng sẽ nói lại rằng Biểu nên “trên thuận theo thiên tử, dưới quy về Tào Công”.
Thậm chí “Đại tướng của Biểu là Khoái Việt cũng khuyên Biểu, Biểu hồ nghi”. Kết quả, Hàn Tung đi sứ Tào Tháo, trở về thì cực lực khen ngợi đức độ của Tháo. Biểu nổi giận, nghi ngờ Hàn Tung theo phe Tào Tháo nên điều tra những người đi cùng. Trần Thọ liền bám vào đó mà chê Biểu “ngoài mặt tuy nho nhã, mà trong lòng nhiều nghi kỵ, đại loại đều như thế”. Thực sự không hẳn như vậy.
Có thể thấy rõ rằng thế lực sĩ tộc Kinh Châu đã chủ trương trái ngược hoàn toàn với Lưu Biểu. Đó là tình cảnh mà sau này Tôn Quyền sẽ gặp lại trước trận Xích Bích. Tôn Quyền muốn bảo vệ quyền lực riêng của bản thân, còn bề tôi thì lại muốn bán đất cho chỗ “được giá” hơn.
Lưu Biểu muốn chống lại xu hướng đó thì phải tấn công vào thế lực đòi bán Kinh Châu. Nhưng Biểu không thể đánh Khoái Việt, vì họ Sái là một trong hai cột trụ chống đỡ chính quyền Lưu Biểu. Lưu Biểu phải thông qua việc tấn công Hàn Tung để ngăn chặn làn sóng đòi bán Kinh Châu. Mà đòn đánh này của Lưu Biểu cũng chẳng khác gì phủi bụi. Lưu Biểu không tra khảo Hàn Tung, mà chỉ tra khảo những người đi theo Tung.
Câu chuyện kết thúc khi vợ của Lưu Biểu là Sái Thị lên tiếng. Sái Thị nói rằng: “Hàn Tung là kẻ được trọng vọng ở nước Sở, vả lại hắn ta nói thẳng, giết đi thì không biết ăn nói thế nào”. Lưu Biểu “bèn thôi” (nãi chỉ). Có tài liệu cho rằng Lưu Biểu bắt giam Hàn Tung, nhưng vài nhà nghiên cứu như Hà Chước, Lưu Bân đã nghi ngờ điều đó, vì sau này Hàn Tung sẽ xuất hiện một lần nữa để khuyên Lưu Tông hàng Tào.
Lưu Bị dự hội tại Kinh Châu. Bản in năm 1591 |
Quan điểm chống Tào của Lưu Biểu sẽ không thay đổi, và Lưu Biểu phải bổ sung vào tập đoàn bằng những người thuộc dòng họ mình. Lưu Biểu đã có Hoàng Tổ ở Giang Hạ. Ở mặt nam, Lưu Biểu cử cháu họ là Lưu Bàn tới trấn thủ huyện Du ở quận Trường Sa, có Trung lang tướng Hoàng Trung theo giúp đỡ. Bàn “là người kiêu dũng”, nhiều lần đánh các huyện Ngải và Tây An của Tôn Sách. Sách phải thành lập ra huyện Kiến Xương, lấy Thái Sử Từ làm Đô úy, đóng ở Hải Hôn để chống cự Lưu Bàn.
Sau khi bình định Trương Tiễn, những Thái thú mới như Kim Toàn, Lưu Độ đều là người miền bắc, không thuộc sĩ tộc Kinh Châu. Nhưng người quan trọng nhất với Lưu Biểu là Lưu Bị. Vào trận Quan Độ, Trương Tú đã bỏ sang hàng Tào Tháo. Phòng tuyến mặt bắc của Lưu Biểu bị hở. Vì thế, khi Lưu Bị tới Kinh Châu, Lưu Biểu ra ngoài thành đón tiếp, ủy thác cho Lưu Bị đóng ở Tân Dã, rồi sau đó sai Lưu Bị đánh vào huyện Diệp, đại phá quân Tào ở gò Bác Vọng.
Trần Thọ hoàn toàn biết rõ những chuyện này, nhưng ông ta vẫn cố tình chê “Lưu Bị chạy đến chỗ Biểu, Biểu hậu đãi Bị, nhưng không trọng dụng”. Không trọng dụng mà vào thời điểm Tào Tháo kéo quân tới, Lưu Bị từ huyện Tân Dã đã chuyển qua trú đóng ở thành lớn Phàn Thành.
Những động thái này đều được bọn tông tặc Sái, Khoái quan sát cụ thể. Họ chẳng dễ gì khoanh tay ngồi nhìn. Nếu họ không chết thì ai phải chết?