Những “gián điệp” không biết nói
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mới đây đã cho giải mật một số tài liệu về việc sử dụng các loài động vật như chim bồ câu, cá heo... vào mục đích do thám, gián điệp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
CIA tin rằng động vật có thể hoàn thành các nhiệm vụ “độc nhất” cho các hoạt động bí mật của cơ quan. Bên trong trụ sở CIA tại Langley bang Virginia có một bảo tàng và người ta có thể nhìn thấy một con chim bồ câu mô hình với một máy ảnh gắn liền với nó. Trước đây, nhiệm vụ chim bồ câu gián điệp của CIA được phân loại tuyệt mật.
Hoạt động chim bồ câu gián điệp với những chiếc máy ảnh siêu nhỏ để tự động chụp ảnh trong thập niên 1970 được đặt mật hiệu là Tacana. CIA tận dụng thực tế là chim bồ câu sở hữu một khả năng đáng kinh ngạc - gần như là một siêu năng lực, đó là chúng có thể được thả xuống một vị trí lạ mà chúng vẫn có thể tìm thấy con đường để trở về nhà cách đó hàng trăm kilomet.
|
Chim bồ câu gắn thiết bị ghi hình |
Việc sử dụng chim bồ câu để liên lạc có từ hàng ngàn năm trước nhưng trong Chiến tranh thế giới lần 1, chúng bắt đầu được sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Trong Chiến tranh thế giới lần 2, một nhánh ít được biết đến của tình báo Anh - gọi là MI-14 (hay Section 14) - đã điều hành một “Tiểu ban Chim bồ câu bí mật” sử dụng dù thả chim được nhốt trong một chiếc hộp đặc biệt trên không phận khu vực châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng.
Hơn 1.000 con chim bồ câu đã trở lại với một loạt thông điệp bao gồm thông tin chi tiết về một số địa điểm phóng tên lửa V1 và trạm radar của Đức. Một tin nhắn từ nhóm kháng chiến có tên Leopold Vindictive giúp tạo ra một báo cáo tình báo dài 12 trang được gửi trực tiếp đến Thủ tướng Anh thời kỳ bấy giờ là Winston Churchill.
Sau chiến tranh, một “Tiểu ban chim bồ câu” đặc biệt của Ủy ban Tình báo Hỗn hợp (JIC) của Anh đã xem xét các lựa chọn sử dụng phục vụ cho Chiến tranh Lạnh. Sau đó, các hoạt động của Anh chủ yếu ngừng hoạt động, CIA đã tiếp quản việc khai thác sức mạnh của chim bồ câu.
Bí mật cuối phần “giải mật”
Chiến dịch Tacana phát triển từ thập niên 1960, xem xét việc sử dụng cho các động vật khác nhau. Các tài liệu tiết lộ rằng CIA đã huấn luyện một con quạ để tìm và mang về các vật thể nhỏ có trọng lượng lên tới 40g từ bệ cửa sổ của các tòa nhà không thể tiếp cận. Một chùm tia laser màu đỏ nhấp nháy được sử dụng để đánh dấu mục tiêu, sau khi con quạ đó lấy được mục tiêu thì một chiếc đèn đặc biệt sẽ được sử dụng để gọi con chim bay trở lại.
Trong một lần ở châu Âu, CIA đã bí mật sử dụng chim để đưa một thiết bị nghe lén đến một cửa sổ (mặc dù không có âm thanh nào thu thập được từ mục tiêu dự định). CIA cũng xem xét liệu những con chim di cư có thể được sử dụng để đặt cảm biến dò tìm xem Liên Xô có thử nghiệm vũ khí hóa học hay không. CIA cũng thử nghiệm về một số loại kích thích não điện để hướng dẫn chó từ xa, mặc dù nhiều chi tiết vẫn được phân loại tuyệt mật...
Trong những năm 1960, CIA đã chi khoảng 10 triệu đô la để phẫu thuật sửa đổi mèo để chúng có thể chuyển các bản ghi âm về những gì diễn ra trong các đại sứ quán Liên Xô. Chương trình này dường như không hoạt động, vì những con mèo thường tự đi lang thang và hoạt động Acoustic Kitty đã bị hủy bỏ vào năm 1967. Hồ sơ về chương trình này đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1989.
Các tài liệu giải mật cho thấy cũng trong thập niên 1960, CIA đã xem xét việc sử dụng cá heo để “xâm nhập bến cảng”. Tuy nhiên việc này gặp khó khăn trong quá trình bàn giao quyền kiểm soát từ một huấn luyện viên đã làm việc với một con cá heo cho một đặc vụ.
|
Cá heo đã từng được huấn luyện và sử dụng vào mục đích tình báo |
Tại Key West Florida, một nhóm điệp viên CIA đã cố gắng sử dụng cá heo để tấn công dưới nước chống lại tàu địch. Cũng có những thử nghiệm về việc liệu cá heo có thể mang cảm biến để thu thập âm thanh của tàu ngầm hạt nhân Liên Xô, hay dò tìm dấu vết phóng xạ hoặc vũ khí sinh học từ các cơ sở gần đó. Họ cũng xem xét liệu cá heo có thể lấy hoặc đặt các “gói hàng” lên chiếc tàu đang di chuyển hay không.
Đến năm 1967, CIA đã chi hơn 600.000 USD cho 3 chương trình: Oxygas cho cá heo, Axiolite liên quan đến chim và Kechel với chó và mèo. Một tập tin chi tiết về chương trình đào tạo sử dụng chim ưng Canada để do thám, thậm chí trước đó còn đề cập đến quá trình thử nghiệm sử dụng một con vẹt làm nhiệm vụ gián điệp.
Chim bồ câu tỏ ra hiệu quả nhất và đến giữa thập niên 1970, CIA bắt đầu thực hiện một loạt các nhiệm vụ thử nghiệm. Một thử nghiệm tiến hành bên trên một nhà tù, thử nghiệm khác ở Navy Yark - nhà máy đóng tàu hải quân ở Washington DC.
Các thử nghiệm cho thấy khoảng một nửa trong số 140 bức ảnh trên một cuộn phim có chất lượng tốt. Các bức ảnh cho thấy chi tiết rõ ràng về những người đi bộ và xe hơi đậu tại Navy Yard. Các chuyên gia nhận thấy rằng chất lượng của các bức ảnh cao hơn so với những bức ảnh được cung cấp bởi các vệ tinh gián điệp hoạt động vào thời điểm Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, một mối lo ngại phát sinh trong các chương trình thử nghiệm là nếu một người nào đó tình cờ phát hiện ra chim bồ câu có gắn thiết bị do thám và bắt đầu nghi ngờ thì toàn bộ “vỏ bọc” này sẽ bị phát giác.
Nhiệm vụ dự định là sử dụng chim bồ câu để thực hiện các mục tiêu tình báo “ưu tiên” trong Liên Xô. Các tập tin giải mật chỉ ra rằng những con chim sẽ được bí mật vận chuyển đến Moskva. CIA đã xem xét rất nhiều cách thả chim bồ câu gián điệp khả thi, như là từ dưới lớp áo khoác dày hoặc từ một lỗ trên sàn xe hơi khi đỗ. Họ thậm chí còn xem xét liệu chim bồ câu có thể được thả ra từ một chiếc ô tô trong khi chiếc xe đang di chuyển với tốc độ lên tới hơn 80km/giờ.
Một tài liệu giải mật tháng 9/1976 tiết lộ về mục tiêu được chọn là các nhà máy đóng tàu tại Leningrad - những nơi chế tạo tàu ngầm tiên tiến nhất của Liên Xô. Tại thời điểm này, chiến dịch này đã được phê duyệt đưa vào triển khai và có vẻ khả thi.
Nhưng, các tập tin được giải mật bất ngờ kết thúc tại chi tiết này. Người ta đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu nhiệm vụ thực tế mà chim bồ câu gián điệp thực hiện và chúng đã thu thập được những thông tin tình báo có giá trị nào? Điều đó vẫn còn bí mật.
Năm 2016, tạp chí New Scienceist đã báo cáo rằng Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch kiểm soát cá mập từ xa bằng cách cấy điện cực vào não của chúng. Những con cá mập sẽ được sử dụng để lén lút theo dõi các tàu dưới nước và sẽ tận dụng khả năng tự nhiên của động vật để cảm nhận độ dốc điện, cũng như lần theo những dấu vết hóa học.
Các nhà khoa học đã thảo luận về dự án tại Hội nghị Khoa học Đại dương năm 2006 của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ tại Honolulu (Hawaii). Đến nay vẫn không rõ liệu kế hoạch này có trở thành hiện thực và được triển khai hay không.